Từ đầu năm 2017 đến nay, hoạt động về vi mạch Việt Nam chỉ được gói gọn vài hoạt động đơn lẻ của trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC, ĐH Quốc gia TP.HCM) hoặc của trung tâm Nghiên cứu và phát triển (SHTPLabs, thuộc khu Công nghệ cao TP.HCM).

Trước tình cảnh này, nhiều chuyên gia đã gắn bó nhiều năm với vi mạch chỉ còn biết thở dài. Có vị nói rằng: “Với cách làm như hiện nay, vi mạch Việt Nam biết bao giờ mới thành suối?”.

Đi biển một mình!

Cho đến nay, nói đến vi mạch Việt Nam, đồng nghĩa nói về hoạt động của ngành vi mạch TP.HCM. Năm 2013, TP.HCM là địa phương đầu tiên (và cũng là duy nhất cho đến thời điểm này) đã viết một chương trình vi mạch giai đoạn 2013 – 2020 với số tiền đầu tư “trên giấy” là 7.506 tỷ đồng.

Trong đó, phần vốn dành cho xây dựng một nhà máy sản xuất chip khoảng 330 triệu USD (tương đương với 6.600 tỷ đồng). Gần 1.000 tỷ đồng còn lại được dành để xây dựng nhà thiết kế (Design House), đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư thiết kế vi mạch và vận hành nhà máy sản xuất, tổ chức các chương trình quảng bá thị trường, hợp tác quốc tế… Năm 2015, chương trình này bổ sung thêm ba đề án, trong đó có dự án về vi cơ điện tử (MEMS).

Những người viết chương trình vi mạch TP.HCM giai đoạn này đưa ra mục tiêu: đến năm 2017, ngành vi mạch TP.HCM đạt doanh thu 100 – 150 triệu USD, mời gọi ít nhất là năm tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử đầu tư tại Việt Nam, đào tạo 2.000 người (kỹ sư, kỹ thuật viên...) hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử, ươm tạo trên 30 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước, nâng cao giá trị sản phẩm điện tử trong nước với mức lợi nhuận từ 20 – 30%... Ban soạn thảo chương trình còn khẳng định: “Chương trình vi mạch TP.HCM có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam”.

Nghiên cứu về chip tại SHTPLabs. Ảnh: Trọng Hiền

Không có tiền

Không thể phủ nhận tác động của chương trình vi mạch TP.HCM. Nhiều đoàn chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch quốc tế (chủ yếu từ Nhật Bản) đã đến TP.HCM để hợp tác nghiên cứu, đặt hàng gia công với các tổ chức có nghiên cứu về vi mạch trong nước như ICDREC, SHTP… Nhiều sản phẩm đầu cuối do các doanh nghiệp trong nước dựa trên nền tảng vi mạch Việt, dù sản lượng và phạm vi sử dụng còn hạn hẹp nhưng đã bắt đầu đi vào đời sống, như điện kế điện tử của ICDREC, cảm biến áp suất của SHTPLabs…

Nhưng đó chỉ là những cố gắng tự thân. Dù đã được viết trong chương trình nguồn tiền hoạt động lên tới gần 8.000 tỷ đồng, nhưng trên thực tế, đó chỉ là xác định trên giấy! Vì không được cấp tiền mà nhiều dự án chính của chương trình này không thể hoạt động, hoặc là chỉ làm chiếu lệ.

Một vị tham gia vào ban chỉ đạo chương trình vi mạch TP.HCM cho biết, có những hoạt động chỉ cần vài chục tỷ đồng, nhưng kiếm không ra nên đành “đắp mền”! Đã nhiều lần thử tìm hiểu số tiền mà chương trình vi mạch TP.HCM đã chi trong ngần ấy năm nhưng… không thể tìm ra!

Những ngôi sao lẻ loi

ICDREC từng là ngôi sao sáng trong bầu trời vi mạch Việt Nam với những “chòi đạp” bằng đề tài, dự án về vi mạch để tồn tại. Từ năm 2013 – 2015, bình quân mỗi tháng, ICDREC tung ra một sản phẩm mới.

Nhưng từ năm 2016, GS Đặng Lương Mô, cố vấn cao cấp của ICDREC, cho biết: “Từ nhiều năm nay, ICDREC không được sự ưu đãi nào về mặt kinh phí thường niên từ ngân sách trung ương, cũng như ngân sách địa phương. Họ phải tự bươn chải, sống bằng những đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, vào nguồn thu nhập khiêm tốn từ chuyển giao công nghệ hoặc từ những hoạt động outsource cho các công ty nước ngoài”.

Ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC cho biết, hiện nay, ICDREC chỉ còn 30 nhân viên chính thức và 15 nhân viên đang đào tạo. Ông Hoàng nói: “Họ ra đi với nhiều lý do: công nghệ thiết kế thấp, lương thấp… ICDREC không đủ tiền để lo đời sống nhân viên như các tập đoàn nước ngoài”. Năm 2013, thời hưng thịnh của ICDREC với 170 nhân viên, có mức lương tương đương với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nói về công việc hiện nay, ông Hoàng cho biết, ICDREC vẫn còn nhiều việc để làm, nhưng chủ yếu là các dự án với các đối tác như tổng công ty Điện lực TP.HCM, tập đoàn Viễn thông Viettel… và hoàn thành các đề tài nghiên cứu đã đăng ký. Giờ đây ông Hoàng kiệm lời lắm, chỉ nói ngắn gọn: “Sẵn sàng tham gia vào những phần việc nếu được tin cậy”.

Sensor cảm biến được sản xuất tại SHTPLabs. Ảnh: Trọng Hiền

Chưa có nhiều “công trạng” như ICDREC, nhưng nói về vi mạch TP.HCM, không thể không nhắc đến SHTP với những phần việc đã làm cho MEMS, một dự án được bổ sung vào năm 2015.

TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý SHTP cho biết, dự án MEMS đã làm được nhiều việc như: đào tạo đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên; xây dựng và phát triển hai tổ thiết kế và chế tạo linh kiện, làm chủ công nghệ nguồn về thiết kế và chế tạo linh kiện, thương mại linh kiện cảm biến...

Ngày 22.9.2017, TS Lê Hoài Quốc chính thức tuyên bố thành lập diễn đàn MEMS TP.HCM với sự có mặt của nhiều chuyên gia về MEMS đến từ các quốc gia, trình bày về các ứng dụng MEMS trên nền tảng Internet of Things (IoT) áp dụng cho các mô hình: thành phố thông minh (môi trường, y học, năng lượng), nông nghiệp, thuỷ sản…

Viết lại nhiệm vụ

Sau năm năm hoạt động, đến nay lãnh đạo TP.HCM chưa có thời gian đánh giá về chương trình vi mạch, nhưng đã viết lại mục tiêu và hành động mới. Ngày 28.7.2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, kiêm trưởng ban chỉ đạo chương trình vi mạch TP.HCM, đã ký quyết định số 4022/QĐ-UBND về nhiệm vụ và những phần việc mới cho chương trình vi mạch.

Điểm nhấn trong quyết định này: “Phát triển công nghiệp theo hướng thương mại – dịch vụ, làm chủ công nghệ nền và công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu xây dựng đô thị thông minh; nâng cấp và xây dựng hạ tầng cho ngành vi mạch theo kịp phát triển chung của thế giới và nhu cầu thị trường…”.

Về số lượng dự án của giai đoạn mới, ban chỉ đạo xác định chỉ còn tám dự án, trong đó vẫn tiếp tục dự án nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất chip với nhà đầu tư là CNS, đồng thời đưa vào dự án mới: xây dựng phòng thử nghiệm và sản xuất thử nghiệm (Lab to Fab) do SHTP chủ trì. Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình hình công nghệ và tài chính, TP.HCM chỉ nên thực hiện dự án Lab to Fab, dẹp bỏ dự án nhà máy sản xuất chip theo quy mô Megafab. Theo GS Đặng Lương Mô, chương trình vi mạch TP.HCM nên xoay quanh “thiết kế và sản phẩm ứng dụng vi mạch theo công nghệ SOTB 65nm, để thiết kế sản phẩm IoT phục vụ mô hình thành phố thông minh”.

Trong một hội nghị về vi mạch tại khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức vào tháng 10.2017, TS Wakabayashi (ĐH Shinshu, Nagano, Nhật Bản) chia sẻ: “Thiết kế và sản xuất phải cùng lộ trình để làm sao giá thành sản phẩm ngày càng rẻ. Việt Nam cần phải tính là chọn quy mô đầu tư máy móc sản xuất như thế nào cho phù hợp với năng lực và nhu cầu chip của thị trường Việt Nam”.

Theo TS Wakabayashi, với xu hướng IoT mà thế giới đang theo đuổi, chọn mô hình “minimal fab” (xưởng cực tiểu) là bước đi hợp lý. “Chi phí đầu tư mô hình minimal fab thấp hơn 1.000 lần so với những nhà máy lớn. Mô hình minimal fab không chỉ phù hợp sản xuất chip với số lượng ít, mà còn phù hợp với nhu cầu nghiên cứu, học tập về vi mạch cho các viện trường, doanh nghiệp. Chỉ cần vài chục m2 để đặt máy, không cần phòng sạch… là có thể sản xuất chip các loại”, TS Wakabayashi nói thêm.