Tại Diễn đàn MEMS/cảm biến TPHCM 2017, tổ chức ngày 9/11, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển trong lĩnh vực hệ thống vi cơ điện tử (MEMS)/cảm biến của thành phố.
Ưu tiên phát triển sản phẩm ứng dụng cảm biến
TPHCM xác định công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ năm 2012, thành phố đã chủ động nghiên cứu và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch dựa vào thế mạnh như nguồn nhân lực; tính chủ động, tiên phong đột phá trong tư duy phát triển và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp...
Giai đoạn 2017-2020, Chương trình phát triển theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ thiết kế làm trọng tâm, từng bước tiếp cận làm chủ công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hiện TPHCM đang xây dựng và triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Trong đó, Thành phố xác định công nghệ vi mạch và cảm biến đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành hạ tầng để vận hành các ứng dụng trong đô thị thông minh.
“Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm ứng dụng cảm biến trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, chống ngập, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao”, ông Tuyến cho biết.
Cần hỗ trợ vốn đầu tư từ Nhà nước
Hiện nay, Khu công nghệ cao TPHCM tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực trọng tâm, đó là Vi điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí chính xác, tự động hóa; Công nghệ sinh học; Vật liệu mới, năng lượng.
Để phát triển hệ sinh thái từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, thương mại hóa sản phẩm, tại khu không gian khoa học, ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM -cho rằng, các doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi như: miễn thuế 4 năm đầu, không mất giá thuê đất,... cùng với các chương trình kích cầu khác của thành phố để phát triển sản phẩm mới.
Cho rằng Việt Nam là một thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này, ông Tôm Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty DunAN Sengsing nhận định, do thị trường này có cầu lớn nên gặp nhiều thách thức như quy mô sản xuất, giá thành, tiêu thụ năng lượng... Vì vậy, Việt Nam cần tìm được công nghệ sản xuất sản phẩm ứng dụng MEMS/cảm biến thích hợp với chi phí thấp. Đồng thời, cần có hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu từ nhà nước và tận dụng lợi thế cạnh tranh trong nước như nguồn nhân lực trẻ, cơ sở hạ tầng.
Chung nhận định trên, ông Roger Grace – Chủ tịch Hiệp hội RGA (Mỹ) - cũng cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu từ nhà nước thì rất khó thành công để thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng MEMS/cảm biến.
"Ngoài ra, Việt Nam cần lựa chọn những sản phẩm thích hợp để phát triển theo nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, quảng báo rộng rãi cho thế giới biết đến Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh và nhu cầu sản phẩm để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này" – theo ông Roger Grace.
Được biết, Diễn đàn MEMS/cảm biến TPHCM 2017 do Khu Công nghệ cao TPHCM chủ trì tổ chức. Diễn đàn lần này có sự tham gia trình bày của nhiều diễn giả là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực cảm biến về các vấn đề: Tổng quan về cơ hội, thách thức của mems/cảm biến; Vai trò cụm công nghiệp trong lĩnh vực thương mại hóa thành công mems/cảm biến; Cảm biến sinh học, phòng lab trên chip và các dụng cụ y khoa; mems/cảm biến cho internet của vạn vật trong thành phố thông minh; cảm biến cho nông nghiệp số…