Tahara thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, đã nghiên cứu tác động kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đối với các nước châu Á. Sử dụng dữ liệu từ tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, ông tính toán việc tăng 1% của nhu cầu cuối cùng của Mỹ hoặc Trung Quốc, sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội ở Nhật Bản và năm nền kinh tế lớn nhất của ASEAN, thông qua xuất khẩu và các kênh khác lên bao nhiêu.
Sự gia tăng 1% nhu cầu ở Trung Quốc sẽ nâng tổng GDP của các nước ASEAN lên 3,3 tỷ USD vào năm 2030, theo số liệu của Tahara, gấp đôi con số năm 2015 và tương đương 0,074% GDP danh nghĩa. Trong khi đó, cùng với mức tăng 1% nhu cầu ở Mỹ thì sẽ chỉ tạo ra sự gia tăng 1,9 tỷ USD.
Cách đây gần ba năm Tencent của Trung Quốc đã có thể cho robot viết bài báo về lạm phát. Lĩnh vực robot của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong vài năm tới. Ảnh: TL
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã vượt qua Mỹ vào năm 2015, ở mức 2,8 tỷ USD với 2,7 tỷ USD cho mức tăng 1% của nhu cầu cuối cùng. Chính sách kích cầu kinh tế trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (616 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay) của Bắc Kinh được triển khai trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính, đã hỗ trợ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị, nâng mức xuất khẩu máy móc của Nhật Bản sang Trung Quốc.
Tahara tiên đoán con số này của Trung Quốc sẽ đạt 4,6 tỷ USD vào năm 2030, tăng 0,096% GDP danh nghĩa Nhật Bản từ mức 0,064% của năm 2015. Mỹ dự kiến vẫn duy trì được ảnh hưởng trong nền kinh tế thế giới nói chung trong năm 2030, nâng GDP toàn cầu lên 52,9 tỷ USD/ mức tăng 1% nhu cầu – cao hơn 20% so với tác động của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ có một ưu thế vượt trội ở châu Á, một phần do thuận lợi về mặt địa lý. Thời đại của Mỹ như là siêu cường kinh tế duy nhất, nơi mà “Mỹ hắt hơi và châu Á sẽ bị viêm phổi”, dường như đang dần trở thành một điều của quá khứ.
Chi phí nhân công ngày càng gia tăng trong ngành sản xuất của Trung Quốc, đã tạo ra cơ hội cho các công ty Nhật Bản làm giàu. Vào cuối năm ngoái, Mitsubishi Electric đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất robot công nghiệp ở Trung Quốc.
Bây giờ ở Trung Quốc, một bức tranh hoàn toàn khác đang hình thành, nhờ một kế hoạch chi tiết Made in China 2025 (xuất xứ từ Trung Quốc năm 2025). Công bố vào năm 2015, sáng kiến này là nỗ lực khổng lồ của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy nước này trở thành nước dẫn đầu thế giới trong một số ngành công nghệ cao, như thiết bị y tế, hàng không và robot – mấu chốt của mong muốn sẽ tự động hoá nền kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất thực phẩm, điện tử và nhiều hơn nữa.
Nhưng để làm được điều đó, Trung Quốc cần nhiều robot hơn. Ngoài kế hoạch Made in China 2025, chính phủ cũng đã công bố Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp robot, một kế hoạch năm năm để nhanh chóng mở rộng lĩnh vực robot công nghiệp của nước này. Đến năm 2020, Trung Quốc muốn sản xuất ít nhất 100.000 robot công nghiệp hàng năm. Đất nước đang mở hết tốc lực hướng đến một tương lai tràn ngập robot, để không chỉ làm mới lại nền kinh tế của mình, mà còn chuyển đổi thành thủ đô robot của thế giới – vượt mặt Nhật, Đức và Mỹ trong quá trình này.
Theo hiệp hội Robot quốc tế (IFR), Trung Quốc đang có thị trường robot khoảng 30 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Hiện nước này cũng xếp thứ nhất về thị trường kinh doanh robot công nghiệp, với Mỹ thứ tư (Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là hai và ba). Mặc dù Mỹ vẫn được coi là nước dẫn đầu thế giới về tự động hoá trong sản xuất ô tô, Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được tiến bộ để vượt qua Mỹ và các đối thủ khác.