Sẽ có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho việc ứng dụng công nghệ gene trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án "Ứng dụng công nghệ gene trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý" là Dự án thực hiện Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 1/6/2011.

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn chủ đầu tư áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Dự án "Ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý" sẽ tiến hành sản xuất sản phẩm Biochip (tim mạch, phát hiện các bệnh: lao, ung thư, khiếm thính bẩm sinh...) với quy mô 360.000 chíp/năm.

Dự án trên đã được Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 4/2015. Các sản phẩm Biochip hiện đã và đang được ứng dụng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước.

Theo chính sách tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/10/2010, dự án trên sẽ được hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ và tạo điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, đào tạo và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực công nghệ cao và một số cơ chế, chính sách ưu đãi khác.