Có không ít doanh nghiệp đã phải trải qua những bài học đau xót vì ký hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Lý do là vì họ chỉ chú ý đến các điều khoản liên quan đến dây chuyền công nghệ mà quên mất khâu bảo trì, bảo dưỡng, đào tạo…Chính vì vậy, có khi giá tiền nhập dây chuyền chỉ 5 đồng nhưng tiền bảo trì, đào tạo… mất nhiều hơn số đó mà vẫn buộc phải móc thêm hầu bao.
a
Ngành công nghiệp sản xuất ôtô, máy móc của Việt Nam được cho là chậm nâng cấp công nghệ. Ảnh: PN

Luật còn khoảng trống

Công nghệ là hàng hóa vô hình được mua bán trong thị trường công nghệ nên vai trò, tác dụng của các tổ chức dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao cũng như các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật như định giá, đánh giá, giám định thực sự cần thiết và không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam còn thiếu vắng các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ, đàm phán thương thảo và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Đơn cử như ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, không bàn gì đến chính sách sau chuyển giao công nghệ và công nghệ nên cứ thế lạc hậu dần đi, phải chờ Nhà nước tái đầu tư.
Để hỗ trợ hoạt động này hiệu quả và cũng là để tránh cho DN không gặp khó sau chuyển giao, chúng ta cần nghĩ tới hoạt động sau chuyển giao công nghệ và cần thiết đưa vào luật định một cách chặt chẽ.

Hiện nay, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 2013 chưa đề cập đến hoạt động “phát triển công nghệ” theo nghĩa đích thực của nó, bao gồm “mở rộng công nghệ” và “nâng cấp công nghệ” - là những hoạt động mà chúng tôi gọi là hoạt động “sau chuyển giao công nghệ”.
Khái niệm này chưa được đề cập sâu trong Luật KH&CN, dù rằng chúng ta đã có riêng luật về chuyển giao công nghệ nhưng quan điểm của tôi cho rằng Luật KH&CN vẫn là đạo luật gốc về KH&CN không thể bỏ qua.
Soi vào Luật Chuyển giao công nghệ cũng không có một quy định nào liên quan đến việc điều chỉnh các hoạt động sau chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, đây là điểm rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp cũng như việc tiếp nhận công nghệ vào Việt Nam.

Mở rộng công nghệ

Khái niệm mở rộng công nghệ - tiếng Anh là Extensive Development of Technology hoặc Diffusion of Technology, có nghĩa đầy đủ là “phát triển công nghệ theo chiều rộng”, là sự phổ cập một công nghệ sau khi chuyển giao. Công việc này hết sức cần thiết, vì công nghệ được chuyển giao cần phát huy tác dụng trên diện rộng.

Năm 1985, tôi đã đi dự một hội thảo về chuyển giao công nghệ do ESCAP tổ chức ở Bắc Kinh. Trong một cuộc đàm đạo với các đồng nghiệp Trung Quốc quanh bàn càphê giờ giải lao, tôi được họ cho biết Trung Quốc đang thực hiện bốn chuyển giao công nghệ: Một là chuyển giao từ quốc phòng sang dân sự; hai là chuyển giao từ công nghiệp sang nông nghiệp; ba là chuyển giao từ thành phố về nông thôn và thứ tư là chuyển giao trong nội bộ một ngành, từ khu vực tiên tiến sang khu vực lạc hậu. Thực sự tôi tâm đắc với bốn chuyển giao công nghệ của họ.

Chính mắt tôi được chứng kiến công cuộc chuyển giao từ quốc phòng sang dân sự từ thập niên 1960 khi tôi đến làm việc ở Trung Quốc. Tôi đã đến hàng loạt xí nghiệp để chứng kiến điều này.

Khi hỏi các đồng nghiệp ở đây, họ đã cho biết đây là biện pháp mở đường “tân trang và nâng cấp cho công nghiệp quốc phòng, vừa tận dụng công nghệ thải loại của quốc phòng để nâng cấp cho khu vực nông nghiệp dân sự.

Nhiều năm sau đó, khi có điều kiện làm việc với đồng nghiệp công nghệ quốc phòng ở ta, tôi vẫn nghe chủ trương “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”.

Với chủ trương này, có những thiết bị công nghệ được giữ mới nguyên vẹn, nhưng đã bị hao mòn vô hình đến mức đã mất an toàn giá trị sử dụng vì sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ quốc phòng. Đó chính là bức tranh sinh động của quá trình “mở rộng công nghệ” trên diện rộng trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội phủ kín lãnh thổ quốc gia.

Nâng cấp công nghệ

Nâng cấp công nghệ - trong tiếng Anh là Intensive Development of Technology hoặc Upgrading of Technology - cũng là một bước tất yếu sau chuyển giao công nghệ. Việc nâng cấp công nghệ không phải diễn ra trên toàn bộ dây chuyền công nghệ, mà có thể diễn ra tại một hoặc một số khâu thiết yếu.

Không bao giờ các chủ hãng tư nhân chờ đến khi toàn bộ dây chuyền công nghệ suy sụp hoàn toàn mới thay một dây chuyền mới, vì bài toán về nâng cấp công nghệ không chỉ đơn giản là bài toán công nghệ, mà trên thực tế là một bài toán kinh tế.

Một nhà kinh doanh thông minh luôn thấy trước việc nâng cấp công nghệ để giành thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để hoạt động nâng cấp, chuyển giao được diễn ra tốt đẹp rất cần chú ý đến cả hai khâu: “Mở rộng công nghệ” và “nâng cấp công nghệ”. Vì vậy, vấn đề này cần được đề cập sâu trong Luật KH&CN và Luật Chuyển giao công nghệ.

Sức mạnh kinh tế của doanh nghiệp - suy rộng ra của một đất nước - nằm ở năng lực công nghệ, trong khi năng lực công nghệ không thể dừng lại ở hoạt động chuyển giao công nghệ, mà quan trọng là ở các hoạt động sau chuyển giao công nghệ. Vì vậy tôi cho rằng trong chính sách KH&CN của một đất nước, đây đáng xem là nội dung cần được quan tâm.
PGS-TS Vũ Cao Đàm sinh năm 1938 tại Thái Bình. Ông có nhiều năm công tác tại khoa Khoa học quản lý Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ông được biết đến là một nhà giáo, nhà khoa học, tác giả, đồng tác giả nhiều công trình tiêu biểu như: Technology transfer into Vietnam (viết chung); Research policy institute - University of Lund, Sweden, 1986; Evaluation of technology transfer into Vietnam (viết chung); Research policy institute - University of Lund, Sweden, 1991; The role of top level research institutions in Vietnamese policy making (viết chung); A study for Swedish international development authority (SIDA), 1993; Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1996; Nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn - NXB Chính trị quốc gia, 1999; Đánh giá nghiên cứu khoa học - NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2004; Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2005…