Thêm ý kiến sửa đổi thông tư 20/2014/TT/BKHCN, một phần nội dung đối thoại chính sách lần thứ ba giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ngày 27/10 tại Hà Nội.

Tại đối thoại, Hội trưởng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - ông Tsukasabun Tokuyama - đề xuất ba vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 20/2014/TT/BKHCN quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Những băn khoăn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về thông tư 20, đã được rà soát và xử lý những vấn đề cơ bản.
Những băn khoăn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về thông tư 20, đã được rà soát và xử lý những vấn đề cơ bản.

Thứ nhất, cần kéo dài thời gian thực hiện thông tư 20, thời hạn trong dự thảo bắt đầu từ ngày 1/1/2016 là quá ngắn.

Thứ hai, quy định mốc 10 năm - tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu - là quá nghiêm ngặt, nên thay đổi quy định về thời gian sử dụng bằng quy định về đảm bảo tính năng.

Thứ ba, xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn máy móc, thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam, bởi việc kiểm tra tất cả các loại máy móc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Giải đáp những băn khoăn của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về thông tư 20, bà Trần Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) khẳng định: “Chúng tôi đã rà soát và xử lý những vấn đề cơ bản”.

Dự thảo thông tư 20 quy định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không quá 10 năm - tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu; riêng các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam thì việc chuyển máy móc, dây chuyền sản xuất từ nước thứ ba sang Việt Nam hoặc từ Nhật Bản sang Việt Nam được nới lỏng hơn.

Bà Nhung cho biết, nếu các doanh nghiệp đã liệt kê và ghi rõ danh mục máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ thì giai đoạn sau không phải áp dụng quy chế này.

Trong văn bản này - theo bà Trần Kim Dung, các doanh nghiệp “hiểu chưa chính xác” về nội dung đánh giá tính phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam.

“Chúng tôi không yêu cầu các doanh nghiệp phải đi đánh giá lại thiết bị” - bà Dung nói và chỉ dẫn: Trong các tài liệu đi kèm máy móc, thiết bị phải thể hiện được sự phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc phù hợp với tiêu chuẩn các nước G7, trong đó có Nhật Bản.

Về kiến nghị kéo dài thời hạn thông tư 20, bà Trần Kim Dung cho biết, dự thảo thông tư đã tương đối hoàn chỉnh, sẽ ban hành trong quý IV năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ hi vọng, đến tháng 7/2016, các doanh nghiệp và cơ quan liên quan có đủ thời gian chuẩn bị và thực hiện các nội dung trong thông tư này.

Những đề xuất này không mới bởi trên thực tế, đó cũng là những nội dung đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN ghi nhận sau hai buổi tiếp đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Hiệp hội các Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hồi tháng 9/2015.

Thêm một lần giải thích từ Vụ Thẩm định và Đánh giá công nghệ, các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ hơn ý tứ của thông tư 20 và nhất trí với ý kiến của Bộ KH&CN đưa ra.

Thông tư 20 của Bộ KH&CN được ban hành ngày 15/7/2014. Trước nhiều ý kiến kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng thực hiện thông tư để tiếp thu thêm ý kiến.