Không dễ để một triệu giáo viên Việt Nam thay đổi cách giảng dạy theo mục tiêu “phát triển năng lực” người học của chương trình phổ thông mới. Và liệu giáo viên có cảm thấy cần phải thay đổi phương pháp dạy không, khi dò mẹo và học thuộc vẫn đang là những biện pháp ứng phó hiệu quả với các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia.
Căn phòng lớn gần như một hội trường, khoảng hơn 200 học sinh đang đồng loạt làm cùng một công việc: khẩn trương chép lại những gì người giáo viên trên bục giảng đọc qua một chiếc micro. Căn phòng này giống với một nhà xưởng nơi các công nhân áo trắng đồng loạt thực hiện một quy trình thủ công nào đó hơn là một lớp học. Công việc của họ thay cho những chiếc máy in: tạo ra 200 bản sao của một tài liệu gốc. Đây có vẻ là quy trình sản xuất thường quy ở các lớp ôn thi Văn. “Tôi chấm thi học sinh giỏi quốc gia Văn lớp 12 nhiều năm, đối với loại bài phân tích tác phẩm văn học thì luôn chán đến tận óc, bởi vì số bài các em nói lên cách nhìn riêng rất ít”, PGS. Trần Thị Hiền Lương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, kể lại.
Tình hình ở môn Toán cũng không khá hơn. Thi trắc nghiệm, hình thức thi mới được áp dụng vài năm gần đây, đang “thúc đẩy lối học mẹo mực, dò mẹo để chọn ngay được kết quả mà không hiểu bản chất toán học của câu hỏi, chỉ chẩn đoán qua một vài dấu hiệu để chọn đáp án đúng”, GS. Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình giáo dục Toán phổ thông mới, nói.
Nhiều nhà giáo dục mà chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng bày tỏ nỗi lo giáo dục phổ thông đang không nhằm phát triển năng lực, khả năng tư duy hay giải đáp một vấn đề thực tiễn nào. Khó trách người dạy hay người học, khi đây là những cách dạy và cách học hiệu quả nhất để ứng phó với các kỳ kiểm tra, đánh giá.
Những quan điểm giáo dục không mới
Không nền giáo dục nào đủ ấu trĩ để coi đọc chép hay dò mẹo là đích đến của mình. Ở Việt Nam, những tư tưởng giáo dục hiện đại đã được đặt ra từ rất sớm. Năm 1945, trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi nền giáo dục Việt Nam là “nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Gần đây hơn, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đặt mục tiêu “chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao…”
“Có thể nói tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thật ra là tiếp nối quan điểm giáo dục đã được hình thành từ rất sớm của Việt Nam, chỉ có điều lâu nay chương trình và cách thức dạy học, kiểm tra đánh giá không thực hiện được”, theo PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một văn bản quan trọng về giáo dục của Nhà nước nhắc đến mục tiêu phát triển cá tính của người học: “... có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú”.
Nói một cách dễ hình dung, chương trình mới đặt mục tiêu lật ngược tình trạng thực tế của giáo dục phổ thông hiện nay.
“Chương trình lần này làm thực sự có lý luận, trước đây thật ra thiên về kinh nghiệm, dựa nhiều vào nước ngoài. Rất mừng khi có cái gọi là mục tiêu chương trình, từ trước tới nay ta chưa bao giờ có cái gọi là mục tiêu chương trình, chỉ có mục tiêu giáo dục”, một thành viên ban thẩm định sách giáo khoa yêu cầu giấu tên, nói. Nhưng nếu muốn hiện thực hóa những mục tiêu tốt đẹp của chương trình mới, chuyển giáo dục phổ thông từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, thì việc dạy học và kiểm tra đánh giá sẽ phải thay đổi.
Đặt giáo viên làm trung tâm
Với bất kỳ chương trình giáo dục nào thì người trực tiếp truyền tải và hướng dẫn học sinh sẽ là giáo viên đứng lớp. “Chương trình mới dạy ra làm sao, triển khai ra làm sao phải được thẩm thấu với đúng tinh thần của nó đến từng giáo viên, nếu không là hỏng”, theo GS. Đỗ Đức Thái.
Đó là chưa kể, trong chương trình mới có những nội dung khá mới mẻ ngay cả với người dạy, đòi hỏi họ phải cập nhật kiến thức và nắm bắt những kỹ năng mới. Chẳng hạn, theo chương trình mới, ở môn Tin học lớp 10, học sinh thực hành với các bộ phận của robot giáo dục, thiết kế thuật toán để kết nối robot giáo dục với máy tính, và lập trình điều khiển robot giáo dục. Ở môn Công nghệ lớp 11, học sinh được yêu cầu phải có những hiểu biết nhất định về các bộ phận và quy trình gia công của máy khắc CNC và máy in 3D, cũng như phải biết lập trình, kết nối và in được vật thể đơn giản bằng máy in 3D. Làm sao để hướng dẫn cho học sinh những nội dung này, khi rất ít các thầy cô, cả ở địa phương và các thành phố lớn, đã được tiếp xúc với máy khắc CNC, máy in 3D và robot giáo dục, theo TS Đặng Văn Sơn, Học viện Sáng tạo S3, người đang điều phối một chương trình đưa giáo dục STEM về các trường THPT trên khắp cả nước.
Chúng ta vẫn thường nói lấy học sinh làm trung tâm nhưng tại thời điểm này, khi việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã sát nút rồi thì chính người giáo viên mới cần được đặt vào vị trí trung tâm, lãnh đạo một trường tiểu học ở Hà Nội bày tỏ.
Chương trình mới sẽ được triển khai theo kiểu cuốn chiếu: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và đến năm học 2024-2025 triển khai với lớp các lớp cuối cấp: lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Thông thường, để chuẩn bị cho giáo viên sẵn sàng triển khai chương trình mới, sẽ có các đợt tập huấn chính thức do các sở, phòng giáo dục tổ chức. Một số trường có điều kiện có thể mời chuyên gia về tập huấn thêm ở từng môn học. Nhưng trong trường hợp khó có khả năng tiếp cận chuyên gia, nhà trường và các địa phương nên tổ chức cho giáo viên cập nhật chương trình qua học trực tuyến và nghiên cứu học liệu, theo ý kiến của nhiều thành viên trong Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có PGS. Hùng và GS. Thái. Cách làm này đảm bảo truyền tải chính xác thông tin, tránh tam sao thất bản. “Còn theo cách làm như lâu nay chúng ta đào tạo tập huấn một đội ngũ báo cáo viên cốt cán, rồi sau đó họ lại đi tập huấn lại cho đội ngũ khác, đội ngũ khác đó lại đi tập huấn lại cho giáo viên… thì có lẽ không phải cách làm hiệu quả”, PGS. Hùng nhận xét.
Khó dạy khác khi cách thi… vẫn thế
Tuy nhiên, liệu giáo viên có hào hứng thay đổi phương pháp dạy không, khi dò mẹo và học thuộc vẫn đang là những biện pháp ứng phó hiệu quả với các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia?
“Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất từ giáo viên là: nếu dạy theo thầy thì đúng là hay thật nhưng thi cử người ta có thi như thế đâu”, GS Đỗ Đức Thái kể lại. “Trắc nghiệm multiple choice [chọn đáp án đúng trong các đáp án cho trước] như chúng ta thực hiện vài năm gần đây ở kỳ thi THPT Quốc gia là mâu thuẫn và cản trở việc hình thành năng lực toán học. Chúng ta không thể đo được năng lực tư duy, lập luận, giao tiếp, mô hình hóa toán học bằng multiple choice”.
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, một thành viên khác trong Ban chương trình Toán, cho rằng nên đánh giá học sinh theo hình thức “portfolio” [hồ sơ năng lực] để theo dõi năng lực trong suốt quá trình học, thay vì thi theo kiểu “chụp ảnh chốc lát”/ một kỳ thi chốt chặn cả chương trình học. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, để đi theo cách đánh giá này cần những công cụ và quy trình khác so với hệ thống đánh giá hiện nay.
“Nếu thi cử không đổi mới thì mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ... Việc thi cử như thế nào sẽ quy định việc dạy học như thế”, PGS. Lương nói về việc đổi mới chương trình Ngữ văn. Thi môn Ngữ văn nên tránh dùng các ngữ liệu đã học để thực sự đánh giá được khả năng đọc hiểu/ phân tích của học sinh và không nên chấm điểm trên các tiêu chí cứng, bà nhấn mạnh. “Mỗi học sinh có quyền hiểu tác phẩm theo cá tính, hiểu biết của mình; không thể ra đề mở xong chốt lại chỉ có một đáp án đúng”.
Theo một thành viên ban thẩm định SGK, yêu cầu ẩn danh, đang xảy ra xung đột giữa ý kiến dư luận cho rằng không nên để chỗ trống cho học sinh điền vào SGK (để có thể tái sử dụng SGK) và ý đồ sư phạm của người soạn sách trong việc trực quan hóa các bài học, đặc biệt với những học sinh lớp 1 chưa biết chữ. Việc đang phải “ra sức khắc phục” để đáp ứng yêu cầu này khiến chất lượng bộ sách bị tồi đi, vị tổng chủ biên một bộ SGK khác cho biết. “Chúng ta muốn học sinh đổi mới cách học nhưng lại muốn SGK phải quay về như cũ. Trong khi đó, ở Mỹ, học sinh thậm chí có thể xé rời những trang sách sau mỗi bài học,” vị tổng chủ biên này nói. |
Nhiều ý kiến trong bài viết được ghi nhận từ “Diễn đàn Giáo dục Việt Nam Educamp 2019: Những viễn cảnh giáo dục mới” do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.