Liên quan tới những tranh luận về khái niệm “made in Viet Nam” xuất phát từ vụ việc với doanh nghiệp Asanzo vừa qua, nhà kinh tế Lê Hồng Giang qua bài viết dưới đây cho rằng các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cần có cái nhìn công bằng và khách quan, tránh sa vào định kiến dân túy theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Ảnh: Văn Mỹ - ninhthuan.gov.vn.
Ảnh: Văn Mỹ - ninhthuan.gov.vn.

Những cuộc vận động hay kêu gọi mua hàng nội địa (Buy American, Buy Australian Made, Người Việt dùng hàng Việt...) nhìn chung không được giới kinh tế học ủng hộ. Có không ít sách giáo khoa kinh tế phản bác vấn đề này cho rằng hãy để doanh nghiệp nội địa cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu bởi như thế họ mới lớn mạnh được. Điều này cũng tương tự như quan điểm tự do thương mại được hầu hết các nhà kinh tế tán thành: đánh thuế lên hàng nhập khẩu (để bảo vệ hàng sản xuất trong nước) có hại nhiều hơn lợi cho nền kinh tế và cho người tiêu dùng. Tuy nhiên người dân và đôi khi cả các chính phủ không đồng tình với quan điểm thuần túy kinh tế học đó, dù trên thực tế hành vi của họ vẫn “ngấm ngầm” ủng hộ các nhà kinh tế (tiếp tục mua hàng nhập khẩu giá rẻ, hay tiếp tục tin tưởng vào chất lượng của các thương hiệu “ngoại”).

Quay lại câu chuyện Asanzo nói riêng và vấn đề “hàng Trung Quốc” nói chung, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không/khó có thể cạnh tranh được với hàng do Trung Quốc sản xuất? Thực ra câu hỏi này không chỉ với Việt Nam mà cho tất cả các nước, có thể thấy ví dụ điển hình qua cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Người Việt hay viện dẫn các lý do như hàng Trung Quốc vào Việt Nam có chất lượng kém [nên chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm thấp], các nhà máy ở Trung Quốc đã khấu hao hết rồi, doanh nghiệp Trung Quốc được chính phủ của họ trợ giúp (đây cũng là lý do về “bất công bằng thương mại” mà Tổng thống Mỹ Trump viện dẫn), thị trường Trung Quốc lớn nên doanh nghiệp của họ có lợi thế quy mô sản xuất lớn... Tất nhiên những lý do đó có phần đúng, nhưng với tôi nguyên nhân quan trọng nhất để Trung Quốc trở thành “công xưởng cho cả thế giới” và hàng “Made in China” tràn ngập mọi nơi là làn sóng toàn cầu hóa gia tăng sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, khi đó Trung Quốc tình cờ mở cửa đúng thời điểm, với các yếu tố kinh tế xã hội, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, kỷ luật lao động... phù hợp, đã được “bàn tay vô hình” đặt vào vị trí “nhà sản xuất toàn cầu” (global manufacturer) của chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi không loại trừ tác động của các chính sách trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc (về công nghiệp, tỷ giá hối đoái, tín dụng) và cả việc đi đánh cắp/buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài, nhưng những điều đó không phải là yếu tố quyết định.

Trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của thế giới” như một hệ quả của những lợi thế và tác nhân như vậy thì hiệu quả của việc kêu gọi “người Việt mua hàng Việt” (NVMHV) sẽ càng bị giới hạn, nếu không nói sẽ có tác dụng ngược như trường hợp Asanzo vừa rồi. Trước hết NVMHV cũng chỉ là một biện pháp bảo hộ hàng nội địa dù nó dựa trên lòng yêu nước, tự hào dân tộc, hay ước mong nền công nghiệp nước nhà phát triển, về bản chất kinh tế không khác mấy các rào cản thương mại tariff/quota hay các loại hàng rào kỹ thuật. Về mặt vĩ mô bất kỳ biện pháp bảo hộ nào sẽ làm mặt bằng giá cả trong nước tăng lên và tiêu dùng giảm xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nội địa và gián tiếp lên tăng trưởng kinh tế. Vấn đề này càng trầm trọng hơn khi những doanh nghiệp nội địa không có lợi thế so sánh nhưng cố gắng đầu tư (vì ý chí chính trị của các nghị quyết hay vì kêu gọi NVMHV) để cạnh tranh với “công xưởng thế giới” bởi dòng vốn (và nhân lực) sẽ bị phân tán ra khỏi các khu vực kinh tế khác có hiệu quả hơn.

Cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển không phải là kêu gọi NVMHV mà là giảm thiểu các thủ tục phiền hà, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, và xây dụng sân chơi công bằng minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Các chính sách vĩ mô (tiền tệ, tỷ giá) hợp lý cũng giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu thay vì phải dựa vào các hàng rào bảo vệ thương mại. Nhìn từ phía người tiêu dùng thay vì kêu gọi NVMHV nên giúp họ có những lựa chọn đúng đắn dựa vào chất lượng và giá cả, xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi lừa dối trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng. Xét cho cùng mục tiêu của các chính sách kinh tế là để cuộc sống người dân tốt lên, chứ không phải để họ tin rằng mua hàng Việt là yêu nước. Mà thực ra khi người tiêu dùng mua hàng một cách thông minh tổng tiết kiệm nội địa sẽ tăng kéo theo đầu tư tăng, quay lại có lợi cho chính các doanh nghiệp trong nước. Chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, bạn sẽ chọn phương án Asanzo nhập 90% linh kiện về lắp ráp TV và sản phẩm của họ chiếm 50% thị trường Việt Nam, hay họ sản xuất TV 100% “nội địa” nhưng chỉ được 5% thị phần?


Cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển là giảm thiểu các thủ tục phiền hà, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, và xây dụng sân chơi công bằng minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Những ví dụ như Bphone, Khai Silk, Asanzo, VinFast cho thấy vì khái niệm “hàng Việt” không dễ xác định nên khó tránh khỏi bị các doanh nghiệp lợi dụng để khai thác “hàng rào bảo hộ” NVMHV một cách công khai hay ngấm ngầm. Tôi không muốn phán xét hành vi này nhưng lòng yêu nước của người Việt không nên là điều được vận dụng một cách phung phí ở đây, để rồi khiến người dân thất vọng, và xói mòn niềm tin của cộng đồng vào giá trị cao cả đó. Asanzo bị lên án vì nhiều người cho rằng công ty này đã lừa dối, lợi dụng tâm lý ủng hộ mua hàng Việt để trục lợi. Tôi thông cảm với sự phẫn nộ này, chí ít Asanzo đã quảng cáo gây hiểu lầm và không minh bạch với người tiêu dùng. Nhưng trong thâm tâm tôi thấy tiếc cho một thương hiệu Việt năng động, một doanh nhân giỏi giang đáng lẽ đã không có cú vấp ngã này nếu không vì chạy theo phong trào NVMHV. Sau những vụ như thế này người Việt có thể sẽ trở nên “hoài nghi” hơn, không còn dễ dàng đặt niềm tin vào những lời kêu gọi liên quan đến dân tộc, đến lòng yêu nước. Đây là một điều đáng tiếc.

Cuối cùng, dù không liên quan lắm đến NVMHV, việc kêu gọi yêu nước một cách tràn lan, đánh đồng tình yêu nước với chủ nghĩa dân tộc, có khả năng đẩy xã hội đến gần những tư tưởng cực đoan, hẹp hòi, mang tính đối kháng và kỳ thị gây bất ổn. Ở mức độ thấp hơn, tinh thần dân túy đã lan vào giới doanh nghiệp như chúng ta đã biết, điển hình khi vụ Asanzo xảy ra rồi hàng loạt siêu thị điện máy tuyên bố gỡ bỏ hàng của Asanzo khỏi kệ. Hãy giữ các quan hệ kinh tế/thương mại tuân thủ theo hợp đồng/pháp luật, đó là nền tảng của một xã hội văn minh.