Đó là câu hỏi mà nghiên cứu gần đây đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phát triển của NXB Routledge, của hai tác giả người Anh là Robyn Klingler – Vidra và Robert Wade từ Đại học King’s College London và trường Đại học Kinh tế và Chính trị London cố gắng trả lời*.

Việt Nam phải thay đổi từ một nền kinh tế chuyên gia công thành một nền kinh tế mà giá trị gia tăng dựa trên những sản phẩm và quy trình đổi mới sáng tạo. Ảnh: East West Manufacturing
Việt Nam phải thay đổi từ một nền kinh tế chuyên gia công thành một nền kinh tế mà giá trị gia tăng dựa trên những sản phẩm và quy trình đổi mới sáng tạo. Ảnh: East West Manufacturing

Bẫy thu nhập trung bình là một “nỗi ám ảnh” bao phủ các quốc gia đang phát triển ở ASEAN khi tổng giá trị đầu ra của nền kinh tế không thể đuổi kịp mức độ tăng của giá thành sản xuất. Pietro Masina, Phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, không một quốc gia ASEAN nào, bao gồm cả Việt Nam hiện có khả năng bước từ một quốc gia có nền công nghiệp phụ trợ phụ thuộc vào chỉ dẫn nước ngoài thành một quốc gia hoàn toàn làm chủ và nội địa hóa cả về quản trị và công nghệ.

Cách rõ nhất để Việt Nam thoát khỏi điều này đã được nhắc đến từ gần 10 năm trước trong các báo cáo của World Bank là phải chuyển từ một nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ sang một nền kinh tế dựa vào năng suất lao động cao hơn, giá trị gia tăng dựa trên đổi mới sáng tạo trong quy trình và sản phẩm nhiều hơn. Các chuyên gia, cụ thể hơn, cho biết rằng, chính phủ phải đầu tư nhiều hơn vào khoa học và công nghệ, bao gồm cả việc đầu tư cho giáo dục các ngành này.

Chính phủ Việt Nam, trong những phát biểu của mình, cũng luôn tỏ ra đồng tình với quan điểm trên. Nhất là khi Việt Nam được “truyền cảm hứng” từ người láng giềng Trung Quốc – một nước có cơ chế hành chính tương đồng với Việt Nam ở điểm TW ban hành nghị quyết, địa phương triển khai hoạt động. Trung Quốc không chỉ có nền khoa học và công nghệ tiên tiến vượt bậc trong chưa đầy ba thập kỉ trở lại đây mà chính sách của họ thể hiện đầy quyết tâm với những mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như sáng kiến Made in China 2025, nhằm mục tiêu thúc đẩy quốc gia này dẫn đầu thế giới trong những công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo, robotics…

Tuy nhiên, trong 10 năm qua ở Việt Nam, lời nói và hiện thực là cả một khoảng cách xa.

Theo hai tác giả của nghiên cứu, có thể phân các chính sách đổi mới sáng tạo thành ba loại: hướng tới mục tiêu (mission – oriented), hướng tới phát minh, sáng chế (invention-oriented) và hướng tới điều chỉnh hệ thống (system oriented).

Các chính sách hướng tới mục tiêu dài hạn tập trung vào đầu ra có ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ, còn gọi là “đổi mới sáng tạo từ trên xuống”, bày tỏ tham vọng của chính phủ trong việc thay đổi một ngành, lĩnh vực công nghiệp nào đó, chẳng hạn như chính sách Made in China 2025 nói trên của Trung Quốc hay chính sách “đưa người lên Mặt trăng” do John F. Kennedy khởi xướng vào những năm 50.

Các chính sách hướng tới phát minh sáng chế thường chỉ tập trung vào giai đoạn sáng chế hơn là việc khai thác và thương mại hóa nó. Các chính sách này thể hiện dưới dạng tăng đầu tư R&D mạnh mẽ ở tất cả các khối nhà nước, viện, trường; trong đó bao gồm cả việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào R&D, tăng số lượng biên chế cho các tổ chức nghiên cứu, đầu tư cho giảng dạy STEM.

Để tạo ra những thay đổi cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần đầu tư tập trung vào R&D quốc gia để tăng cường năng lực công nghệ của startup. Nếu không, số phận của các startup chỉ là bắt chước hoặc đi gia công.

Loại chính sách thứ ba là hướng tới đẩy mạnh năng lực của cả hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đó là các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm cả các chính sách dạy máy tính cho trẻ em tiểu học tới những quy định dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp tuyên bố phá sản.

Trung Quốc sở dĩ có được sự phát triển ngoạn mục về khoa học công nghệ trong vài thập kỉ trở lại đây là do họ thực hiện cả ba loại chính sách trên một cách mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam gần như chưa có loại chính sách thứ nhất và chính sách thứ hai. Việt Nam chưa bao giờ đưa ra một mục tiêu dài hạn tạo ra một thứ gì đó “hàng đầu hay dẫn đầu thế giới”. Ngân sách chi tiêu cho Khoa học Công nghệ vẫn kiên trì không đổi, chưa bao giờ đạt được 2% ngân sách theo Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Việt Nam từng đạt mục tiêu chi gấp đôi cho KH&CN từ năm 2010 – 2020 thành 1.5% GDP nhưng thực tế cách quá xa so với kì vọng khi con số đó chỉ là 0.4%, thấp hơn Trung Quốc và các nước ASEAN khác như Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra, các tác giả cũng “thấy kì lạ” khi Việt Nam không tăng đầu tư cho R&D nhưng cũng không công khai chi tiêu của khoản ngân sách này.

Có thể, sẽ có những phản đối nhận định này, cho rằng Việt Nam vẫn có hai loại chính sách đầu tiên bởi chính phủ đã từng có nhiều chương trình có mục tiêu tạo ra những sản phẩm công nghệ, đội ngũ nhân lực “có tính cạnh tranh cao, ở tầm quốc tế” hay “phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tùy từng giai đoạn mà chính sách đặt trọng tâm phát triển các lĩnh vực nhất định như viễn thông, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa. Nhưng qua phỏng vấn với đội ngũ phân tích chính sách KH&CN của World Bank, nhóm tác giả nhận được câu trả lời rằng: Việt Nam không có một chiến lược khoa học công nghệ nhất quán, và các chiến lược thì không đi kèm với những hành động thiết thực”. Hay chính sách miễn thuế cho tối đa 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho R&D của doanh nghiệp, Việt Nam cũng chưa đo đếm được hiệu quả đó mà chỉ dựa trên hạch toán của khối tư nhân – có thể đã bị “điều chỉnh” để được hưởng ưu đãi.

Việt Nam hiện nay rõ ràng nhất mới chỉ có loại chính sách thứ ba, nhằm đến việc tăng cường số lượng các startup. Việc hỗ trợ cho dự án Vietnam Silicon Valley và đưa ra đề án 844 là ví dụ cho điều này. Dự án Vietnam Silicon Valley được lập ra ban đầu với mục tiêu tạo ra một “Silicon Valley” ở Việt Nam. Mục tiêu thì lớn nhưng kinh phí vận hành rất khiêm tốn, chỉ khoảng 400.000 USD, trong đó phần lớn là tiền của tư nhân – người đồng sáng lập dự án. Nhà nước chỉ cung cấp một khoản vốn đối ứng nhỏ, cung cấp không gian làm việc chung miễn phí sau khi dự án đã hoạt động được một năm. Đề án 844 muốn tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện và một nền tảng cộng tác giữa các startup. Tuy nhiên, hiện nay, theo phỏng vấn của các tác giả với chuyên gia, đề án mới tập trung chủ yếu vào việc tổ chức sự kiện thương mại, giao dịch hơn là thúc đẩy kĩ năng chuyên môn của startup.

Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, Việt Nam hướng đến mục tiêu có 5000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ và 30 vườn ươm công nghệ cao. Ngoài nhắc đến việc các con số trên chưa có phân tích tính khả thi, các tác giả có ý cho rằng Việt Nam mới tập trung vào số lượng mà bỏ qua chất lượng. Lí do là bởi để có thể tạo ra những công ty có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm đột phá cần sự liên kết giữa trường đại học và khối tư nhân – điều hiếm hoi ở Việt Nam. Ấn phẩm Theo dõi khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor – GEM) của hai đại học kinh doanh hàng đầu thế giới là Babson College và London Business School so sánh hoạt động khởi nghiệp của hơn 50 quốc gia trong vòng hơn 20 năm qua, đã đưa ra nhận xét lạnh lùng: “Hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam chủ yếu là không đổi mới sáng tạo”. Mặc dù tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam xếp thứ 15 trong danh sách nhưng tính đổi mới sáng tạo thì xếp thứ 48, thấp hơn cả Thái Lan và Malaysia.

Tại sao hiện nay Việt Nam mới chỉ có chính sách thứ ba? Và kể cả đã có chính sách thứ ba, đã có hoạt động thực hiện chính sách đó, nhưng kết quả và tác động vẫn khiêm tốn?

Lí do là bởi để triển khai chính sách thứ nhất và thứ hai, dễ thấy, cần đầu tư lớn cho R&D. Trong khi việc phân bổ và chi ngân sách cho Bộ KH&CN lại phụ thuộc vào ý kiến và chỉ đạo của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư – hai cơ quan không dễ thuyết phục. Điều này cũng phần nào phản ánh được cách thức phối kết hợp liên cơ quan, liên bộ của Việt Nam trong ban hành và triển khai chính sách “rất có vấn đề”. Thật vậy, dựa trên một chỉ đạo khái quát của TW, có tới mấy chục cơ quan bao gồm cả cơ quan quốc gia lẫn các cơ quan cấp tỉnh/thành phố về KH&CN đều được rót ngân sách riêng từ trên xuống và đều có quyền đưa ra những đề án, sáng kiến, dự án, nhiệm vụ của riêng mình, không tránh khỏi việc dẫm chân lên nhau trong cả nội dung hoạt động lẫn cạnh tranh ngân sách. PGS. Pietro Masina nhận định Việt Nam thiếu “năng lực cần thiết để triển khai các chính sách phát triển quốc gia thống nhất”.

Chính vì vậy, điều mà Bộ KH&CN chỉ có thể tìm cách xoay sở trong số ngân sách ít ỏi được cấp nên họ lựa chọn triển khai các hoạt động nào không cần ít ngân sách nhưng có vẻ sẽ tạo ra những mô hình mẫu để nhân rộng. Tuy nhiên, tạo ra những thay đổi cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không đơn giản như vậy, nó vẫn cần đầu tư tập trung vào R&D quốc gia để tăng cường năng lực công nghệ của startup. Nếu không, số phận của các startup chỉ là bắt chước hoặc đi gia công và bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn còn đang ở trước mắt.

Chú thích: *Tóm tắt từ nghiên cứu: Science and Technology Policies and the MiddleIncome Trap: Lessons from Vietnam, Robyn Klingler-Vidra, Robert Wade, The journal of Development Studies, 2019.