Chỉ một ngày sau khi Libra được công bố, Hyun Song Shin, cố vấn kinh tế và giám đốc nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã nhận định rằng Libra sẽ tạo rủi ro tiềm tàng cho hệ thống ngân hàng quốc tế và sẽ sớm gặp phản đối từ các nhà làm chính sách. Bài viết thử phác qua những ảnh hưởng của đồng tiền này đến hệ thống tiền tệ ngân hàng.
Trước hết, dễ nhận thấy là Libra hoàn toàn có thể thực hiện được đầy đủ các chức năng của tiền tệ bao gồm: thước đo giá trị, phương tiện trao đổi, phương tiện thanh toán, phương tiện tích lũy và thanh toán quốc tế. Mặc dù còn một số điểm cần thêm thông tin để xác định rõ hơn nhưng nói chung thiết kế của Libra là khá minh bạch nên nó có ưu thế hơn tất cả các loại tiền mặt hiện tại ở các điểm: ổn định hơn, cất trữ, giao dịch thuận tiện và rẻ hơn và có thể lập trình được. Nhờ những đặc điểm này, nếu được tự do lựa chọn, sẽ có số đông người dùng chọn Libra thay cho nội tệ. Nếu như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thứ nhất, Libra sẽ gây khó khăn cho hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia do ảnh hưởng rất khó lường đến cung cầu tiền tệ. Theo anh Lý Xuân Hải, một người có nhiều kinh nghiệm về ngân hàng, với đặc điểm kỹ thuật của tiền mã hóa, có thể xảy ra nguy cơ tăng cung Libra vô tội vạ nếu có các giao dịch tiền gửi và tín dụng với Libra mà thiếu các biện pháp quản lý hệ số nhân tiền. Mặt khác, khi có sự tham gia của Libra, nguy cơ thiếu vốn để phát triển kinh tế sẽ thấp hơn nhiều nếu kinh tế phát triển lành mạnh. Nói chung, ngân hàng trung ương sẽ gặp nhiều khó khăn để điều tiết cung tiền nhưng việc này sẽ không còn quá quan trọng như trước nữa.
Thứ hai, Libra sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa do tác động đến thuế, phí. Sẽ có khả năng thất thu thuế ở các ngành du lịch, xuất, nhập khẩu. Ví dụ đã có đợt báo chí đăng bài về việc một lượng du khách Trung Quốc sang Việt Nam thanh toán bằng Alipay. Libra sẽ khiến cho hiện tượng tương tự lặp lại ở quy mô lớn hơn. Các doanh nghiệp phần mềm có thể bán hàng xuyên biên giới mà không cần khai thuế thu nhập. Việc nhập hàng lậu và chuyển tiền ra nước ngoài cũng có thể xảy ra với quy mô lớn mà không kiểm soát được vì Libra là kênh thanh toán nặc danh. Các bạn bán hàng online chắc thích món này nhất.
Thứ ba, chắc chắn Libra sẽ ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá. Nó khiến cho chính phủ phải đưa tỷ giá sát với cung cầu thị trường hơn do bất cứ bên nào cảm thấy bị thiệt do tỷ giá sẽ dùng Libra thay thế.
Thứ tư, Libra cũng ảnh hưởng cả đến chính sách lãi suất, các hoạt động điều tiết ngân hàng và hoạt động của chính hệ thống ngân hàng thương mại. Lý do là khi rào cản nhập ngành bị gỡ bỏ, gần như bất cứ ai cũng có thể làm dịch vụ cạnh tranh với ngân hàng trên nền tảng Libra. Ngoài việc chính phủ phải giảm lãi suất cơ bản để dịch vụ tín dụng bằng nội tệ có thể cạnh tranh được với Libra thì các ngân hàng cũng phải thay đổi các sản phẩm dịch vụ của mình. Hãy thử tưởng tượng xem người dùng sẽ chọn vay ngân hàng với một núi quy trình, thủ tục và lãi suất cao hay vay Libra trên mạng lưới cho vay toàn cầu với lãi suất thấp. Người dùng sẽ thanh toán bằng Libra với phí chuyển siêu thấp và nhanh như nhắn tin hay sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng hiện tại. Câu trả lời chắc không quá khó đoán. Chỉ cần nhìn vào mức độ ảnh hưởng của Alipay và Wechat đến hệ thống tiền tệ và ngân hàng Trung Quốc là sẽ thấy ngay tương lai với Libra. Hai dịch vụ này ăn sâu vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế Trung Quốc, với giá trị thanh toán lên tới 24 nghìn tỷ USD Mỹ. Ant Financial, công ty mẹ của Alipay là ngân hàng lớn thứ 10 toàn cầu, sở hữu quỹ tiền mặt Yuebao lớn nhất thế giới với tổng số vốn lên tới 170 tỷ USD Mỹ. Sở dĩ Yuebao hot như vậy là do chỉ cần có số dư là tự sinh lãi, tiện lợi hơn nhiều so với ngân hàng truyền thống. Bên cạnh hoạt động vay/cho vay, thanh toán, Alibaba còn tham gia vào các hoạt động đầu tư, bảo hiểm với các loại hình dịch vụ rất sáng tạo. Do sự lớn mạnh của hệ thống này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải xây dựng riêng một hệ thống thanh toán bù trừ có tên là China Nets Union Clearing để kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mobile. Rất tiếc là các nước sẽ rất khó để kiểm soát thanh toán bằng Libra theo cách này.
Thứ năm, Libra sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý, huy động và kiểm soát dòng vốn đầu tư. Các doanh nghiệp có thể huy động vốn toàn cầu giá tốt hơn bằng Libra thay vì phải làm các thủ tục phức tạp để huy động vốn trong nước... Các bạn startup và các doanh nghiệp có trình độ số hóa cao sẽ được lợi nếu huy động vốn theo kênh này.
Nhìn chung, mức độ ảnh hưởng của Libra sẽ phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế, hiện trạng “kiểm soát” tiền tệ, độ tin cậy của chính phủ, mức độ tham nhũng, và chính sách thuế phí... Việt Nam chúng ta có thể là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn bởi loại tiền này. Một người am hiểu vấn đề có viết là “Nếu các dịch vụ xung quanh Libra ở Việt Nam không phát triển thành một dạng “shadow banking” thì cũng không có gì đáng ngại về việc nó sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”. Theo suy nghĩ của mình thì Libra khi ra đời chắc chắn sẽ làm hình thành “shadow banking” ở Việt Nam.
Libra với cái tên xuất xứ từ chữ Libre trong tiếng Pháp có nghĩa là tự do, nhắm đến việc tạo ra một nền tảng tiền tệ tài chính giản đơn sẽ giúp phá bỏ các rào cản và sự độc quyền của ngành tài chính tiền tệ. Cả ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ cảm thấy điều này khi Libra ra đời. Các nhà hoạch định sẽ sớm phải đề ra các giải pháp giúp giảm bớt ảnh hưởng xấu của Libra đến các hoạt động tài chính tiền tệ cả ở cấp quốc gia và doanh nghiệp. Nhưng các rào cản dù thế nào cũng sẽ không thể ngăn cản được xu thế mở cho hoạt động tài chính tiền tệ trong tương lai. Các giải pháp đề ra muốn bền vững và khả thi phải ưu tiên củng cố khả năng cạnh tranh bằng lòng tin và công nghệ hơn là áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính. Rồi sẽ đến một ngày tiền tệ tác động trở lại chính trị, gây sức ép bắt buộc thể chế phải thay đổi vì lợi ích của người dân của mỗi quốc gia. Nếu Libra làm được như tham vọng của những người sáng lập, thì đó sẽ là dự án vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta.