Trước những cơ hội và thách thức do Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang lại, các địa phương còn tương đối chậm phát triển của Việt Nam như Trung du và miền núi phía Bắc cần làm gì để chuẩn bị và đón bắt xu thế phát triển mới?

Việt Nam được xếp nằm ở nhóm sơ khởi trong đánh giá về mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất trong bối cảnh CMCN 4.0, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố hôm 12/01/2018. Có nghĩa là chúng ta nằm trong nhóm những nước có cấu trúc sản xuất (structure of production) đơn giản và các yếu tố dẫn dắt sản xuất (drivers of production) không mấy thuận lợi. Nằm trong tổng thể bình diện quốc gia có xuất phát điểm thấp như vậy, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc càng gặp nhiều khó khăn, bởi đây là những tỉnh có cấu trúc sản xuất đơn giản nhất so với các tỉnh còn lại.

Mặc dù được coi là khu vực kinh tế rộng lớn nhất (bao gồm 14 tỉnh với diện tích lên đến 95.264 km2) và giàu tiềm năng về khoáng sản, nông nghiệp, du lịch, dược liệu …, nhưng trung du và miền núi phía Bắc có dân cư thưa thớt và phân tán, khí hậu tương đối khắc nghiệt, kèm theo một số đặc thù văn hóa – lịch sử, dẫn tới nền sản xuất còn manh mún và nhiều hoạt động kinh tế còn mang tính tự phát.

Trước những thách thức đó, các nhà quản lý và chuyên gia đã gặp gỡ tại hội thảo “Phát triển KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” diễn ra tại Lào Cai hôm 10/5/2018 – hoạt động nằm trong khuôn khổ của Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ XVII – và đề ra một số giải pháp cụ thể.

Nâng cao mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất

Việc đầu tiên cần làm với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là xác định, lựa chọn lĩnh vực, chuỗi giá trị nào mà mình có thể tham gia dựa trên lợi thế so sánh, đặc biệt là các lĩnh vực như nông nghiệp và du lịch, theo nhận định của TS Nguyễn Võ Hưng tới từ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN). Các tỉnh này cũng cần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, chương trình quốc gia và chủ động triển khai nhiều biện pháp để tăng cường các yếu tố dẫn dắt sản xuất mà Việt Nam và các địa phương còn nhiều dư địa để cải thiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến các yếu tố dẫn dắt liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), vốn con người và nguồn lực bền vững.

Để hình thành các chuỗi giá trị địa phương, chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu, các tỉnh sẽ phải thu hút và khuyến khích sự tham gia, hợp tác của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Bên cạnh đó, cần khuyến khích các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân; tăng cường hỗ trợ, phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng công nghệ; phát huy tri thức bản địa trong việc quản lý và khai thác, sử dụng các nguồn lực bền vững.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và các đại biểu tham quan các sản phẩm tiêu biểu của trung du và miền núi phía Bắc.

Trên cơ sở đó, cần từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của vùng để hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dịch vụ tiêu biểu của vùng.

Xây dựng chính quyền điện tử và triển khai các giải pháp quản lý thông minh

Trước xu thế và tác động của cuộc CMCN 4.0, việc triển khai các ứng dụng và giải pháp công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) vào hiện đại hóa nền hành chính để xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử được xem là một trong những khâu đột phá quan trọng giúp các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nắm bắt, tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách và nắm bắt cơ hội.

Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có thể tham khảo kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử của Lào Cai, trong đó kết hợp với triển khai đô thị thông minh và ưu tiên cho 5 lĩnh vực trọng điểm: du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, giao thông; chú trọng tính đồng bộ, tích hợp, liên thông, chia sẻ và tăng cường khả năng kết nối.

Công tác số hóa, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu trọng điểm dùng chung về dân cư, đất đai, chính sách xã hội, … cần được thực hiện khẩn trương, bên cạnh khai thác và xử lý dữ liệu lớn để phục vụ công tác phân tích, hoạch định. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực song song với công tác phát triển hạ tầng, ứng dụng CNTT & TT. Nên tăng cường hợp tác và đẩy mạnh giải pháp thuê ngoài dịch vụ CNTT & TT, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao

Khu vực trung du và miền núi phía Bắc, mặc dù có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết các lợi thế, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) – đại diện của nền sản xuất hiện đại theo hướng tích hợp nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính, quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản … được xem là cứu cánh để có thể làm ra những nông sản có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hội thảo phát triển KH&CN vùng trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Theo đề xuất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc cần đầu tư cho nghiên cứu cơ bản để phát triển nông nghiệp CNC trong điều kiện Việt Nam, như các lĩnh vực liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các quy trình và tiêu chuẩn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cần hỗ trợ chuyển giao, xây dựng các mô hình sản xuất và liên kết chuỗi giá trị - đặc biệt chú trọng các nông hộ, mô hình được coi là phù hợp với khu vực trong điều kiện hiện tại - đối với một số sản phẩm có lợi thế nhờ ứng dụng công nghệ cao trong điều kiện Việt Nam. Cần đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; chuyển giao tri thức từ các nhà khoa học, kỹ thuật viên đến nông dân để họ có thể tiếp thu và ứng dụng các giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 sắp tới.

Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực

Trước những thách thức từ CMCN 4.0 và trong bối cảnh lực lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế cả về trình độ cao lẫn tay nghề, các trường đại học sẽ cần điều chỉnh tư duy và cách tiếp cận, không chỉ làm tốt chức năng đào tạo, nghiên cứu mà còn thực sự là trung tâm ĐMST, giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang lại giá trị cho xã hội bằng cách mở rộng để liên kết với khối doanh nghiệp, với thị trường lao động, hình thành một hệ sinh thái giáo dục.

Yêu cầu trên đây bước đầu đã được Đại học Thái Nguyên, với vai trò là một trung tâm đào tạo nhân lực chủ chốt cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, bước đầu triển khai thực hiện, với các giải pháp giúp sinh viên bắt kịp với xu thế mới. Trước hết là đổi mới quan điểm học tập: Học để tăng khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Các sinh viên của Đại học Thái Nguyên thường được khuyến khích tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, các cuộc thi sáng tạo và khởi nghiệp; nhà trường cũng cam kết hỗ trợ sinh viên thực hiện các dự án thông qua cấp kinh phí hay hỗ trợ tư vấn,… Các em còn được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ và công tác xã hội để rèn luyện kỹ năng mềm nhằm thích ứng tốt với môi trường làm việc đa dạng sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, trường cũng đặt chuẩn đầu ra về tiếng Anh cho sinh viên, liên tục đẩy mạnh hợp tác và trao đổi với các đối tác quốc tế. Đáng chú ý, chỉ riêng Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã có 3 chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với 15% sinh viên là người nước ngoài. Hằng năm trường có chính sách gửi hàng trăm sinh viên đi thực tập tại nước ngoài, nhất là các nước phát triển như Israel, Mỹ, Nhật, Úc, … vừa để trải nghiệm nghề nghiệp, vừa nâng cao trình độ tiếng Anh.

Ngoài ra, mỗi chương trình đào tạo của nhà trường đều được chú trọng gắn kết với doanh nghiệp thông qua ký kết các hợp đồng hợp tác trên tinh thần: nhà trường đào tạo sinh viên kiến thức lý thuyết còn doanh nghiệp hỗ trợ trang bị cho họ kinh nghiệm thực tế.

Những quan điểm và giải pháp thiết thực trên đây của Đại học Thái Nguyên có thể coi là mô hình đáng để các cơ sở giáo dục khác tham khảo để tìm ra hướng đi phù hợp với điều kiện, tình hình đặc thù riêng của mình.

***

Những thảo luận và đề xuất trên đây tại hội thảo cho thấy trong từng lĩnh vực quan trọng đều đã có một số mô hình cụ thể để các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc tiếp cận và xem xét nghiên cứu áp dụng. Tuy nhiên, trước mắt mỗi địa phương đều cần có sự đánh giá, nhận diện đúng đắn về thực trạng của mình, tìm ra đâu là những nhân tố phù hợp để thúc đẩy phát triển. Về lâu dài, các tỉnh đều cần xác định được những chính sách hỗ trợ cùng hành lang pháp lý cần thiết để nuôi dưỡng, kích thích sự phát triển những nhân tố cần thiết khác cho sự hình thành những hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, động lực không thể thiếu chính là sự năng động của khu vực doanh nghiệp tư nhân, và nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng đúng hướng.