Ngay khi bắt đầu triển khai hoạt động năm 2008 Cơ quan điều hành Quỹ Nafosted đã rất chú trọng phát triển hợp tác với các cơ quan tài trợ ở các nước tiên tiến, để có thể học hỏi mô hình quản lý và các tiêu chí đánh giá lựa chọn đề tài nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế.

Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào thành công của Nafosted. Đó là ý kiến của ông Phan Hồng Sơn – Phó chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Natif (nguyên Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia – Nafosted) trong cuộc trao đổi với báo Khoa học và Phát triển.

Ông Phan Hồng Sơn.

Xin ông cho biết chiến lược hợp tác quốc tế của Nafosted trong thời kỳ đầu được hình thành như thế nào?

Khi bắt đầu triển khai Nafosted, chúng ta khá lúng túng vì trước đó ở nước ta chưa có quỹ tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Có hai cách, một là, triển khai hoạt động của Quỹ theo cách thức quản lý giống như những gì các cơ quan quản lý khoa học Việt Nam làm từ trước đến nay. Hai là học hỏi kinh nghiệm quản lý quỹ khoa học của các nước tiên tiến, xem người ta quản lý kiểu gì và mình sẽ cố gắng áp dụng những quy trình quản lý theo các chuẩn mực quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghê (KH&CN) khi đó cử hai cán bộ là tôi và anh Đàm Bạch Dương [hiện nay là vụ trưởng Vụ Công nghệ Cao] sang Quỹ khoa học Thụy Sĩ SNSF để học tập. Họ giới thiệu cho chúng tôi tổng thể tất cả các quy trình quản lý quỹ từ việc ngân sách nhà nước cấp xuống như thế nào, phân chia các phòng ban ra sao, việc xây dựng chương trình tài trợ, hỗ trợ các đề tài dự án và nhà khoa học của quỹ như thế nào… Họ cho chúng tôi xem chi tiết các biểu mẫu hồ sơ thuyết minh đề tài dự án; cách thiết kế các phiếu đánh giá và các tiêu chí của hội đồng xét duyệt. Hằng ngày chúng tôi đến quỹ như một nhân viên đang làm việc tại đây, có thể tìm hiểu bất kì phòng ban nào và được trả lời rất cặn kẽ, thậm chí còn được tham dự cả một số buổi họp chính thức của hội đồng đánh giá.

Nhờ vậy, khi quản lý và làm giám đốc điều hành quỹ Nafosted, tôi có thể trực tiếp xây dựng các quy trình của Nafosted, kể cả việc tự tay thiết kế biểu mẫu phiếu đánh giá, hồ sơ thuyết minh…Các quy trình của Nafosted hiện nay gần như được áp dụng theo quỹ khoa học của Thụy Sĩ nên hoạt động cả chục năm nay Nafosted vẫn được các nhà khoa học Việt Nam đánh giá tốt với quy trình đánh giá, xét duyệt hồ sơ, cấp kinh phí.

Vì đã xác định ngay từ đầu rằng việc hợp tác quốc tế rất quan trọng nên các biểu mẫu, thuyết minh và trang web của Nafosted đều có cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt khá đầy đủ và cập nhật. Các nhà khoa học ở mọi nơi trên thế giới, các quỹ khoa học quốc tế có thể truy cập, qua đó biết quỹ Nafosted đang hoạt động như thế nào, và nếu có khả năng hợp tác thì họ sẽ chủ động liên hệ.

Ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Cơ quan điều hành NATIF và ông Avi Hasson -Giám đốc điều hành IIA - ký kết thỏa thuận hợp tác. Nguồn: sromost.gov.vn

Vậy đâu là mấu chốt để các quỹ khoa học Việt Nam có thể hợp tác quốc tế?

Để phát triển hợp tác với các quỹ khoa học của các nước tiên tiến chúng ta nên chú ý đến ba điểm. Đầu tiên là năng lực nội tại của quỹ phải ở mức độ phù hợp để có thể hợp tác. Năng lực nội tại bao gồm kinh nghiệm hoạt động (đã tài trợ cho bao nhiêu đề tài, dự án, kết quả ra sao), cơ sở hạ tầng (website bằng tiếng Anh và phần mềm để quản lý hồ sơ), công tác chuyên môn (quy trình lựa chọn và đánh giá xét duyệt đề tài dự án như thế nào) và năng lực đội ngũ nhân viên (có thông thạo ngoại ngữ và nghi lễ hợp tác quốc tế).

Thứ hai là phương thức hoạt động của mình phải tương thích với các chuẩn mực quốc tế ở một mức độ nào đó. Nếu cách vận hành của mình minh bạch, khách quan, theo các chuẩn mực quốc tế thì rất dễ hợp tác, còn nếu cách quản lý của mình khác với quốc tế quá nhiều thì rất khó hợp tác. Đồng thời phải tương thích cả về quy mô nữa.

Cuối cùng là để hợp tác thì phải tìm ra những mối quan tâm chung của cả hai bên – về những vấn đề mà cả hai đều quan tâm giải quyết. Ví dụ như trong những năm vừa qua ĐH Oxford quan tâm đến việc nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới, nhưng Anh là nước ôn đới nên thậm chí họ còn phải thiết lập một phân viện – chi nhánh trong TP Hồ Chí Minh và gửi các nhà khoa học sang đấy. Trong trường hợp như vậy họ rất sẵn sàng hợp tác với các cơ quan của Việt Nam quan tâm đến nghiên cứu về các bệnh này.

Hình thức hợp tác hiện nay giữa các quỹ Việt Nam và quốc tế như thế nào?

Nếu xét về nội dung thì có hai hình thức hợp tác quốc tế: Thứ nhất là hợp tác để trao đổi kinh nghiệm quản lý, chẳng hạn như Nafosted vẫn tham dự các sự kiện định kì do hiệp hội các quỹ khoa học của các quốc gia trên thế giới tổ chức để trao đổi kinh nghiệm về việc đánh giá, tài trợ nghiên cứu khoa học. Thứ hai là hợp tác tài trợ cho đề tài nghiên cứu chung hoặc trao đổi hợp tác giữa các nhà khoa học. Ví dụ như Nafosted cùng với FWO của Bỉ cùng tài trợ cho các đề tài hợp tác của các nhà khoa học hai nước, để nghiên cứu một vấn đề chung như xử lý bệnh đốm trắng ở tôm trên đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Nafosted sẽ tài trợ cho các nhà khoa học Việt Nam còn FWO tài trợ cho các nhà khoa học Bỉ, sau đó các nhà khoa học hai bên sẽ làm việc với nhau.

Tùy vào thời điểm và quá trình phát triển của quỹ mà tập trung vào hình thức nào nhiều hơn. Ví dụ như Nafosted hiện nay có xu hướng hợp tác đồng tài trợ nhiều hơn vì quỹ hoạt động chục năm rồi nên đã thành thạo, không cần học hỏi kinh nghiệm nhiều. Còn Natif thì trong hoạt động hợp tác quốc tế có thể chú trọng vào trao đổi kinh nghiệm quản lý quỹ nhiều hơn.

Khi hợp tác, ông nhận thấy các quỹ Việt Nam có gì khác biệt so với thế giới?

Đầu tiên là về mô hình quỹ. Ở các nước tiên tiến quỹ khoa học quốc gia có tính độc lập rất cao, tức là họ là cơ quan độc lập và tự ra quyết định quản lý theo điều lệ riêng đã được chính phủ phê duyệt mà không bị tác động bởi các cơ quan nhà nước dù tiền họ nhận cũng là từ ngân sách. Hầu như các quỹ đều trực thuộc chính phủ, báo cáo trực tiếp lên thủ tướng hay hội đồng nhà nước (chính phủ). Còn ở Việt Nam, ta đang ở giai đoạn mà mọi người có thể có những cách hiểu khác nhau không chính xác về mô hình quỹ, cho nên hiện nay ngân sách nhà nước cấp tiền cho quỹ và chúng ta đối xử với tiền cấp cho quỹ giống như tiền dự toán ngân sách hằng năm.

Ngoài ra quy mô quỹ của chúng ta còn quá bé so với nhiều quỹ quốc tế, đồng thời năng lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn có khoảng cách với các nước có nền khoa học phát triển, nên quỹ khoa học của chúng ta chỉ hợp tác thuận lợi được với các quỹ quốc tế quan tâm tới việc hỗ trợ các nước đang phát triển chứ không phải hoàn toàn là mối quan hệ song phẳng, ngang vai nhau và vì lợi ích của cả hai bên.

Những khác biệt này đã gây ra những hạn chế gì cho các quỹ Việt Nam khi hợp tác?

Nói chung là có ảnh hưởng. Cán bộ ở quỹ khoa học Thụy Sĩ nói với tôi rằng: “Nếu quỹ của các anh mà trực thuộc một cơ quan quản lý nhà nước thì các quỹ nước ngoài sẽ không mặn mà lắm trong việc hợp tác vì họ cho rằng trong các quyết định của quỹ có thể có sự can thiệp của cơ quan nhà nước, nghĩa là có thể không hoàn toàn khách quan.”

Các quỹ đã hợp tác với Nafosted gần như họ chấp nhận thực tế này ở Việt Nam hoặc có những cơ quan đưa ra thêm điều kiện cho quỹ. Ví dụ như ngày xưa có chương trình Vietnam Inclusive Innovation Partnership sử dụng vốn của World Bank. Ban đầu trong quá trình khảo sát họ chất vấn rất nhiều là tại sao chủ tịch quỹ lại là Thứ trưởng Bộ KH&CN và mãi sau họ đưa ra yêu cầu bổ sung thêm đại diện của khối doanh nghiệp tư nhân vào hội đồng quản lý quỹ.

Cũng có những trường hợp các quỹ không muốn hợp tác nếu như quy mô của mình quá nhỏ so với họ. Chẳng hạn như Nafosted từng tiếp cận và đề xuất hợp tác với quỹ khoa học NSF của Mỹ. Tuy nhiên do quỹ NSF nhận hàng chục tỷ USD/năm từ ngân sách nhà nước trong khi quỹ Nafosted chỉ có mấy chục triệu USD, do vậy họ chỉ chào hỏi làm quen, trao đổi thông tin chứ không có ý định hợp tác sâu rộng.

Vậy với Natif, trước mắt chúng ta cần làm gì để có thể hợp tác quốc tế?

Quỹ Natif chỉ mới đi vào hoạt động 2 – 3 năm gần đây nên vẫn còn đang trong giai đoạn tự nâng cao năng lực trước khi có thể phát triển mạnh hợp tác quốc tế. Và việc hợp tác lúc này đối với một quỹ non trẻ như Natif trước mắt có thể nên chú trọng hơn vào việc học hỏi kinh nghiệm quản lý quỹ so với hợp tác đồng tài trợ nghiên cứu như Nafosted. Cần có thời gian để dần dần nâng cao năng lực và kinh nghiệm của Natif.

Xin cảm ơn ông!