Liên kết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) của các tỉnh trong vùng nhằm phát huy lợi thế riêng của từng địa phương, đồng thời tạo sức mạnh liên kết chung thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng là một trong những giải pháp quan trọng được các đại biểu đề xuất tại hội nghị Hợp tác phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) các tỉnh Trung du - Miền núi phía Bắc lần thứ IX vừa tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Cách đây chín năm, từ thực tế quản lý hoạt động KH&CN của mỗi địa phương, năm tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đã tổ chức hội nghị hằng năm để chia sẻ những kết quả hoạt động KH&CN, những đổi mới sáng tạo cũng như những điểm còn khó khăn vướng mắc để cùng thảo luận, kiến nghị tháo gỡ nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh và của vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Chúc - Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc, đơn vị chủ trì đăng cai tổ chức hội nghị năm nay, cụm liên kết trong vùng có điều kiện tự nhiên - xã hội hết sức phong phú, đa dạng, hội tụ nhiều yếu tố của khu vực miền núi phía bắc, khu vực trung du, có nhiều tài nguyên và khoáng sản quý, có nền văn hóa đặc sắc. Mỗi tỉnh đều có những tiềm năng, lợi thế riêng, có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển. “Chính vì vậy việc mỗi năm các sở KH&CN trong cụm vùng ngồi lại với nhau, cùng nhau chia sẻ, chắt lọc, học hỏi nhiều kinh nghiệm, sáng kiến để áp dụng vào thực tế địa phương mình là hết sức cần thiết.”
Tại hội nghị lần này, việc vận hành quỹ KH&CN địa phương trong huy động vốn và liên kết thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là hai trong nhiều vấn đề được nhiều đại biểu đề cập.
Vận hành Quỹ KH&CN địa phương
Theo ông Nguyễn Thủy Trọng - Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ, một trong các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng đổi mới công nghệ ở Phú Thọ là tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn lãi suất thấp thông qua nguồn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển KH&CN của tỉnh. Ông cho biết, dù nguồn vốn điều lệ hiện nay còn thấp - mới có 8 tỷ đồng, nhưng trong 5 năm qua, quỹ đã cho vay 18 dự án với số vốn vay tối đa là 500 triệu đồng/dự án.
Đặc biệt lãi suất vay từ quỹ chỉ bằng 50% lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, trong khi đó Bộ KH&CN quy định lãi suất của quỹ phải bằng lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước. Mức lãi suất như vậy, chiểu theo năm 2017 thì tương đương hơn 8%, bằng với mức lãi suất thương mại, nên chắc chắn các doanh nghiệp không vay. Vì vậy, “Sở KH&CN Phú Thọ đã có văn bản kiến nghị và Bộ KH&CN đồng ý thống nhất với tỉnh có thể quy định lãi suất vốn vay thấp hơn, tức là bằng 50% lãi suất đầu tư của Nhà nước” - ông Trọng chia sẻ.
Trên thực tế, việc hình thành và vận hành Quỹ Phát triển KH&CN địa phương mặc dù có hướng dẫn thực hiện của Bộ KH&CN nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn đang gặp khó, cả về thu hút nguồn lực cũng như cách thức vận hành cho phù hợp. Như ở Thái Nguyên, Quỹ Phát triển KH&CN đã được sở KH&CN tham mưu trình UBND tỉnh ban hành từ năm 2015, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng hiện quỹ mới được hoạt động theo tiền được cấp, còn tiền từ vay và tài trợ chưa thực hiện được do vướng mắc về cơ chế.
Khác với Thái Nguyên, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc lại phát huy hiệu quả cao. Ông Nguyễn Kim Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&CN Vĩnh Phúc - cho biết, Vĩnh Phúc đã phối hợp với ngân hàng ủy thác tổ chức thẩm định và trình hội đồng quản lý phê duyệt cho 7 chủ đầu tư vay vốn, với tổng số vốn vay 33,4 tỷ đồng. Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn, giúp chủ đầu tư đẩy mạnh áp dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác thế mạnh cây, con của các vùng miền, lợi thế của doanh nghiệp, hay các vấn đề mà thực tiễn hiện nay đòi hỏi như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
“Hoạt động của quỹ đã hình thành được một kênh tài chính mới, đa dạng hóa nguồn đầu tư, tăng tỷ lệ đầu tư cho KH&CN trên địa bàn tỉnh. Với quy chế tài chính của quỹ là cho vay có hỗ trợ lãi suất, bắt buộc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN phải tăng cường hoạt động quản lý để bảo tồn và phát triển nguồn vốn của mình, cũng như nguồn vốn vay, do đó các nhiệm vụ KH&CN sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nguồn vốn vay của quỹ đã trực tiếp góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho doanh nghiệp” - ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ kinh nghiệm quản lý, vận hành Quỹ Phát triển KH&CN địa phương được chia sẻ mà cả công tác quản lý công nghệ, thẩm định đánh giá trình độ công nghệ, cách để khai thác, vận hành bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản địa phương cũng được đại diện các sở KH&CN cùng nhau trao đổi thông tin.
Gắn kết bằng nhiệm vụ KH&CN cụ thể
Đánh giá cao các kinh nghiệm quản lý được chia sẻ tại hội nghị, song ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang - cho rằng 5 tỉnh hoàn toàn có thể gắn kết với nhau chặt chẽ hơn nữa nếu cùng nhau thực hiện chung một nhiệm vụ KH&CN.
Theo đó, ông Kiên gợi ý, với điều kiện tự nhiên và lợi thế của 5 tỉnh hiện nay, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc phát triển cây dược liệu. Ở đây có thể phân vai cụ thể từng tỉnh, nơi nào thuận lợi làm nguyên liệu, tỉnh nào sơ chế bảo quản, tỉnh nào chế biến và cùng nhau thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm. “Cần biến ý tưởng thành ý tưởng của 5 tỉnh thông qua một nhiệm vụ chung. Cách làm như thế chắc chắn sẽ hiệu quả. Để rồi sau hai năm ngồi lại với nhau có nội dung bàn kế hoạch triển khai, tiến độ, kết quả…” - ông Kiên kiến nghị.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Thủy Trọng cho rằng, Bộ KH&CN rất cần hỗ trợ việc hình thành sự liên kết thị trường công nghệ giữa các tỉnh để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính chất liên vùng, liên tỉnh, phù hợp với điều kiện các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. “Chúng tôi mong muốn thời gian tới Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN xác định nhiệm vụ KH&CN mang tính chất liên vùng để mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Trọng kiến nghị.
Theo ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), thời gian tới, cụm vùng cần chủ động đề xuất hợp tác liên kết hoạt động KH&CN phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của vùng, từng địa phương.
Tuy nhiên, sự liên kết này rất cần một cơ chế phù hợp và cụ thể, nếu không rất khó tổ chức thực hiện.
Ông Đạt gợi ý, như Tuyên Quang hiện đang đề xuất chuỗi liên kết cho sản phẩm cá nước lạnh. Sản phẩm này liên quan đến Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang... “Chúng tôi hiện đang xem xét nhiệm vụ này và đề nghị các tỉnh trong thời gian tới chủ động đề xuất các nhiệm vụ như vậy” - ông Đạt nói.
Năm 2017 tổng số nhiệm vụ KH&CN thực hiện của 5 tỉnh là 300 đề tài (37 đề tài/dự án cấp nhà nước, 263 đề tài/dự án cấp tỉnh), trong đó:
Sở KH&CN Vĩnh Phúc triển khai 5 dự án thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi (3 dự án triển khai thực hiện từ năm 2016 và 2 dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017) và 108 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (19 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2016, 89 nhiệm vụ mới năm 2017).
- Sở KH&CN Phú Thọ triển khai 66 đề tài, dự án (6 nhiệm vụ thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đời sống; 7 nhiệm vụ thuộc chương trình sở hữu trí tuệ và 53 nhiệm vụ KH&CN).
- Sở KH&CN Lai Châu triển khai 20 đề tài, dự án KH&CN; tiếp tục chương trình và các nhiệm vụ thực hiện mới từ năm 2018.
- Sở KH&CN Hà Giang triển khai 31 đề tài, dự án cấp tỉnh (chuyển tiếp 19 đề tài, dự án; phê duyệt mới 12 đề tài, dự án). Nhiều đề tài, dự án đã được nghiệm thu và đánh giá cao.
- Sở KH&CN Lào Cai triển khai thực hiện 38 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (28 đề tài, dự án cấp tỉnh, 4 đề tài, dự án cấp bộ, 5 đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc). Tham mưu tỉnh đặt hàng 11 đề tài, dự án cấp nhà nước (5 đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc, 4 dự án thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi, 1 đề tài quỹ gene, 1 dự án sở hữu trí tuệ). |