Phát triển chuỗi cung ứng bền vững các sản phẩm rau an toàn Mộc Châu (Sơn La) là 1 trong số những dự án mà Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) triển khai. Dự án giúp cung cấp rau bản địa và rau trái vụ an toàn cho thị trường Hà Nội.
Phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân Việt nam là một trong những mục tiêu cơ bản và lâu dài mà Chương trình ACIAR hướng đến. Từ năm 2008 đến nay, ACIAR đã thực hiện 4 dự án lớn ở Lào Cai, Sơn La để tăng cường năng lực và kỹ năng cho nông dân để sản xuất và cung cấp rau chất lượng cho thị trường Hà Nội, đặc biệt là mùa hè.
Dự án đã hỗ trợ thành lập 4 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác gồm 170 nông dân thuộc 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, sản xuất rau theo quy trình an toàn VIETGAP trên tổng diện tích 52ha, cung cấp 2.600 tấn rau về Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... Chuỗi cung ứng rau đã mang lại lợi ích cho tất cả đối tác tham gia.
Theo tính toán của nông dân, mỗi hecta rau có thể thu về trung bình 150 triệu đồng mỗi năm, gấp 7 lần so với mức thu 20 triệu đồng từ lúa và ngô trên cùng 1 đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, nông dân trồng rau ở Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) cũng đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu ‘Rau an toàn Mộc Châu’.
Chuỗi cung ứng bền vững các sản phẩm rau an toàn Mộc Châu là kết quả mà ACIAR đã nghiên cứu, kết nối trực tiếp nông dân với thị trường bàn lẻ rau tại Hà Nội và một số khu vực khác. Ngoài ra, dự án xây dựng và cải tiến các kỹ thuật phù hợp với nông dân ứng dụng để sản xuất, sơ chế, đóng gói, cung cấp rau an toàn theo chuỗi giá trị tới thị trường bán lẻ. Dự án cũng xây dựng, thử nghiệm một số mô hình phù hợp để phat triển một cách bền vững ngành sản xuất rau an toàn ở Mộc Châu.
Đây là một trong những kết quả điển hình của chương trình 25 năm hợp tác nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam – Australia.
Đánh giá những đóng góp tích cực của ACIAR, TS Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “ACIAR là đối tác đặc biệt của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Sự hợp tác, chia sẻ kiến thức từ Australia và quốc tế đã góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu cho Việt Nam. Tác động tích cực của các hợp tác cho thấy rõ trong các nghiên cứu và phát triển như rừng trồng keo và bạch đàn, sự mở rộng nhanh chóng của ngành nuôi hàu ven biển; mở rộng thị trường thành công cho rau và trái cây vùng Tây Bắc”.
Tổng giám đốc điều hành của ACIAR GS Andrew Campbell tin tưởng, bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp và lâu nay chúng tôi đã chia sẻ với các đối tác của Việt Nam. Các kinh nghiệm này trong sản xuất, marketing sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, các biện pháp tiết kiệm điện, pháp lý rừng trồng và nuôi trồng thủy sản.