Vài năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp nhận thức được tri thức và công nghệ sản sinh bên ngoài doanh nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.
Năm 2003, học giả người Mỹ Henry Chesbrough1 chính là người đầu tiên gọi xu hướng mới này là “Đổi mới mở”; đồng thời ông coi đổi mới sáng tạo truyền thống là “Đổi mới khép kín” (Đổi mới đóng). Sự chuyển đổi từ Đổi mới đóng sang Đổi mới mở được ông thể hiện ở ví dụ về mối quan hệ giữa hệ thống trường đại học công với các tập đoàn tại Mỹ ở nửa đầu thế kỷ 20. Các trường đại học công được các chính quyền bang thành lập và công tác nghiên cứu được thực hiện để đáp ứng với nhu cầu thương mại của địa phương. Các ngành công nghiệp địa phương thu lợi từ việc tập trung vào KH&CN ở hệ thống trường đại học công.
Bản chất Đổi mới Đóng
Vậy, để hiểu được Đổi mới mở, điều quan trọng là phải hiểu được bản chất của Đổi mới đóng. Theo Chesbrough, Đổi mới đóng là mô mô hình đổi mới khép kín, trong đó công ty có một bộ phận R&D chuyên trách, dành riêng để thực hiện nghiên cứu đổi mới trong công ty. Công ty phải tự tạo ra ý tưởng riêng, sử dụng các nguồn lực của mình để phát triển, xây dựng, tiếp thị, phân phối, phục vụ, cấp tài chính và hỗ trợ cho những ý tưởng này.
Bộ phận R&D tìm kiếm ra các ý tưởng và biến chúng thành các dự án nghiên cứu. Doanh nghiệp sẽ đánh giá các dự án và giữ kín nghiêm ngặt trong phạm vi của công ty. Một khi nghiên cứu được thực hiện, một dự án cụ thể sẽ được triển khai và thực hiện trong phạm vi công ty. Kết quả sẽ là một sản phẩm hay một dịch vụ mới được đưa tới thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.
Công ty Netflix Inc. cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu và cho thuê DVD trả phí tại Mỹ. Nguồn: Digital Trends
Chesbrough cũng lưu ý đây là mô hình đã hoạt động lâu đời và không phải là một phương pháp sai lầm, nhưng hiện nay nó đã lỗi thời ở một số ngành công nghiệp. Một lý do quan trọng là mô hình này có một số điểm yếu lớn. Thứ nhất, công ty thường phụ thuộc vào nhân lực giỏi có sẵn, nên sẽ gặp khó khăn khi những người có kinh nghiệm và kỹ năng rời bỏ công ty. Thứ hai là tốc độ tới thị trường. Ngày nay, đổi mới ngày càng trở nên nhanh hơn và cạnh tranh ngày càng tăng. Công nghệ mới có tuổi thọ ngắn, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ giảm nên vì thế đòi hỏi tốc độ tới thị trường của đổi mới cũng phải rất ngắn.
Bản chất Đổi mới Mở
Chesbrough định nghĩa Đổi mới mở như sau “Đổi mới mở là việc sử dụng có mục đích những luồng tri thức từ bên trong ra và từ bên ngoài vào để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nội bộ, đồng thời mở rộng cửa cho việc sử dụng đổi mới bên ngoài. Đổi mới mở là một mô hình mà các doanh nghiệp khi muốn thúc đẩy công nghệ có thể và nên sử dụng những ý tưởng bên ngoài cũng như những ý tưởng nội bộ, những hướng bên trong cũng như những hướng bên ngoài để tới thị trường”.
Mô hình Đổi mới mở này đã “mở cửa” mô hình đóng và bao gồm thêm một số nguồn phi R&D bên ngoài và nội bộ. Học giả Van de Vrande2 cho rằng tính lưu động của lao động, mức độ dồi dào của vốn mạo hiểm và sự phân tán rộng rãi của tri thức đã làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tự đổi mới và cần phải tham gia vào các quy trình đổi mới khác.
Đó là, ý tưởng vẫn được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp, nhưng một trong số đó có thể vượt ra ngoài phạm vi của doanh nghiệp, ví dụ dưới hình thức là một công ty phái sinh (Spin-off) hoặc cấp giấy phép ngoài. Đổi mới mở cũng khuyến khích các ý tưởng bên ngoài, có thể dưới hình thức hợp tác với các công ty khác, phản hồi từ khách hàng hoặc mua giấy phép bên ngoài. Có ý kiến cho rằng Đổi mới mở tiêu tốn thời gian bởi vì quy trình này tạo ra quá nhiều ý tưởng thất bại, tuy vậy quy trình này cũng đồng thời có khả năng phục hồi những dự án mà doanh nghiệp cho là sẽ thất bại ở lần đầu tiên.
***
Mô hình Đổi mới mở hiện nay đã phát triển và vượt ra ngoài phạm vi công ty lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ ở cấp độ vĩ mô, hình thành nên các liên minh, các cụm, các hệ sinh thái theo hướng đổi mới mở để cùng tồn tại và phát triển. Ở cấp độ cá thể, việc chia sẻ tri thức không chỉ đem lại lợi ích cho riêng cá nhân hay tổ chức mà còn góp phần khuếch tán tri thức, đem lại lợi ích cho xã hội. Tuy vậy, khi áp dụng vào thực tiễn cụ thể, nghiên cứu và lựa chọn những điểm tốt, phù hợp theo hoàn cảnh là hết sức cần thiết vì Đổi mới mở vẫn là một lĩnh vực tương đối mới.
So sánh Đổi mới trước đây và hiện nay
Quy trình đổi mới đóng | Quy trình đổi mới mở |
Theo định hướng công nghệ | Theo định hướng giá trị kinh doanh |
Sở hữu tri thức | Tiếp cận tri thức |
Theo hướng sản phẩm | Theo hướng mô hình kinh doanh |
Việc làm kỹ thuật | Việc làm cho mọi người |
Thúc đẩy thị trường - theo định hướng công nghệ | Lôi kéo thị trường - theo định hướng nhu cầu |
Tính toán được mức rủi ro | Đầu tư rủi ro cao |
1- Henry Chesbrough, Open innovation: the new imperative for creating and profiting from technology, Harvard Business School Press, Boston, Massachusetts, 2003.
2- Vareska van de Vrande: Giáo sư Trường Quản lý Rotterdam, trường đại học Erasmus.