Sau khi được trình bày tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Educamp vào tháng 11/2020, báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” của Đỗ Quyên (lớp 12 Anh 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận.

Em chia sẻ với báo Khoa học và Phát triển về niềm vui cũng như sự căng thẳng và cả chút chạnh lòng khi báo cáo của mình được công chúng đón nhận theo những cách khác nhau.

Đỗ Quyên thuyết trình tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Educamp, Hà Nội, 14/11/2020. Ảnh: BTC
Đỗ Quyên thuyết trình tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Educamp, Hà Nội, 14/11/2020. Ảnh: BTC

Có phải em tiến hành khảo sát này sau khi có các tranh luận của người lớn về việc nên đóng cửa hoặc nên bán các trường chuyên cho tư nhân?

Em bắt đầu làm khảo sát này sau đó một chút, từ tháng 7. Nhưng em làm khảo sát không phải vì có ý kiến nên “bán” trường chuyên. Kể từ khi mô hình trường chuyên ra đời vào năm 1965 đến nay, tiếng nói của học sinh chuyên hầu như chưa được lắng nghe, dù ý kiến về trường chuyên rất nhiều. Em nghĩ, để cho bức tranh được đa dạng và toàn diện thì nên có tiếng nói từ học sinh. Dù có bán trường chuyên đi hay thế nào thì với em, điều cần quan tâm là làm sao để người hưởng lợi lớn nhấ là học sinh chứ không phải bất cứ bên nào khác.

Được biết học sinh trường chuyên, nhất là học sinh năm cuối cấp, rất bận học, vậy em lấy đâu thời gian để làm khảo sát và viết báo cáo?

Thời gian em viết báo cáo rất nhanh, chỉ mất 5 ngày vì trong suốt thời gian trải nghiệm trường chuyên, em đã hình dung và muốn viết về nó. Cái quan trọng là thời gian để mọi người làm khảo sát. Em tự biết với khả năng của học sinh thì khảo sát không thể lớn được. Hơn nữa, vì lúc đó trùng với thời điểm xảy ra làn sóng Covid thứ hai nên khả năng để em đi nơi này nơi khác nhờ mọi người làm khảo sát là không thể nên em chỉ để nó rất tự nhiên trên trang Survey Monkey để những ai thực sự quan tâm và muốn đóng góp tiếng nói của mình thì tự vào điền thôi. Nếu các nhà chức trách vào cuộc để các trường chuyên ở các tỉnh thành đều tham gia thì mới nói đến chuyện có một cuộc khảo sát toàn diện được.


Báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” của Đỗ Quyên là một nỗ lực nhằm trả lời các câu hỏi: vì sao học sinh muốn vào trường chuyên; trường chuyên đáp ứng kỳ vọng của các em như thế nào; nếu được chọn lại, các em có giữ nguyên quyết định không.


Trước khi làm khảo sát, em có được ai hướng dẫn về phương pháp không?

Trong thời gian học lớp 10, qua bài tập trên lớp, em được cô giáo tiếng Anh hướng dẫn về khung sườn của một nghiên cứu, còn lại mọi thứ em tự đọc và tìm hiểu qua các bài báo nghiên cứu đã được công bố. Tài liệu trên mạng giờ quá nhiều nên em không gặp khó khăn gì trong việc tìm hiểu trình tự của một nghiên cứu.

Điều gì cô giáo nói về nghiên cứu mà em cảm thấy có giá trị với em?

Thực ra cô không triết lý hay bảo bọn em phải thế nọ, phải thế kia nhưng mà em nghĩ cái tuyệt vời nhất là cô đã nói với bọn em rằng khi mình gặp một vấn đề thì mình phải đi tìm lời giải cho nó, phải xem xem là trong lịch sử người ta đã làm gì với vấn đề này và ở thời đại của mình thì mình có thể làm gì với nó hoặc đóng góp thêm gì cho nó.

Sau học kỳ I năm lớp 10, cô không còn dạy ở trường nữa nhưng điều cô nói theo em suốt trong rất nhiều hành trình khác, trong và ngoài trường Ams.

Các bạn đều được giới thiệu cách thực hiện một nghiên cứu khoa học thế nhưng tại sao chỉ có mỗi em thử bắt tay vào làm?

Em nghĩ là do môi trường. Trong môi trường hiện nay, hầu như để thành công thì học sinh đi theo lối đã có, làm theo lời những người khác bảo thì sẽ dễ thành công hơn tự nghĩ, tự làm.

Trước khi trình bày báo cáo trước công chúng, em cực kỳ lo sợ vì tự nhiên mình nói một thứ mà chẳng ai nói, chẳng ai bảo mình nói, kiểu như sẽ chẳng có ai đỡ cho mình nếu mình nói không vừa lòng người cả. Nhưng em vẫn làm [báo cáo] do bản thân em thật sự muốn tìm hiểu vấn đề đó và tin là nó giúp ích cho mình trong tương lai.

Em có nhờ ai đọc phản biện báo cáo trước khi trình bày nó ở Vietnam Educamp không?

Em có nhờ một số người thân của em dạy ngữ văn ở trường đại học đọc xem có cần chỉnh sửa câu từ không, nhưng hầu như bản thảo của em không bị sửa chữa gì. Và em cảm thấy may mắn là nó được đón nhận khá tốt.

Ngoài sự đón nhận tích cực, có phản ứng nào làm em cảm thấy bối rối không?

Thực ra từ trước đến giờ em dùng mạng xã hội rất ít nên tự nhiên một ngày thấy mặt mình xuất hiện trên các trang báo và diễn đàn thì thật sự em rất căng thẳng. Em cũng có tò mò đọc một ít ý kiến trên mạng xã hội và thấy có hai vấn đề mọi người nhấn vào, thứ nhất là chuyện khảo sát chưa lớn, thứ hai là tác giả trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm. Những ý kiến đó, sau khi đọc em nghĩ, “ừ, nó đúng” nhưng em cũng hơi chạnh lòng khi mọi người bình luận rằng khảo sát của em chẳng nói lên cái gì cả, 97 người [được khảo sát] này chẳng đại diện cho ai cả. Với em, mọi việc, nhất là những việc chưa có sẵn, đều bắt đầu từ cái nhỏ và ý tưởng là rất quan trọng. Và em cũng mong mọi người có cái nhìn động viên hơn đối với những người trẻ đang cố gắng làm khác để tạo sự thay đổi.

Những cảm xúc đó có làm cuộc sống của em bị xáo trộn?

Thực ra việc mọi người vào bình luận rồi chia sẻ em thấy nó cũng chỉ diễn ra trong một vài ngày thôi vì ai cũng có cuộc sống của mình, có vấn đề của mình. Cái tác động lâu dài mà em mong muốn không chỉ là việc bài đó được share hay được đọc mà quan trọng hơn là những người có chuyên môn nhận thấy đã có học sinh lên tiếng về vấn đề này, đã có học sinh đi khảo sát về vấn đề này thì họ có trách nhiệm tiếp tục mở rộng nó để hệ thống trường chuyên với những tiềm năng của nó - nó rất có tiềm năng nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề - sẽ phục vụ tốt nhất cho người học.


Sau khi Đỗ Quyên trình bày báo cáo “Trường chuyên dưới góc nhìn của học sinh chuyên” tại Diễn đàn Giáo dục Việt Nam ngày 14/11/2020 thì ngày 25/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có công văn về việc khảo sát trực tuyến và trực tiếp với toàn bộ giáo viên và học sinh các trường THPT chuyên trên cả nước để phục vụ việc tổng kết thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020. Trước thông tin này, Quyên chia sẻ, “em chưa bao giờ đọc một công văn mà lại có cảm giác vui khó tả như vậy khi tiếng nói của học sinh chuyên trên cả nước sẽ được lắng nghe”.


Như em nói, việc giới thiệu cách làm nghiên cứu là sáng kiến của cá nhân cô giáo em chứ không nằm trong chương trình học chính thức. Vậy theo em, có là quá sớm để hướng dẫn cho học sinh THPT những kiến thức đó?

Em nghĩ học sinh nên được dạy về tư duy nghiên cứu không chỉ từ cấp 3 mà từ cấp 2. Vì tư duy nghiên cứu chính là khi gặp một vấn đề, bạn phải biết đặt câu hỏi tại sao và đi tìm các tài liệu liên quan đến nó để trả lời. Tư duy biết đi tìm câu trả lời cho những vấn đề mà mình đặt ra hiện còn rất thiếu trong học sinh chúng em. Do giới hạn của chương trình nên học sinh bây giờ chủ yếu vẫn học theo lối thầy đọc, trò chép, học thuộc đi thi đối với các môn khoa học xã hội; còn các môn toán, lý, hóa thì thầy đưa ra các dạng để học sinh ứng dụng giải bài tập. Cái đấy về ngắn hạn mang lại điểm cao, giúp bọn em thi đỗ đại học nhưng về lâu dài không có lợi. Bọn em có thể được nhận vào các trường đại học tốt nhưng sẽ ít suy nghĩ theo hướng làm gì để có thể đóng góp nhiều ý tưởng mới.

Em có bao giờ hình dung sau này mình sẽ theo đuổi công việc nghiên cứu không?

Với cá nhân em, nghiên cứu là một công việc rất hay. Nhưng dù sau này em có làm nghiên cứu hay không thì một điều rất rất quan trọng em đã học được là cái việc biết tự tìm hiểu các góc cạnh của một vấn đề đã giúp em giải quyết rất nhiều thứ, hầu như tất cả mọi thứ trong cuộc sống.

Cảm ơn em đã chia sẻ chân thành. Chúc em tiếp tục mạnh mẽ và tự tin vào việc mình làm.

Học sinh phổ thông làm quen với nghiên cứu khoa học: “Sản phẩm”chính là năng lực tự học

Ban tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Educamp có bất ngờ không khi nhận được báo cáo của một học sinh THPT như Đỗ Quyên?

ThS Hoàng Anh Đức, đại diện Ban tổ chức: Vietnam Educamp là diễn đàn cho tất cả những ai quan tâm đến giáo dục, nên Ban tổ chức không hề có bất cứ giới hạn nào về độ tuổi hay chuyên môn, miễn là diễn giả chứng minh được sự quan tâm thực sự của mình đối với các chủ đề liên quan tới giáo dục. Mặc dù giữ một quan điểm rộng mở như vậy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận được bài tham dự của Đỗ Quyên.

ThS Hoàng Anh Đức. Ảnh: NVCC
ThS Hoàng Anh Đức. Ảnh: NVCC

Thứ nhất, chúng tôi rất xúc động vì tiếng nói của Quyên chính là thông điệp rất mạch lạc cho những người làm chương trình nói riêng, và các nhà nghiên cứu, hoạt động giáo dục nói chung: “Hãy tin tưởng ở thế hệ tương lai!”.

Thứ nhì, chúng tôi rất mừng vì giữa cuộc lùm xùm không đầu không cuối về trường chuyên, đã có sự đóng góp ý kiến của học sinh chuyên. Câu chuyện mà em trình bày là câu chuyện thật, câu chuyện của chính bản thân em và các bạn, chứ không phải những suy luận võ đoán, vô căn cứ, bất kể theo chiều hướng nào.

Thứ ba, mặc dù nghiên cứu của Quyên còn sơ khai và có nhiều lỗi về thiết kế nghiên cứu, nhưng sân chơi Educamp không quá nặng về lý thuyết, nên những thống kê mô tả ban đầu của Quyên đủ để làm minh chứng cho câu chuyện mà em muốn truyền tải.

Hơn thế nữa, chúng tôi tin chắc rằng, trình bày ở Vietnam Educamp, tuy không phải là một việc cao siêu hay danh giá, nhưng có thể giúp ích nhiều cho một học sinh có đam mê và tiềm năng gắn bó với giáo dục như Quyên. Mặt khác, sự trong trẻo ở các đóng góp của em cũng là liều thuốc bổ cho nhiều người lớn quan tâm tới giáo dục. Bởi vậy, Ban tổ chức Vietnam Educamp không có lí do gì để từ chối bài trình bày của Quyên.

Theo anh, có nên sớm giới thiệu cho học sinh phổ thông về phương pháp nghiên cứu khoa học không, nếu có thì ở mức độ nào?

Nghiên cứu khoa học là một phạm trù rất rộng. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp và việc tập tành nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông. Một bên là công việc nghiêm cẩn, kiểm chứng các giả thiết và kiếm tìm câu trả lời cho những gì chúng ta chưa biết, đóng góp vào kho tri thức của nhân loại. Một bên là tiến hành các bước có tuần tự để hình thành tư duy sắc bén hơn, nhằm phát triển bản thân và chuẩn bị cho các bậc học sau này. Tuy vậy, việc tập tành nghiên cứu khoa học cũng cần phải nghiêm chỉnh, chứ không được phép tuỳ tiện.

Theo cách phân loại trên, nếu chúng ta cổ súy các cuộc thi nghiên cứu khoa học trong nhà trường theo hướng nhìn vào sản phẩm cuối cùng của học sinh, chúng ta đã đặt vấn đề sai cách. Hệ quả là sẽ có những cuộc chạy đua, thậm chí những hành động mờ ám nhằm thay đổi kết quả các cuộc thi. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông qua những cuộc thi dựa vào sản phẩm là không việc không nên làm.

Năng lực nghiên cứu, nói một cách bớt đao to búa lớn, chính là năng lực quan sát tổng thể, tìm kiếm và tổng hợp thông tin, tư duy đa chiều, tổ chức và quản lý công việc, phân tích và ra quyết định. Đây chính là những năng lực cần thiết để học sinh có thể vững bước trong kỉ nguyên khủng hoảng thông tin như ngày nay, tự tin học tập ở bậc đại học, và bền bỉ duy trì thói quen tự học trong suốt cuộc đời. Nói cách khác, “sản phẩm” chính của quá trình “học sinh phổ thông làm quen với nghiên cứu khoa học” chính là năng lực tự học của các em, chứ không phải bất kì một sản phẩm, đề tài, hay một công trình khoa học nào.

Xin cảm ơn anh.