Tiến độ, tốc độ, nhịp độ - luôn bị đẩy mạnh, khẩn trương, không được phép dừng lại - đang gây sức ép lên việc soạn sách giáo khoa mới.

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Ảnh: Tác giả cung cấp
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Ảnh: Tác giả cung cấp

Sớm cuối tuần thức dậy, chợt nghe mùi cơm thơm và tiếng xào nấu lách cách trong bếp vọng ra, tôi sực nhớ, hôm qua mẹ ghé chơi, ngủ lại. Và người mẹ gần 80 tuổi của tôi đã tặng cô con gái một buổi sáng được ngủ nướng trong cái cảm giác trở lại tuổi thơ êm ái vô bờ...

Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, có lần cãi bướng với mẹ, bị mắng, tôi đã giận mẹ không để đâu cho hết. Tuổi nổi loạn, tôi đầy ắp những suy nghĩ bực bõ, chống đối. Nhưng một sáng mùa Đông tinh mơ tờ mờ đất, tôi bỗng tỉnh giấc sớm. Có ánh đèn dầu nhập nhoạng từ bếp hắt ra và tiếng gõ thân bếp trấu nhè nhẹ. Rồi mùi cơm thơm ấm áp dâng lên trong không gian trong vắt của ngày rét. Tôi bỗng thấy lòng chùng lại, rơm rớm nước mắt vì thương xót, cảm động, biết ơn. Thời ấy, chúng tôi vẫn ăn cơm buổi sáng cho chắc bụng rồi mới đi học. Mẹ thường nấu cơm cho vào liễn, ủ trong chăn bông rồi vội vã đi dạy. Cá cũng kho trước rồi, trong chiếc nồi con méo mó. Dăm thân cá nhỏ kho khô, đậm mùi mắm, tiêu, nằm im trong nồi chờ đợi. Trưa đi học đi làm về, mẹ chỉ nấu thêm tí canh là mấy mẹ con có bữa ấm ngon lành. Thời bao cấp, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng cái cảm giác êm ái này, đối với tôi, dường như chỉ thời ấy mới rõ nét đến thế. Bao giờ nhớ lại, lòng tôi cũng tràn ngập biết ơn...

Lòng biết ơn của một đứa trẻ, nó đến không chỉ từ bài học luân lý, nhắc phải biết ơn. Cũng không chỉ từ câu tục ngữ, ca dao xưa. Càng không phải từ những tấm băng-rôn khẩu hiệu to tát với những từ khoá “biết ơn”, “đền đáp công ơn”... người đi trước, cha mẹ ông bà, thầy cô... Không phải từ việc ai đó hướng dẫn trẻ làm tấm thiệp tặng mẹ tặng cô như một hoạt động giáo dục giờ đây đã trở thành quá quen thuộc! Tôi ngỡ rằng, lòng biết ơn sẽ đến từ những khoảnh khắc bé nhỏ khi các giác quan được kích hoạt. Ánh mắt bắt gặp vài giọt mồ hôi trên trán cô giáo, thấy nụ cười khích lệ của cô. Đôi tai nghe và nhớ mãi giọng nói vỗ về của mẹ, tiếng thìa quấy cốc sữa lanh canh khi con ốm... Cảm giác mơn man, dễ chịu khi má mẹ áp vào trán con đo độ nóng, khi bàn tay ram ráp xoa lưng. Và những làn hương cũ, những mùi vị ký ức... tất cả đều khiến những cảm xúc lay động mạnh mẽ, kể cả những đứa trẻ bị “dán nhãn” là vô tâm vô tình nhất.

Tôi nghĩ về ký ức này khi chúng tôi bàn việc dạy trẻ “thể hiện lòng biết ơn” trong sách giáo khoa mới. Khi đưa vào sách giáo khoa nội dung “thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói, bằng việc làm thiết thực”, tôi thiển nghĩ, các tác giả soạn chương trình, soạn sách hãy nghĩ đến cảm nhận của đứa trẻ trước khi đưa ra các nhiệm vụ liên quan quá trực diện đến hành động cảm ơn. Hãy giúp trẻ rung động từ những quan sát hằng ngày, từ việc thu lượm thông tin, từ sự đặt mình vào các tình huống khác nhau để trải nghiệm cảm xúc. Lòng biết ơn được nhen nhóm và cũng cần được nuôi dưỡng. Nó không nên bị dẫn dắt thô bạo!

Lòng biết ơn đừng bao giờ là một nhiệm vụ, một bắt buộc, một gánh nặng. Vì thế, lòng biết ơn cũng không thể đến từ một chỉ dẫn, một câu lệnh! Nó tinh tế hơn nhiều! Nó là sự giác ngộ, một cảm nhận, một vỡ lẽ, một bâng khuâng... Nó là cả quá trình. Từ sự để ý quan sát vẻ bề ngoài của một người, cách người ấy ứng xử, những gì người ấy làm... đến những cơ duyên được tìm hiểu, gặp gỡ, phỏng vấn, khảo sát... Với những câu chuyện về truyền thống - truyền thống dân tộc, truyền thống nhà trường, những nhân vật lịch sử - lại càng cần được tiếp cận theo nhiều hướng sáng tạo hơn.

Hẳn có người sẽ bảo, thế thì lâu quá, cái lòng biết ơn ấy đến bao giờ mới có được nếu cứ phải đợi trải nghiệm, quan sát, tìm hiểu! Và thế là, sách giáo khoa sẽ có dòng lệnh nhẹ bẫng như lông hồng: “Thể hiện lòng biết ơn...” mà học sinh còn ngơ ngác chưa kịp cảm nhận được thứ cảm xúc không hề đơn giản ấy!

Giáo dục là cả quá trình mưa dầm thấm lâu, không thể “đi tắt đón đầu”, không thể tăng tốc bất ngờ. Giống như thân cây cần tỏa rễ bám sâu vào lòng đất, những rễ cọc rễ chùm, rễ nào cũng cần đủ về thời gian, vừa về không gian, để chúng đón chất dinh dưỡng mà thật sự lớn lên.

Lỗi ở thời gian!?

Chính là điều này - cũng là điều chúng tôi trăn trở khi nghĩ đến “công cuộc” làm mới hoặc thay đổi sách giáo khoa cho học sinh Việt Nam, một việc thật sự cần làm, với hướng đi rất hợp lý là “sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực” và “một chương trình nhiều bộ sách”. Đây là một định hướng đúng đắn, và nếu được triển khai bình tĩnh, hợp lý về tiến độ, tôi nghĩ, nó sẽ mang lại một sự đổi mới “căn bản và toàn diện” cho giáo dục. Bởi lẽ, viết lại sách giáo khoa không chỉ là câu chuyện của người viết chương trình, của người soạn sách, mà là câu chuyện thay đổi sâu xa phương pháp làm việc của từng giáo viên, đổi mới cách học của mỗi học sinh, góc nhìn của mỗi phụ huynh với việc học, việc thi của con.

Những tranh luận trên diễn đàn chính thức, những bàn tán vào ra trên mạng xã hội đều cho thấy, dư luận xã hội đang hiểu Chương trình, hiểu định hướng làm sách giáo khoa mới… mỗi người một phách. Cũng là bởi, chưa có đủ thời gian để truyền thông, chia sẻ, tập huấn cho cả những người trong ngành, các thầy cô giáo đứng lớp, chứ đừng nói đến các bậc phụ huynh!

Chung quy, lỗi ở thời gian.

Hiện nay, sách giáo khoa mới đã ra đời và ngay lập tức được đưa vào dạy trong nhà trường. Tất cả đều rất tâm huyết, rất cố gắng. Người viết sách viết ngày viết đêm. Người thẩm định đọc và đưa ra khuyến nghị trong tâm thế căng thẳng trước dư luận. Người tập huấn tỏa đi khắp các tỉnh thành. Các nhà quản lý đốc thúc tiến độ. Các giáo viên vội vã học, đọc, điều chỉnh cách dạy của mình cho phù hợp với sách mới. Tiếp xúc với nhiều giáo viên, tôi thấy, họ vẫn chưa… tự tin vào sự chủ động và linh hoạt của mình trong việc lựa chọn ngữ liệu, hoạt động giáo dục khi sử dụng sách giáo khoa mới. Thậm chí, đối với nhiều người trong số họ, đó là gánh nặng. Họ cần được chia sẻ gánh nặng này bằng sự tập huấn kỹ lưỡng, bắt đầu từ việc hiểu bản chất của sách giáo khoa theo định hướng năng lực, rồi đến các quy trình tiến hành, phương pháp tổ chức hoạt động học, phương pháp đánh giá...

Thế nhưng, lỗi vẫn ở thời gian. Tiến độ, tốc độ, nhịp độ… luôn luôn bị đẩy mạnh, khẩn trương, không được phép dừng lại. Cái sự bình tĩnh, khoan hòa cần có trong tâm thế làm giáo dục - không thể có. Cái sự lắng nghe - nghe từ bên ngoài, nghe từ bên trong, để sửa mình - không thể có. Với tốc độ này, chúng ta đang hướng đến mục đích trong khi coi nhẹ lộ trình từng bước của sự đổi mới.

Đầu Xuân, nhìn về một năm mới ở phía trước, tôi chỉ mong sao chúng ta đi những bước chậm, chắc, để thực sự làm được gì cho cuộc đời này chứ không phải làm rồi sẽ bị làm lại hoặc phá bỏ. Như món chè kho quấy lâu mới chắc mịn. Như món bánh chưng luộc đủ giờ mới rền thơm./.