Có hai câu hỏi thường trực trong giới giáo dục đại học Trung Quốc. Một là khi nào giải Nobel khoa học sẽ thuộc về một chuyên gia sinh ra, lớn lên và học tập ở Đại lục, thay vì những người sống ở nước ngoài. Hai là khi nào một trường đại học Trung Quốc có thể sánh ngang với Đại học Harvard.
Những năm gần đây, các trường đại học Trung Quốc liên tục tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng toàn cầu nhờ đầu tư khổng lồ và sự tập trung quyết liệt vào công bố khoa học. Chỉ trong một thế hệ, hệ thống các trường đại học cũ kỹ và khép kín trước đây của Trung Quốc đã chuyển đổi thành một hệ thống với các nhà nghiên cứu nổi bật, các nghiên cứu đẳng cấp thế giới và vươn lên những vị trí cao nhất trong các bảng xếp hạng toàn cầu.
Năm 2020, Đại học Thanh Hoa đã trở thành trường đầu tiên của Trung Quốc lọt vào top 20 trong Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của Times Higher Education. Đại học Phúc Đán và Đại học Chiết Giang cũng lọt vào top 100, nâng số đại học Trung Quốc trong top 100 lên 6 trường - so với chỉ 3 trường cách đây 10 năm. Trung Quốc cũng vượt qua Vương quốc Anh về số học giả được trích dẫn nhiều nhất hằng năm theo Clarivate Analytics, và chỉ xếp sau Mỹ. Mức độ tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực mà Clarivate gọi là khoa học tiên tiến cũng tương đương với Mỹ, đặc biệt là trong khoa học vật lý.
Những thành tựu này là kết quả của 20 năm cải cách, được thực hiện thông qua sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Các trường đại học hàng đầu bị thúc ép áp dụng phong cách quản lý doanh nghiệp, tập trung cao độ vào việc đáp ứng các chỉ số hiệu suất như số lượng trích dẫn nghiên cứu và thứ hạng. Ngân sách dành cho việc đáp ứng các mục tiêu này cũng rất lớn.
Năm 2019, chi tiêu cho giáo dục đại học của Trung Quốc là 1,3 nghìn tỷ NDT (208 tỷ USD), tăng 12% so với năm 2018 và tăng 41% kể từ năm 2015. Và trong khi tình hình kinh tế khó khăn do đại dịch, có vẻ như chi tiêu cho giáo dục đại học của Trung Quốc vẫn không giảm đáng kể trong năm nay. Về dài hạn, Trung Quốc đang tìm cách sánh ngang và thậm chí vượt qua các đối thủ phương Tây. Hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn để đưa nước này trở thành cường quốc giáo dục sau đại học vào năm 2035.
Mặt trái của tái cơ cấu
Tuy nhiên, bất kỳ sự tái cơ cấu nhanh chóng và hàng loạt nào của hệ thống giáo dục đại học chắc chắn đều đi kèm với nhược điểm.
Một trong những nhược điểm đó là hầu hết các cải cách và tài trợ bổ sung đang tập trung vào cấp cao nhất trong hệ thống đại học, gồm 39 trường đại học “Cấp 1” và 73 cơ sở “Cấp 2”. 1.124 cơ sở “Cấp 3” còn lại không được hưởng các đặc quyền tương tự. Ví dụ, trong khi các quy tắc tuyển dụng đang được nới lỏng trên diện rộng - tất cả các trường đại học hiện có thể bổ nhiệm phó giáo sư hoặc giáo sư mà không cần tham khảo ý kiến của Bộ - thì các trường cấp cao hơn vẫn được tự do hơn rất nhiều, đặc biệt là trong việc tuyển dụng nhân sự người nước ngoài.
Với những giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học Cấp 1 và Cấp 2, cải cách chính là con dao hai lưỡi. Trong khi phần lớn các cơ sở Cấp 3 vẫn giữ tư tưởng “công việc ổn định” truyền thống, theo đó các giảng viên, nghiên cứu viên đều được đảm bảo việc làm, bất kể hoạt động nghiên cứu của họ như thế nào, thì người ở các cơ sở xếp hạng cao hơn bị đẩy vào cuộc đua “publish or perish” (xuất bản hay là chết), theo Fei Shu, nhà nghiên cứu cấp cao ở Học viện Đánh giá Khoa học và Giáo dục Trung Quốc thuộc Đại học Điện tử Hàng Châu.
“Tất cả các trường hàng đầu đều tham gia vào trò chơi xếp hạng đại học,” Shu nói. “Họ biết các tiêu chí xếp hạng và điều chỉnh chính sách để tối đa hóa điểm số của mình theo các tiêu chí đó.” Và điều này được phản ánh trong các tiêu chí nhận người vào biên chế. Năm ngoái, Shu là đồng tác giả của một nghiên cứu về vai trò của các công bố ISI (Web of Science) đối với chính sách biên chế tại 75 trường đại học Trung Quốc. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Scientometrics của ông cho thấy các chỉ số trích dẫn đang được đánh giá quá cao.
Thật vậy, hệ thống của Trung Quốc cực đoan đến mức một nhân sự chỉ cần có các chỉ số trắc lượng thư mục khoa học khả quan là đủ để đảm bảo vị trí của mình. “Một học giả trẻ có thể được nhận vào biên chế nếu có thành tích nghiên cứu xuất sắc mà không cần bất kỳ kết quả giảng dạy nào; nhưng không có chuyện ngược lại,” Shu giải thích. Kết quả là, “trong 20 năm qua, các chính sách biên chế đã giúp phương diện nghiên cứu ở các trường đại học Trung Quốc phát triển xuất sắc, nhưng phải trả giá bằng chất lượng giảng dạy và dịch vụ.”
Thách thức là làm sao “giữ cân bằng giữa nghiên cứu và các tiêu chí khác. Có thể chấp nhận nghiên cứu được coi trọng hơn, nhưng đâu là giới hạn? Theo quan điểm của tôi, nghiên cứu nên có trọng số tối đa 50%, nhưng trên thực tế, nó đang có trọng số hơn 80% trong hầu hết các trường hợp,” Shu nói.
Shu đặc biệt lo lắng bởi việc đánh giá nghiên cứu tập trung vào số lượng và tiêu chí hẹp. “Các nhà quản lý thích các con số vì tất cả các xếp hạng đại học đều dựa trên các con số”. Nhưng, theo ông, rủi ro là “mục đích nghiên cứu ở Trung Quốc không phải để nâng cao kiến thức, mà là theo đuổi các con số”.
Hơn nữa, việc này tạo ra động cơ gian lận con số. Gần đây, Trung Quốc đã phải tìm cách giải quyết các vấn đề đặc thù như hành vi phi đạo đức và những nghiên cứu đáng ngờ; Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng đã bắt đầu áp dụng các quy định mới đối với hành vi sai trái trong nghiên cứu, đặc biệt là nhắm vào các “đầu nậu” chuyên bán bài báo nghiên cứu chất lượng thấp cho các học giả cần tăng chỉ số xuất bản.
Thiếu động lực giữ cân bằng
Rui Yang, chuyên gia phân tích các hệ thống giáo dục ở Đại học Hồng Kông (HKU), lưu ý rằng “ngay cả những hệ thống giáo dục đại học rất tinh vi, như ở Mỹ và Bắc Âu, cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi ‘văn hóa kiểm toán’ [áp dụng các nguyên tắc và kỹ thuật của kế toán và quản lý tài chính vào việc quản trị con người và tổ chức]”. Tuy nhiên, sự khác biệt là phương Tây đã phát triển văn hóa này trong nhiều thập kỷ và đưa ra các biện pháp giữ cân bằng mà Trung Quốc vốn không có.
“Ví dụ, ở phương Tây, các công đoàn giáo viên rất mạnh và có thể đấu tranh cho quyền của học giả. Khởi thủy, hệ thống biên chế ở phương Tây được cho là để bảo vệ tự do học thuật, chứ không phải thúc đẩy mọi người xuất bản nhiều hơn. Nhưng giờ đây, nó đang được sử dụng ở Đông Á như cây gậy, chứ không phải củ cà rốt,” Yang nói. “Trung Quốc rất muốn học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhưng họ không có những động lực giữ cân bằng tương tự.”
“Tuy nhiên, sớm hay muộn, giáo dục đại học Trung Quốc sẽ phải thay đổi từ tăng trưởng thô, tăng trưởng số lượng sang phát triển thực sự, chất lượng cao,” Yang dự đoán. "Quản lý công việc học tập khó hơn nhiều so với quản lý một doanh nghiệp, nơi mục tiêu chính chỉ là tiền. Đối với quản lý học thuật, cần tính đến cảm xúc, phẩm giá và sự sáng tạo”.
Một lo ngại khác là việc tập trung vào các trích dẫn có thể sẽ thu hẹp phạm vi nghiên cứu của Trung Quốc. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây trên East China Normal University Review of Education (Tạp chí Giáo dục của Đại học Sư phạm Hoa Đông) cho thấy các học giả Trung Quốc có xu hướng viết về các chủ đề phổ biến với các tạp chí hơn là những chủ đề phù hợp hoặc thiết thực đối với xã hội Trung Quốc.
Theo Futao Huang, giáo sư tại Viện nghiên cứu Giáo dục đại học thuộc Đại học Hiroshima, Trung Quốc đã thúc đẩy vị trí quốc tế của các trường đại học mà không dành đủ quan tâm đến “chất lượng giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực không thuộc STEM.”
Điều này dẫn đến việc một số khoa, phòng và viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phải đóng cửa, hoặc bị cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, Huang cảm nhận vấn đề đang được giải quyết. “Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số chiến lược để cải cách hệ thống đánh giá các học giả và từng trường đại học cũng đưa ra các chỉ số đa dạng hơn,” Huang nói.
Ngay cả Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng thừa nhận đã “phụ thuộc một chiều và quá mức vào các bài báo [Chỉ số trích dẫn khoa học] trong đánh giá nghiên cứu khoa học hiện tại”. Tháng 12/2020, Bộ Giáo dục đã ban hành hướng dẫn mới về đánh giá học thuật đối với triết học và khoa học xã hội, nhấn mạnh rằng thành tích nên được đánh giá toàn diện, thay vì chỉ đếm số bài báo. Một hướng dẫn về đánh giá nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng được Bộ KH&CN ban hành trước đó vào tháng 2.
Việc phân bổ nguồn lực giữa các trường đại học Trung Quốc cũng đang bị một số người nghi ngờ.
Như ở tất cả các quốc gia, các trường đại học xếp hạng cao nhận được phần lớn tài trợ - đặc biệt là tài trợ cho các chương trình nghiên cứu phù hợp với mục tiêu quốc gia.
“Chính phủ cần quan tâm nghiêm túc đến việc cải cách phân bổ nguồn lực và cả các quy trình đánh giá,” Youmin Xi, chủ tịch điều hành của Đại học Giao thông Tây An-Liverpool (XJTLU), nói. Nếu không, ông e rằng, các trường đại học sẽ theo đuổi các ưu tiên của chính phủ, bất kể ưu tiên đó có phù hợp với họ hay không, khiến cho các nguồn lực tập trung quá nhiều vào những lĩnh vực ưu tiên và quá ít ở những lĩnh vực khác.
Xi cũng cho rằng để thực sự cải thiện chất lượng, các trường đại học của Trung Quốc, cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn trong việc giảng dạy, ví dụ như cho phép áp dụng phương pháp học tập suốt đời. Nhưng cũng nên cẩn thận với việc trở nên quá tập trung vào đào tạo nghề, Xi nói thêm.
“Về mặt phát triển bền vững và lâu dài, chúng ta vẫn cần thúc đẩy các trường đại học tập trung vào nghiên cứu cơ bản, có thể mất vài năm hoặc thậm chí vài thập kỷ để tạo ra những ý tưởng mới có tác động đột phá đến xã hội,” ông Xi nói. “Đó là chức năng chính của trường đại học”.
Chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu cơ bản hiện ở mức 0,12% GDP, thấp hơn mức của các quốc gia cạnh tranh như Mỹ (0,47%) và Nhật Bản (0,41%), và có vẻ như chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng con số này là quá thấp.
Bay cao đến đâu?
Hongqing Yang, nghiên cứu sinh tại Đại học Nottingham Ninh Ba, dự đoán, trong những năm tới các học giả Trung Quốc ở nước ngoài sẽ có xu hướng về nước bởi cơ hội việc làm ở đây đang mở rộng, trong khi cơ hội ra nước ngoài giảm đi vì lý do chính trị và kinh tế. Đây là những người sẽ mang theo “những ý tưởng mới về giảng dạy, nghiên cứu và đánh giá”.
Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS London, chỉ ra rằng sự gia tăng thứ hạng đại học gần đây của Trung Quốc một phần được thúc đẩy bởi các mối quan hệ quốc tế. “Các trường đại học tầm thường có thể quản lý mà không cần quan hệ quốc tế, những trường hàng đầu thì không thể. Các học giả hạng nhất bên ngoài Trung Quốc biết tình hình thực tế tại các cơ sở đối tác của họ ở Trung Quốc. Trong khoa học xã hội, phạm vi hợp tác đang thu hẹp nhanh chóng,” Tsang nói, hàm ý các chương trình giảng dạy như lịch sử hiện đại, chính trị và báo chí vẫn loại bỏ sạch những chủ đề gây tranh cãi, và sinh viên hoặc học giả bình thường không thể truy cập một số tài nguyên trực tuyến toàn cầu trừ khi họ có quyền truy cập vào mạng riêng ảo (VPN).
Mới đây, Chen Wenling, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc - một thinktank do chính phủ hậu thuẫn, đã có phát biểu công khai hiếm hoi về việc các học giả nên được tự do hơn trong việc nói lên suy nghĩ của mình và được mạo hiểm trong nghiên cứu. “Nhiều nhà khoa học, người tài và chuyên gia hàng đầu” mà Trung Quốc đã thu hút “cần một luồng dữ liệu tự do để tức thời hiểu được những diễn biến trên thế giới”, bà nói thêm.
Có hai câu hỏi thường trực trong giới giáo dục đại học Trung Quốc. Một là khi nào giải Nobel khoa học sẽ thuộc về một chuyên gia sinh ra, lớn lên và học tập ở Đại lục, thay vì những người sống ở nước ngoài. Hai là khi nào một trường đại học Trung Quốc có thể sánh ngang với Đại học Harvard.
Ngay lúc này, một số chuyên gia tỏ ý nghi ngờ nguyện vọng thứ hai sẽ không thành hiện thực. Theo một giáo sư người Trung Quốc yêu cầu giấu tên: “Trung Quốc đại lục sẽ không bao giờ có một Harvard nếu các giá trị cơ bản [về tự do học thuật] vắng mặt.” Tsang đồng tình với ý kiến này. Ông cũng nghĩ rằng sẽ chẳng có ai công nhận một ‘Harvard của Trung Quốc’ chỉ qua các bảng xếp hạng. “Bảng xếp hạng chỉ cho thấy các trường đại học hoạt động như thế nào theo một số chỉ số đo lường nhất định,” Tsang nói. “Nó không xác nhận một trường đại học là một trong những trường tốt nhất trên thế giới.”
Huang ở Đại học Hiroshima cũng tin rằng tự chủ và tự do học thuật là những điều kiện tiên quyết để xuất hiện một Harvard của Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc đang “thiếu một bầu không khí học thuật nơi các học giả hoặc nhà khoa học có thể hướng dẫn các nghiên cứu sinh có tư duy phản biện và có những ý tưởng hay năng lực đổi mới… Chính bởi điều này, các trường đại học Trung Quốc cực kỳ khó thu hút một số lượng lớn các học giả hàng đầu - đặc biệt là những người trong ngành khoa học xã hội và nhân văn - chứ đừng nói tạo ra các tài năng được công nhận trên toàn cầu,” Huang nói.
Hamish Coates, giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Giáo dục đại học thuộc Đại học Thanh Hoa, lưu ý, “việc tạo ra những hiểu biết hàng đầu thế giới, đặc biệt là ngoài các lĩnh vực STEM, đòi hỏi những cấu trúc học thuật chuẩn mực, nguồn lực dồi dào và không gian để cho trí tưởng tượng phiêu lưu”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, Trung Quốc đã “chuyển sang sắp xếp lực lượng giảng viên theo định hướng hiệu suất, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tính đến các đặc thù của mình”.
Rui Yang ở HKU cũng tin rằng việc sao chép y nguyên các cách làm của phương Tây sẽ không hiệu quả ở Trung Quốc. “Trung Quốc có nền văn hóa, lịch sử, xã hội và chính trị riêng - và điều đó sẽ đóng một vai trò quan trọng. Để tìm câu trả lời cho vấn đề của mình, chúng ta không cần phải đến Massachusetts hay California. Chỉ có chúng ta mới tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.”