Covid đã khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia phải tìm cách giảm sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chính sách reshore (dời cơ sở sản xuất về lại quê nhà) và đầu tư vào robot. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để khẳng định liệu điều này có giúp thúc đẩy tăng trưởng năng suất.
Trên thực tế, tăng trưởng năng suất ở các nền kinh tế tiên tiến đã chững lại kể từ giữa thập niên 2000. Như tại Mỹ, mức tăng trung bình trong giai đoạn 2005 – 2016 chỉ còn là 1,3%/năm, thấp hơn một nửa so với con số 2,8%/năm của thời kỳ 1995 – 2004. Ở những quốc gia thành viên OECD khác, tăng trưởng năng suất trong giai đoạn tương tự cũng giảm từ 2,3%/năm xuống còn 1,1%/năm. Điều này nghe có vẻ nghịch lý trước nhiều tiến bộ nhanh chóng mà nhân loại đạt được trong lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI),… Trong nghiên cứu của mình, các tác giả Erik Brynjolfsson, Daniel Rock và Chad Syverson lưu ý: “Chúng ta có thể bắt gặp những công nghệ chuyển đổi (transformative technology) ở khắp mọi nơi ngoại trừ số liệu thống kê về tăng trưởng năng suất.”1
Theo Kemal Kilic và Dalia Marin2, Covid đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của chuỗi cung ứng toàn cầu – đắt đỏ, dễ bị tổn thương (đứt gãy), thiếu chắc chắn (theo ước tính, hoạt động của chuỗi cung ứng có thể sẽ bị cắt giảm tới 35% vì đại dịch kéo dài), khiến doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển cân nhắc reshore và tăng cường đầu tư vào robot. Cùng với đó, chính sách cắt giảm lãi suất cũng tạo điều kiện cho những khoản vay mới có chi phí thấp hơn, hạ giá thành tương đối của mô hình sản xuất sử dụng robot so với nhân công truyền thống – kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu sử dụng robot ở các nước giàu đang tăng tới 76%. Nhưng liệu sự chuyển dịch này có giúp các nền kinh tế tiên tiến cải thiện năng suất vốn đang chững lại? Điều đó còn tùy thuộc vào việc robot có tạo ra mức tăng năng suất lớn hơn lao động offshore (nước ngoài) hay không? Marin3 dẫn chứng việc outsource sang Trung Quốc, Đông Âu, … (với mức lương thấp hơn nhiều) đang giúp các doanh nghiệp ở những quốc gia phát triển đạt được năng suất rất cao. Chẳng hạn, việc các công ty Đức sử dụng lao động Đông Âu (thay vì người Đức) trong nhiều mắt xích của chuỗi cung ứng đã giúp năng suất của toàn nền kinh tế tăng lên, đóng góp vào vị thế “siêu cạnh tranh” của nước Đức.
Rất khó tính toán tăng trưởng năng suất đạt được nhờ robot, bởi điều này phụ thuộc vào việc robot được sử dụng để thay thế nhân công hay còn tổ chức lại hoạt động sản xuất nhằm khai thác hết tiềm năng mà công nghệ đem lại – chiến lược giúp tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm mới và thúc đẩy năng suất tăng trưởng vượt bậc. Như Daron Acemoglu và Pascual Restrepo4 chỉ ra: ngay đến các công ty Mỹ hiện vẫn chủ yếu sử dụng robot cho mục tiêu tự động hóa nhiều công việc do người thực hiện trước đó hơn là tạo ra việc làm mới. Khác với giai đoạn 1947 – 1987 khi sự dịch chuyển lao động do tự động hóa được bù đắp kịp thời bằng những công việc mới do công nghệ mang lại, tốc độ thuyên chuyển nhân công trong ba thập niên qua lại vượt xa khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, dẫn tới tỷ trọng lao động trong GDP [của Mỹ] sụt giảm. Đó cũng là lý do tại sao tăng trưởng năng suất chậm lại bất chấp sự bùng nổ của cuộc cách mạng AI.
Theo các nghiên cứu về đổi mới5, sẽ có độ trễ đáng kể trong việc triển khai một công nghệ mới đến khi nó phát huy hết tiềm năng. Để hưởng lợi đầy đủ từ công nghệ, doanh nghiệp và cả quốc gia sẽ cần thêm nhiều khoản đầu tư bổ sung tốn kém, thậm chí phải thay đổi hẳn tổ chức (tức tái cấu trúc). Nếu đòi hỏi tái cấu trúc càng sâu rộng thì độ trễ lại càng lớn.
Những phát hiện trên cho thấy đại dịch Covid sẽ không thể thúc đẩy năng suất tăng trưởng trong một sớm một chiều. Điều này có ý nghĩa khá quan trọng đối với tương lai thương mại thế giới. Trong giai đoạn siêu toàn cầu hóa 1990 – 2008, chuỗi cung ứng đã đóng góp tới 60–70% tăng trưởng thương mại toàn cầu.6 Phần lớn doanh nghiệp tại các nước giàu đã chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á,… để hưởng lợi từ chi phí lao động thấp hơn, sau đó lại nhập khẩu nguyên liệu đầu vào – được sản xuất tại những khu vực này – về thị trường nội địa, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa trung gian.
Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng cùng xu hướng reshore có thể sẽ làm dòng chảy thương mại thế giới chậm lại, trừ khi tốc độ tăng trưởng năng suất ở các nền kinh tế tiên tiến được cải thiện. Nhờ robot, những nước này sẽ sản xuất được nhiều hàng hóa, cạnh tranh hơn và tăng cường nhập khẩu đầu vào trung gian từ các quốc gia đang phát triển. Đó là triển vọng lạc quan mà Erhan Artuc, Paulo Bastos và Bob Rijkers của World Bank đã dự phóng trong một bài báo năm 2018.7 Nhưng một nghiên cứu khác8 do Marius Faber thực hiện lại chỉ ra: việc khuyến khích sử dụng robot ở Mỹ đang khiến nhiều công ty rút chuỗi cung ứng khỏi Mexico và “giết chết” nhiều công việc từng được offshore tại đó.
Sau cùng, có thể nói Covid đã gây ra những tác động to lớn, đột ngột, nhưng có thể đo lường được, đối với nền kinh tế toàn cầu và các mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng năng suất, chắc chắn là không nhỏ, có lẽ sẽ cần nhiều thời gian hơn để đánh giá.
(*) Lược dịch từ bài viết Will COVID Accelerate Productivity Growth? trên Project Syndicatecủa Dalia Marin, giáo sư kinh tế quốc tế tại Trường Quản lý thuộc Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) và nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (Centre for Economic Policy Research) London, Anh Quốc.
Chú thích
1. A. Agrawal, J. Gans & A. Goldfarb, The Economics of Artificial Intelligence: An Agenda, National Bureau of Economic Research Conference Report, University of Chicago Press (2019).
2. K. Kilic & D. Marin, How Covid-19 is transforming the world economy, VoxEU (2020).
3. D. Marin, Germany’s super competitiveness: A helping hand from Eastern Europe, VoxEU (2020)
4. D. Acemoglu & P. Restrepo, Automation and New Tasks: How Technology Displaces and Reinstates Labor, Journal of Economic Perspectives, Vol. 33, No. 2 (2019).
5. E. Brynjolfsson & L. M. Hitt, Beyond Computation: Information Technology, Organizational Transformation and Business Performance, Journal of Economic Perspectives, Vol. 14, No. 4 (2000).
6. D. Marin, How COVID-19 Is Transforming Manufacturing, Project Syndicate, 2020
7. A. Erhan, B. Paulo & R. Bob, Robots, Tasks and Trade, World Bank working paper, 2020.
8. M. Faber, Robots and reshoring: Evidence from Mexican labor markets, Journal of International Economics, Vol. 127 (2020).
Nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về năng suất lao động Tyler Cowen – giáo sư tại George Mason University, tác giả cuốnThe Great Stagnation: How America Ate All the Low-Hanging Fruit of Modern History, Got Sick, and Will (Eventually) Feel Better(2011) cho rằng sau hơn hai thập niên trì trệ, nền kinh tế Mỹ sắp bùng nổ trở lại và đột phá về năng suất. Cowen lập luận: - Sau Thế chiến II, năng suất lao động và nền kinh tế Mỹ bùng nổ và kéo dài vài thập niên liền, sau đó thoái trào kể từ những năm 1970. Trong thập niên 1970 – 1980, nhiều người nghĩ Nhật Bản sắp vượt qua Mỹ. - Máy tính (PC) bắt đầu được ứng dụng từ thập niên 1970 – 1980, nhưng đến những năm 1990 thì công nghệ PC mới được nền kinh tế hấp thụ đầy đủ, giúp năng suất ngắn hạn tăng trưởng. Kinh tế Mỹ lại bứt phá. - Đến thập niên 2010, kinh tế Mỹ và thế giới lại bắt đầu một chu kỳ thoái trào. Cowen đã đề xuất thuật ngữ Great Stagnation (đại đình trệ) – khái niệm giống như Great Derpression (đại suy thoái) hồi đầu thế kỷ 20, và cho rằng nó sẽ kéo dài khoảng 20 năm. - Đến đầu thập niên 2020, nhân loại được chứng kiến vô số tiến công nghệ vượt bậc: xe tự lái, AI, IoT, Big Data, chip siêu máy tính,… Tất cả sẽ được nền kinh tế hấp thụ và đặt tăng trưởng vượt bậc về năng suất. Xu hướng này sẽ kéo dài khoảng một, hai thập niên. Cowen tin rằng kinh tế Mỹ lại một lần nữa bỏ xa đối thủ đứng sau (Trung Quốc).
|