Không ai đoán định trước được tương lai một cách chắc chắn, người ta chỉ chắc chắn là xã hội sẽ còn thay đổi và thay đổi ngày càng nhanh. Đứng trước những đặc điểm như vậy, hệ thống giáo dục nói chung và vai trò của người thầy nói riêng nên thế nào.
Học sinh đóng kịch và trải nghiệm lớp học xưa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Đầu thế kỷ 19 ở nhiều nước, các giờ giảng trực tiếp của giáo viên không phổ biến như ngày nay. Các trường học của các linh mục Dòng Tên và sau đó là các trường Napoleon tại pháp đã đề cao việc tự học của học sinh. Trong một ngày học tập tiêu chuẩn ở trường, thời gian học sinh tự học gấp đôi thời gian học sinh tập trung nghe giáo viên giảng trực tiếp. Khi giáo viên phải giảng, thì thường giảng trên những tài liệu mà thầy trò đã làm việc trước. Sự tương tác, hỗ trợ nhau giữa các học sinh với nhau cũng được xem trọng. Các học sinh lớn tuổi hơn, hay giỏi hơn được phân công kèm cặp, giải thích cho các học sinh khác trong trường (Giordan, 2016: 283). Tại Việt Nam trước đây trong giáo dục nho giáo, hình ảnh các thầy đồ với các nhóm học sinh đủ mọi lứa tuổi học chung cũng rất phổ biến trong xã hội.
Chỉ mới đến cuối thế kỷ 19, quá trình công nghiệp hóa phát triển mạnh trên thế giới, các trường học thay đổi, giáo dục đại chúng được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội công nghiệp này. Từ đó nhà trường được thể chế hóa, nghề làm thầy cũng được chuyên nghiệp hóa, “chuẩn hóa” và trở nên giống nhau trong nhiều thứ. Các hình thức dạy trực tiếp với các lớp đông học sinh với những giáo án đã được soạn sẵn trước phổ biến. Sách giáo khoa, lời giáo viên nói trên lớp là quan trọng.
Người học là duy biệt với những đặc điểm riêng liên quan đến cách thâu nhận thông tin và đến sự học của anh ta. Vậy nên giảng dạy theo kiểu đồng loạt với cùng một giáo án được thiết kế sẵn và áp dụng cùng một hình thức giảng dạy là không phù hợp với bản tính tự nhiên của người học, của não bộ và của xã hội hôm nay.
Hình thức giáo dục này kéo dài cho đến hôm nay, đặc biệt là tại nước ta. Hình thức giáo dục này có thể đã phù hợp với các xã hội công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực với hình thức sản xuất theo dây chuyền hàng loạt. Thế nhưng xã hội ngày nay và trong tương lai đang và sẽ thay đổi rất nhiều, mặt khác con người ngày càng hiểu biết hơn về chính mình, về não bộ, về sự học, đòi buộc chúng ta cũng phải thay đổi tư duy và cách làm trong giáo dục để phù hợp với tình hình mới.
Đặc điểm của người họcvà thời cuộc
Các nghiên cứu về não bộ đã cho thấy kiến thức từ bên ngoài vào não bộ không bao giờ đi theo một đường thẳng đơn giản như kiểu một máy ghi âm hoặc ghi hình. Khi các giác quan tiếp nhận một thông tin hay một kiến thức, các cơ quan này sẽ chuyển nó đến các hệ thống nơ ron thần kinh nằm tại các vùng khác nhau trong não bộ, các bộ phận này phối hợp, trao đổi qua lại vô số các thông điệp liên quan và tái tạo lại kiến thức đó một cách khác, mang tính chủ quan của người học. Nói cách khác, kiến thức là kết quả của những tương tác, phối kết hợp giữa nhiều yếu tố: Giữa các nơ ron thần kinh, giữa các các mạng lưới nơron này với hàng triệu thông điệp được trao qua đổi lại; giữa các mạng lưới nơron này và các giác quan; giữa quan điểm, mô thức có sẵn và các thông tin mới mà người học tiếp nhận (Giordan, 2016). Như thế, cho đến nay, các nhà khoa học không tìm thấy một vùng riêng liên quan trực tiếp đến sự học như kiểu trung tâm ngôn ngữ được xác định bởi bác sĩ người Pháp Paul Broca, mà sự học liên quan đến rất nhiều bộ phận khác nhau trong não bộ.
Các bộ phận và thành tố này làm việc, kết hợp với nhau để tạo ra một ý nghĩa cho những điều được thâu nhận. Như vậy, nếu kiến thức bên ngoài là A, thì sẽ được các bộ phận này xử lý, phân tích và phục dựng lại thành A’. A’ này mang tính cá nhân, chịu sự chi phối của quan điểm riêng của người học. Do đó A’ này nơi từng người học là khác nhau về cách hiểu, mức độ hiểu và mức độ chấp nhận hay từ chối liên quan đến kiến thức hay thông tin mới.
Quan điểm (conception) theo ngôn ngữ của Giordan (2016) hay mô thức (paradigm) nói theo cách của Covey (2017) nơi người học đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự học. Quan điểm là bộ lọc của cá nhân, được hình thành, chịu ảnh hưởng từ môi trường vật chất và tinh thần, từ quá trình xã hội hóa diễn ra nơi người học từ nhỏ đến hiện tại. Nó mang trong đó văn hóa riêng của người học cũng như mang những nét văn hóa chung của cộng đồng, xã hội nơi người học đã và đang sống.
Ngày càng có nhiều hình thức giảng dạy mới được đưa vào học đường. Ngay cả các tỉnh thành xa xôi nhất cũng bắt đầu áp dụng hình thức học trực tuyến trong dịch Covid. Ảnh: Giáo viên dạy trực tuyến ở trường THPT Kim Xuyên (Sơn Dương). Nguồn: Báo Tuyên Quang.
Một đặc điểm khác liên quan, ảnh hưởng đến sự học ngày nay là yếu tố thời cuộc. Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, các công nghệ và tri thức mới liên tục xuất hiện và đưa vào đời sống xã hội, tạo ra sự thay đổi trong tư duy, lối sống và công việc, nên đòi buộc hệ thống giáo dục phải thích ứng để có thể đào tạo nhân lực thích hợp. Trong giáo dục, các hình thức giảng dạy trực tuyến, các tài liệu được số hóa, các thư viện, các tạp chí, các mạng lưới thông tin kết nối với nhau, tạo ra sự luân chuyển tri thức và thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả và phong phú… Không ai đoán định trước được tương lai một cách chắc chắn, người ta chỉ chắc chắn là xã hội sẽ còn thay đổi và thay đổi ngày càng nhanh.
Đứng trước những đặc điểm như vậy, hệ thống giáo dục nói chung và vai trò của người thầy nói riêng nên thế nào?
Vai trò của người thầy
Tư duy, cách nhận thức, và thông qua đó là việc học tập là những điều mang tính cá nhân, gắn liền với bản chất duy biệt của con người1, đây là điều quan trọng mà nền giáo dục nói chung và người thầy nói riêng cần phải xác định để có những phương cách giảng dạy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng học sinh.
Thầy là tác giả của các giờ dạy, nhưng học sinh là tác gia của chính sự hiểu biết của các em. Tất cả các tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo chỉ là các công cụ hỗ trợ cho thầy và trò, chứ không phải là các “Kinh Thánh” và cũng không nên mang tính “pháp lệnh”.
Người học là duy biệt với những đặc điểm riêng liên quan đến cách thâu nhận thông tin và đến sự học của anh ta. Vậy nên giảng dạy theo kiểu đồng loạt với cùng một giáo án được thiết kế sẵn và áp dụng cùng một hình thức giảng dạy là không phù hợp với bản tính tự nhiên của người học, của não bộ và của xã hội hôm nay với những đặc điểm như đã nói.
Người thầy trước hết cần nhìn từng học sinh của mình như là một chủ thể duy biệt, là “sản phẩm làm bằng tay của Thượng đế”, chứ không phải là “sản phẩm công nghiệp” được Thượng đế sản xuất hàng loạt, như nhà giáo dục Montessori đã ẩn dụ. Thượng đế đã không sản xuất con người đồng loạt, thì những người làm thầy cũng không nên và không thể “sản xuất” các thế hệ tương lai hàng loạt về mặt tâm hồn và đời sống trí tuệ.
Để đáp ứng nhu cầu khác nhau của từng học sinh, thầy phải có thẩm quyền để soạn nội dung giáo dục, thiết kế các giờ lên lớp và các hoạt động giáo dục khác. Người khác không có quyền áp đặt thầy phải chọn theo sách giáo khoa nào, phải áp dụng phương pháp gì, vì người khác không hiểu học sinh trong lớp như bản thân thầy. Vậy nên câu chuyện sách giáo khoa áp dụng đồng loạt và bắt buộc sẽ không bao giờ phù hợp với các tiếp cận giảng dạy này. Thầy là tác giả của các giờ dạy, nhưng học sinh là tác gia của chính sự hiểu biết của các em. Tất cả các tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo chỉ là các công cụ hỗ trợ cho thầy và trò, chứ không phải là các “Kinh Thánh” và cũng không nên mang tính “pháp lệnh”.
Để soạn “giáo án”, hay các kế hoạch giáo dục cho từng học sinh, với các kỹ năng quan sát của mình, thầy cần làm việc với từng học sinh, cần bắt đầu từ quan điểm của học sinh với các câu hỏi khác nhau và tạo môi trường thân thiện để học sinh tự bộc bạch. Thầy phải sẵn lòng lắng nghe từng học sinh để biết học trò mình đang ở đâu, đang suy nghĩ và lập luận thế nào, đang có những vấn đề gì, đang chờ đợi gì liên quan đến một chủ đề mà thầy muốn chuyển tải. Tất cả những thông tin này là dữ liệu cần thiết để thầy thiết kế cách thức đưa kiến thức đến với từng học sinh một cách hiệu quả.
Cô Giáo Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đã xây dựng kênh hướng dẫn mô hình “lớp học không biên giới và” được trao giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm 2020.
Những học sinh đã có những hiểu biết sẵn, đã có quan điểm đúng với kiến thức chuẩn thì thầy “khỏe”, nhưng những học sinh có khó khăn về mặt nhận thức, có quan điểm sai hay lạc hậu, thì thầy phải đầu tư nhiều hơn, bằng cách cung cấp cho người học những thông tin, yêu cầu người học suy nghĩ, đối chiếu giữa cái cũ và cái mới, để từ đó giúp người học tự tinh chỉnh và dũng cảm cắt bỏ những cái đã lỗi thời để chấp nhận những cái mới, hoặc cập nhật vốn tri thức có sẵn của chính mình.
Không nhất thiết thầy là người cầm nắm tất cả tri thức, thầy có thể cung cấp, giới thiệu các tài liệu, khuyến khích học sinh đi gặp các chuyên gia, đi thư viện, truy cập một trang web, gặp các nhóm, các câu lạc bộ để học sinh có dịp cọ xát quan điểm riêng của mình với quan điểm của những người khác, và chính học sinh là chủ thể tiếp cận với những tri thức mới. Như vậy, cách đưa kiến thức đến với học sinh không nhất thiết phải xảy ra trong giờ dạy chính thức, mà có thể thông qua những lời nói hay cử chỉ của thầy ngoài lớp học, thông qua một cuốn sách, một tài liệu thầy giới thiệu, thông qua hoạt động của một câu lạc bộ, thông qua các tương tác trong môi trường giáo dục mà thầy là tác giả thiết kế nên, vv.
Thầy là đạo diễn dàn dựng ra những tình huống và các điều kiện thích hợp, là người kích hoạt để học trò mình tự đi tìm chân lý, chứ thầy không nên và cũng không thể đi tìm thay cho học trò. Người thầy không phải chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà còn phải hơn thế nữa, thầy truyền thụ một tinh thần hiếu tri, là người “truyền lửa”, truyền khát vọng khám phá và thúc đẩy học trò vươn lên.
Người thầy không phải chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà còn phải hơn thế nữa, thầy truyền thụ một tinh thần hiếu tri, là người “truyền lửa”, truyền khát vọng khám phá và thúc đẩy học trò vươn lên.
Đó là một công việc khó, là một nghệ thuật đòi hỏi phải luôn kiên trì, nỗ lực và sáng tạo. Thầy là người bắc cầu giữa học sinh và tri thức. Thầy giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn, những thành kiến, thấy giúp phá vỡ những quan điểm, những mô thức cũ hay sai lầm vốn đang che khuất, đang cản trở học trò mình tiếp cận với những tri thức mới. Thầy giúp bắc cầu, nhưng thầy để học sinh tự đi qua và tự tiếp cận với tri thức, thầy cần biết rút lui một cách thích hợp để học sinh mình tiến bước.
Thông qua những câu hỏi, những hành động và các hoạt động của mình, thầy kích thích trí tò mò, sự ngạc nhiên, kích thích suy nghĩ của học trò. Thầy dẫn dắt và làm cho học sinh nhìn thế giới, nhìn các hiện tượng dưới một ánh sáng mới. Thầy là người đánh thức, thầy tôn trọng sự tự do, tạo điều kiện cho học sinh tự tìm ra con đường của mình. Công việc của thầy là quan sát, đảm bảo học sinh có được các giai đoạn để tự truy vấn, tự khám phá, ý thức và tham gia. Thầy cũng là người phải tạo ra được không gian thuận lợi thúc đẩy các tương tác trao đổi, là chuyên gia thiết kế nên những môi trường và những tình huống sư phạm phù hợp để các ý tưởng được cọ xát với nhau. (xem Giordan, 2016: 287).
Hơn thế nữa, giáo dục không chỉ liên quan đến tri thức, đến trí tuệ, mà liên quan đến các khía cạnh khác của một con người như đời sống cảm xúc, sự tự lập, sự phát triển về tâm thể lý, vv. Nên thầy cũng phải sâu sắc về các khía cạnh này, để hỗ trợ học sinh phát triển một cách cân bằng. Vì thầy có ảnh hưởng trên học trò, nên thầy cũng phải lưu ý đến lời ăn tiếng nói, thái độ của thầy phải chuẩn mực trước mặt học trò.
Thầy cũng phải là tác nhân tích cực, đi đầu, là chủ thể của những cải cách trong giáo dục. Tất cả sự đổi mới trong giáo dục sẽ thất bại nếu người ta không tính đến thầy, không đặt thầy lên hàng đầu của mối quan tâm vì thầy là tác nhân chính trong hệ thống giáo dục. Giáo dục Phần Lan đã đổi mới nhiều lần thành công, vì họ không bắt đầu từ chương trình, sách giáo khoa hay điều gì khác, mà bắt đầu từ giáo viên. Trước khi đổi mới giáo dục phổ thông, thì họ đã đổi mới, đầu tư cho các trường và các khoa sư phạm nhiều chục năm trước, tạo ra những thế hệ giáo viên chất lượng và có uy tín. Chính các giáo viên này đề xướng các cuộc cải cách, khuấy động xã hội tham gia và đi đầu trong những đổi mới. Khi người thầy thay đổi tư duy và hành động thì sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách học của học sinh, đến sự thay đổi trong nội dung giáo dục và những thứ còn lại (Xem Nguyễn Khánh Trung, 2015).
Kết luận
Tóm lại, người giáo viên phải là nhà giáo dục với ba loại khả năng: thầy là người nắm giữ chuyên môn, kiến thức của thầy phải chuẩn mực để hướng học sinh đi đúng trên con đường tìm kiếm tri thức; Thầy là nhà sư phạm để có thể đưa ra những phương cách phù hợp, dàn dựng các bối cảnh, và chuẩn bị các điều kiện để giúp học sinh tiếp cận được với tri thức; Và cuối cùng, thầy cần biết các kỹ năng nghiên cứu, có kiến thức về tâm lý, về giáo dục, hiểu biết về não bộ để có thể hiểu được các cơ chế của nhận thức, quan điểm và nhu cầu của từng học sinh, khơi gợi hứng thú, bơm thêm động lực, giúp học sinh tìm ra con đường phát triển riêng của mình.
“Nghề dạy học không phải là một công việc đơn giản, mà là một công việc phức tạp, đòi hỏi cả khả năng về tâm lý và kỹ thuật, đòi hỏi sự sáng suốt, trực giác nhanh nhạy, có ý tưởng và cả sự nghiêm khắc. Đó là một công việc mệt mỏi đòi phải không ngừng phát triển". (Giordan, 2016: 292 – 293).
Thầy phải được tôn trọng, cần có khoảng trống tự do để hành nghề cũng như thầy phải có trách nhiệm và tôn trọng học sinh. Một người thầy đúng nghĩa với những tính chất như đã trình bày ở trên thì khó hơn là những người “phát ngôn viên” của sách giáo khoa một cách đơn giản. Đặc tính của cơ chế nhận thức, của não bộ, bản chất tự nhiên của con người và sự đòi hỏi của xã hội hiện tại và tương lai không cho phép thầy chỉ làm công việc đơn giản như vậy.
Nghề giáo viên là nghề nặng nhọc, nên cần phải có phương cách, những chính sách đặc biệt để thu hút những người tâm huyết và có khả năng thực sự. Cảnh "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" nhìn từ quan điểm này là một "thảm họa" quốc gia. Bởi lẽ chất lượng của một nền giáo dục không bao giờ vượt quá chất lượng của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là người giáo viên trong xã hội ngày nay, những người kiến tạo nên chất lượng của các công dân ngày mai.
Thầy vẫn luôn là người quan trọng, xã hội luôn cần đến thầy và xã hội cần tin tưởng vào thầy.Vậy nên, không ai hạ thấp được vai trò của thầy.□
-----
1Xin tham khảo thêm bài “Người học là ai?” đăng trênTia Sáng(số 13, ngày 5/7/2020).
Tài liệu tham khảo
Giordan, A. (2016). Apprendre. Paris: Belin.
Nguyễn Khánh Trung. (2015). Giáo dục Việt Nam và Phần Lan – Một nghiên cứu so sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước. Hà Nội: NXB. KHXH.
Sahlberg, P. (2015). Bài học Phần Lan 2.0 (Đặng Việt Linh dịch năm 2016)
Stephen Covey. (2017). 7 thói quen hiệu quả. Tp. HCM: NXB Tổng hợp TP. HCM và PACE.