Trong bối cảnh chuyển đổi từ chính sách miễn học phí hoàn toàn sang thu học phí, các chương trình tín dụng sinh viên rất cần thiết để đảm bảo mọi sinh viên có khả năng theo học đại học.

Trong đó, hình thức tín dụng dựa trên thu nhập (Income Contingent Loan – ICL) đã được áp dụng từ lâu ở các nền giáo dục phát triển, tuy nhiên vẫn còn khá mới ở Việt Nam.

Lịch sử và kinh nghiệm thế giới

Tín dụng dựa trên thu nhập là hình thức vay vốn sinh viên để trang trải chi phí học đại học, cao đẳng mà sinh viên sẽ chỉ bắt đầu trả nợ khi mức thu nhập hằng tháng vượt qua một ngưỡng quy định và số tiền phải trả sẽ tỷ lệ với mức thu nhập của sinh viên (Chapman, 2006). Hình thức tín dụng này rõ ràng sẽ giúp sinh viên (người đi vay) cảm thấy "dễ thở" hơn rất nhiều khi số tiền phải trả và thời gian trả nợ không phải là một gánh nặng quá lớn so với chương trình tín dụng sinh viên thông thường.

Trong hình thức tín dụng dựa trên thu nhập, sinh viên chỉ bắt đầu trả nợ khi mức thu nhập hằng tháng vượt qua một ngưỡng quy định và số tiền phải trả sẽ tỷ lệ với mức thu nhập của sinh viên. Ảnh minh họa: INT
Trong hình thức tín dụng dựa trên thu nhập, sinh viên chỉ bắt đầu trả nợ khi mức thu nhập hằng tháng vượt qua một ngưỡng quy định và số tiền phải trả sẽ tỷ lệ với mức thu nhập của sinh viên. Ảnh minh họa: INT

Khái niệm tín dụng dựa trên thu nhập đã hình thành từ những năm đầu giai đoạn 1970. Đại học Yale, Mỹ, là nơi đầu tiên giới thiệu hình thức tín dụng này vào năm 1972 trong Kế hoạch Yale. Ngoài việc các khoản vay được hoàn trả tùy thuộc vào thu nhập, một đặc điểm riêng là Kế hoạch Yale có hình thức cho sinh viên vay tín dụng theo nhóm và các thành viên đều có trách nhiệm hoàn trả tổng số nợ. Kế hoạch Yale được mở rộng vào năm 1976. nhưng đã ngừng vài năm sau đó vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là trường đại học đóng phải vai trò cơ quan thu hồi nợ. Rõ ràng đây là một khó khăn rất lớn khi nó không phải chuyên môn của trường, do đó đã dẫn đến những vấn đề khác khiến kế hoạch không khả thi.

Đến năm 1989, Úc trở thành nước đầu tiên triển khai tín dụng dựa trên thu nhập cho sinh viên trên phạm vi quốc gia. Tiếp theo là một số hệ thống giáo dục đại học của các nước khác như New Zealand, Nam Phi, Mỹ, và Vương Quốc Anh. Bài viết dưới đây trình bày một số đặc điểm khi áp dụng hình thức tín dụng dựa trên thu nhập ở các quốc gia nói trên.

Úc

Chương trình tín dụng dựa trên thu nhập cho bậc giáo dục đại học được triển khai ở Úc có tên gọi "Chương trình đóng góp cho giáo dục đại học" (Higher Education Contribution Scheme).

Giống như khái niệm, chương trình quy định sinh viên vay tín dụng bắt đầu trả nợ sau khi tốt nghiệp nếu như tổng thu nhập của sinh viên đó trên 49.096 AUD (Jump, 2013). Garcia-Penalosa and Wälde (2000) cho rằng, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, chính phủ Úc có hai lý do để thực hiện chương trình này. Đầu tiên, Úc không có đủ ngân sách cho việc chi trả chi phí phát sinh cho việc đẩy mạnh mở rộng giáo dục đại học. Thứ hai, họ tin rằng từ góc độ công bằng xã hội, không nên tiêp tục để tiền thuế của người dân bao cấp cho một nhóm người đi học đại học.

Khi chính sách này có hiệu lực, với thói quen tận hưởng giáo dục miễn phí, xã hội Úc có những phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, đến hiện tại, chính sách này vẫn còn hiệu lực và số lượng sinh viên sử dụng vẫn tăng.

New Zealand

New Zealand là quốc gia thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình tín dụng dựa trên thu nhập vào năm 1991. Chương trình của New Zealand có một số đặc điểm tương đồng với Úc:

- Hoàn trả khoản vay được thu qua hệ thống thuế, điều này làm cho quá trình đơn giản hơn

- Có một ngưỡng hoàn trả thu nhập đầu tiên, sau đó sẽ có một tỷ lệ phần trăm lũy tiến của khoản hoàn trả, bắt đầu từ mức 12% cho thu nhập từ 19.448 NZD/năm.

Tuy nhiên, chương trình của New Zealand có một số đặc điểm riêng: Thứ nhất, ngoài học phí, khoản vay bao gồm sinh hoạt phí với lãi suất cố định. Thứ hai, các trường đại học được tự chủ đưa ra mức học phí với mức trần theo quy định của chính phủ.

Nam Phi

Nam Phi áp dụng tín dụng dựa trên thu nhập vào năm 1991 dưới tên gọi Chương trình hỗ trợ tài chính sinh viên quốc gia (National Student Financial Aid Scheme). Chương trình được triển khai thông qua các trường đại học, với ưu tiên dành cho các tân sinh viên xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp nhưng có thành tích học tập tốt. Điều này có nghĩa, không giống như các chương trình quốc gia khác, chương trình tín dụng của Nam Phi dựa trên yếu tố thu nhập của gia đình tại thời điểm đầu.

Sinh viên sẽ bắt đầu trả nợ khi thu nhập chạm ngưỡng 26.000 Rand/năm, với lãi suất được tính tương đương 3% thu nhập. Tỉ lệ này sẽ tăng lên mức tối đa là 8% nếu thu nhập vượt trên ngưỡng 59.000 Rand/năm

Mỹ

Năm 1993, chương trình tín dụng dựa trên thu nhập cho sinh viên được ban hành trong nhiệm kỳ của tổng thống Bill Clinton. Thực chất đây là một phương án song song với chương trình tín dụng thông thường. Sinh viên có quyền lựa chọn đăng ký chương trình tín dụng phù hợp.

Về việc trả nợ, sinh viên vay tín dụng sẽ có nghĩa vụ trả nợ dựa trên thu nhập với khoản tiền tối đa 20% thu nhập. Sau 25 năm, khoản nợ sẽ được xóa nếu chưa trả hết. Một điều khá thú vị là ngay đầu tháng 9/2022, tổng thống Joe Biden cũng chính thức ban hành kế hoạch xóa nợ sinh viên với những điều kiện cụ thể.

Vương quốc Anh

Năm 1995, Chính phủ Đảng Bảo thủ thành lập một Ủy ban Tài trợ cho giáo dục đại học và Ủy ban này đề ra các quy định sau:

- Sinh viên sẽ phải đóng một khoản phí cố định tương đương khoảng 25% chi phí trung bình của khóa học;

- Khoản phí trên được cấp dưới hình thức một khoản cho vay của chính phủ. Sinh viên sẽ trả nợ dựa trên thu nhập;

- Khoản nợ được điều chỉnh theo thời gian, nhưng thấp hơn lãi suất thị trường

- Doanh thu từ chương trình được chuyển đến Sở Thuế vụ.

Ba năm sau, năm 1998, chương trình tín dụng dựa trên thu nhập lần đầu tiên được áp dụng cho sinh viên đại học, theo đó sinh viên đi vay phải hoàn trả 9% của toàn bộ thu nhập mà họ kiếm được trên ngưỡng quy định của chính phủ. Ban đầu, con số này được đặt ở mức 10.000 bảng Anh, trước khi tăng lên 15.000 bảng Anh vào năm học 2005/06; và sau đó, từ năm 2012, gần như được lập theo chỉ số giá tiêu dùng (Retail Price Index – RPI). Đây là một điểm khác biệt trong chương trình giữa Vương quốc Anh và Úc (lãi suất tính theo tỷ lệ lạm phát) và New Zealand (lãi suất cố định).

Bài toán áp dụng tại Việt Nam và những khuyến nghị

Tháng Tư năm nay, Chính phủ đã ký quyết định cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, tối đa 10 triệu đồng, mua máy tính học trực tuyến. Trong ảnh: Sinh viên học trực tuyến từ ký túc xá trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch. Nguồn: TTXVN
Tháng Tư năm nay, Chính phủ đã ký quyết định cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, tối đa 10 triệu đồng, mua máy tính học trực tuyến. Trong ảnh: Sinh viên học trực tuyến từ ký túc xá trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch. Nguồn: TTXVN

Sau thời gian triển khai thí điểm, chương trình tín dụng sinh viên với lãi suất ưu đãi lần đầu được áp dụng trong hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam từ năm 2007 cùng với Quyết định 157/2007/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành hành 27/9/2007, hay còn gọi là chương trình tín dụng 157. Đây cũng là chính sách hợp với xu thế trên thế giới (Johnstone, 2009; Le et al., 2022).

Về cơ bản, chương trình tín dụng 157 đã góp phần đáng kể đảm bảo mức độ tiếp cận giáo dục đại học, khi sinh viên được hỗ trợ cơ hội đi học đại học. Tuy nhiên, sinh viên phải bắt đầu trả nợ với số tiền cố định ngay sau thời điểm tốt nghiệp. Điều này dẫn tới khả năng sinh viên thiếu nợ hoặc không có khả năng trả nợ. Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), dư nợ tín dụng học sinh, sinh viên tính đến đầu năm 2021 là 10.469 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 105 tỷ đồng (tương đương 1%) (Mạnh Bôn, 2021). Hơn nữa, với việc hình dung gánh nặng ngay từ khi chưa vay, sinh viên cũng dè chừng và không đăng ký vay vốn trong thời gian đi học.

Qua những phân tích ở trên, có thể thấy, chương trình tín dụng dựa trên thu nhập có nhiều ưu điểm nhất định. Trên truyền thông và trong những nghiên cứu khoa học (Le et al., 2021) cũng đã có những đề xuất về việc triển khai chương trình này ở Việt Nam. Về lý thuyết, chương trình tín dụng dựa trên thu nhập sẽ giúp Việt Nam giải quyết được mục tiêu kép: nâng cao chất lượng (tăng chi phí trên mỗi sinh viên) đồng thời nâng cao mức độ tiếp cận (sinh viên nghèo vẫn được đến trường) (Trinh, 2021). Với hai điều này, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ tự tin mở rộng bền vững.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nằm ở việc có hình thành được hay không một hệ thống/phương pháp kiểm soát thu nhập cá nhân/thuế minh bạch và chính xác cao. Nếu không sẽ nảy sinh hai rủi ro.

Rủi ro thứ nhất là người đi vay (sinh viên) lợi dụng quy định trả nợ dựa trên thu nhập để trục lợi. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, người đi vay sẽ cố tình khai mức thu nhập thấp hơn (nhiều) so với thực tế để trì hoãn lịch trả nợ hoặc hưởng lãi suất/mức trả nợ thấp hơn so với thực tế. Do không có một hệ thống kiểm soát tốt, tác động kép sẽ xảy ra khi bên cho vay (Nhà nước) không thu hồi được nợ. Trước sức ép này, nhà trường có xu hướng bắt buộc phải tăng học phí để tìm kiếm nguồn vốn mới cho sinh viên hoặc tìm thêm những khoản tài trợ từ bên ngoài (Trinh, 2022).

Rủi ro thứ hai chính là việc mất kiểm soát các chi phí phát sinh. Khi áp dụng tín dụng dựa trên thu nhập, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát và tính toán được chính xác tỷ lệ lãi suất, thời gian trả nợ, điều kiện xóa nợ để dự trù bức tranh tài chính phù hợp. Những yếu tố này không dễ dàng kiểm soát trong chương trình tín dụng sinh viên hiện nay.

Rõ ràng, áp dụng chương trình tín dụng dựa trên thu nhập là xu thế tất yếu của nhiều hệ thống giáo dục đại học, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro tiềm ẩn, trước khi áp dụng mô hình này, Việt Nam cần xây dựng được một hệ thống kiểm tra thông tin về thu nhập một cách chính xác. Bên cạnh đó, cần tính toán thật kỹ những yếu tố biến động gắn liền với chương trình, với sai số nhỏ nhất có thể.

Với mục tiêu ngắn hạn, xây dựng mô hình tín dụng dựa trên thu nhập song song với chương trình tín dụng hiện tại là phương án khả thi. Có thể coi đây là giai đoạn thí điểm để cân nhắc những ảnh hưởng trước khi áp dụng đại trà như những quốc gia phát triển khác.


Tài liệu tham khảo

Chapman, B. (2006). Income contingent loans for higher education: International reforms. Handbook of the Economics of Education, 2, 1435-1503.

Garcia-Penalosa, C., & Wälde, K. (2000). Efficiency and equity effects of subsidies to higher education. Oxford Economic Papers, 52(4), 702-722.
Johnstone, D. B. (2009). Worldwide trends in financing higher education: A conceptual framework. In Financing access and equity in higher education (pp. 1-17). Brill.

Jump, P. (2013). Australia’s academy faces day of reckoning over student loans. Times Higher Education.

Le, T. T., Nguyen, T. L., Trinh, M. T., Le, V. T., & Pham, H.-H. (2022). Investigating Vietnamese undergraduate students’ willingness to pay for higher education under the cost-sharing context. Policy Futures in Education, 20(1), 19-43.

Le, T. T., Nguyen, T. L., Trinh, M. T., Nguyen, M. H., Nguyen, M. P. T., & Pham, H.-H. (2021). Adopting the Hirschman–Herfindahl Index to estimate the financial sustainability of Vietnamese public universities. Humanities and Social Sciences Communications, 8(1), 1-10.


Trinh, M. T. (2022). Vì sao doanh nhân chọn trường đại học để tài trợ? Khoa học và Phát triển