Nhận thấy mình chậm chân trong cuộc đua vaccine COVID-19, chính phủ Nhật Bản vừa cam kết đầu tư 2 tỷ USD để tăng tốc độ phát triển vaccine khi gặp phải các dịch bệnh tương lai.
Trung tâm chiến lược về Nghiên cứu và Phát triển Vaccine y sinh tiên tế để Chuẩn bị và ứng phó (SCARDA) của Nhật Bản sẽ nghiên cứu vaccine cho tám mầm bệnh, bao gồm virus corona, bệnh đậu mùa khỉ, virus sốt xuất huyết và virus Zika. Các vaccine dựa trên một loạt công nghệ hiện có, chẳng hạn như mRNA, vectơ virus và protein tái tổ hợp.
"Nhật Bản đã quá chậm chân trong việc sản xuất vaccine COVID-19. Ba ứng viên vaccine COVID-19 tốt nhất vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và chưa có vaccine nào được chấp thuận sử dụng", Ken Ishii, chuyên gia vaccine tại Đại học Tokyo, cho biết.
Nhận thấy sự chậm trễ này, chính phủ Nhật Bản đã thành lập SCARDA vào tháng 3 với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD; Trung tâm sẽ đi vào hoạt động vào tháng 11. Chính phủ đã nhận ra phát triển vaccine là công việc rất phức tạp và tốn nhiều nguồn lực, và đang tìm cách thúc đẩy lĩnh vực này với một khoản đầu tư lớn, theo nhà vaccine học Toshihiro Horii tại Đại học Osaka.
Trung tâm mới của Nhật Bản sẽ nghiên cứu về vaccine cho các bệnh truyền nhiễm, bao gồm các virus corona, bệnh đậu khỉ và virus sốt xuất huyết.
Mục tiêu 100 ngày
SCARDA đặt mục tiêu phát triển các xét nghiệm chẩn đoán, phương pháp điều trị và vaccine sẵn sàng đưa vào sản xuất quy mô lớn trong vòng 100 ngày kể từ lúc xác định mầm bệnh có thể gây đại dịch.
"Mục tiêu100 ngày" lần đầu được Vương quốc Anh đề xuất vào năm 2021 và được các nước khác trong nhóm G7 ủng hộ; trong đó Mỹ đã thành lập BARDA(Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến). BARDA điều phối việc phát triển vaccine, thuốc và xét nghiệm chẩn đoán để đáp ứng các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, trong đó có COVID-19.
“Vì SCARDA là một tổ chức mới, chúng tôi sẽ học hỏi nhiều điều từ BARDA và các sáng kiến khác tài trợ cho vaccine như Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI)”, Michinari Hamaguchi, tổng giám đốc SCARDA, cho biết:
Hai trong số các dự án đầu tiên của SCARDA có nhiệm vụ phát triển vaccine chống nhóm virus corona nói chung, và phát triển vaccine chống lại một nhóm virus corona liên quan đến hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS). Một dự án khác được tiến hành nhằm tạo ra hệ thống đánh giá nhanh vaccine, nhanh hơn so với các quy trình tiêu chuẩn hiện nay.
SCARDA sẽ hoạt động với khoảng 30 nhân viên và kinh phí 2 tỷ USD cho 5 năm đầu tiên. Trong đó, 1,2 tỷ được dành cho các dự án nghiên cứu và phát triển vaccine; 400 triệu dùng để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thuốc; 400 triệu dùng để thiết lập mạng lưới các trung tâm xuất sắc trong khoa học vaccine và thử nghiệm nhanh vaccine giai đoạn đầu.
Ngoài trung tâm có trụ sở tại Tokyo, SCARDA có sự tham gia của 4 đơn vị cốt lõi - Đại học Osaka, Đại học Nagasaki, Đại học Hokkaido và Đại học Chiba. 5 đơn vị khác sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như mô hình động vật dùng trong thử nghiệm.
Nút thắt trong quy trình phát triển vaccine ở Nhật Bản là chuyển từ nghiên cứu sang thực hành lâm sàng, Horii đánh giá. SCARDA cần có khả năng đưa nghiên cứu vào thử nghiệm lâm sàng. "Chúng tôi có nhiều nhà vaccine học ở Nhật Bản, nhưng phần lớn trong số họ là những nhà nghiên cứu cơ bản", Horii nói.
Nguồn: