Đằng sau câu hỏi này là một vấn đề còn lớn hơn, đó là hiệu quả đầu tư cho khoa học từ ngân sách nhà nước và khả năng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khoa học.
Dường như là một may mắn khi cuộc tọa đàm quy tụ những nhà khoa học không chỉ nhiều năm gắn bó với nghề mà còn có nhiều kinh nghiệm và nếm trải nhiều chuyện vui buồn với thiết bị nghiên cứu: giáo sư Nguyễn Thục Quyên (ĐH California, Santa Barbara UCSB) – nhà nghiên cứu về polymer, chất rắn hữu cơ, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh (Hiệu phó trường ĐH Phenikaa) – nhà nghiên cứu về Kỹ thuật hàng không; PGS.TS. Vũ Đức Lợi (Phó Viện trưởng VKIST) – nhà hóa phân tích; PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) – nghiên cứu về công nghệ nano. Họ đều làm việc ở những lĩnh vực thực nghiệm, nơi trong nhiều năm qua đã chứng kiến những đổi mới liên tục của nhiều thế hệ thiết bị, do đó cụm từ “state of art equiment” (thiết bị tiên tiến/hiện đại bậc nhất) được nhắc đến rất nhiều trong cuộc tọa đàm này. Cũng như nhiều nhà khoa học khác, họ cùng đồng ý với nhau ở một điểm, dù làm việc ở đâu, nước ngoài hay Việt Nam, thì nghiên cứu thực nghiệm mà không có thiết bị nghiên cứu thì không thể triển khai nghiên cứu được. Cách đây vài năm, GS.TS. Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định an toàn thực phẩm và môi trường (ĐHQGHN), đã thử ước lượng, “nếu tính riêng trong phạm vi nghiên cứu của ngành hóa phân tích, thông thường trang thiết bị và ý tưởng sáng tạo đều ở mức đóng góp tương đương nhau, 50 – 50”.
Nhiều lợi ích từ mô hình chia sẻ
Vài năm gần đây, người ta rầm rộ sử dụng cụm từ “nền kinh tế chia sẻ”, “tiêu dùng cộng tác” mỗi khi nhắc đến một số mô hình thành công như Couchsurfing, Freecycle, Uber, Airbnb… nhưng ít ai biết rằng một dạng mô hình chia sẻ như vậy đã tồn tại từ rất lâu trong các cộng đồng khoa học. Việc tạo ra một nền tảng kỹ thuật xác tín, một trung tâm được trang bị rất nhiều thiết bị nghiên cứu tiên tiến để các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ở khắp mọi nơi có thể gửi mẫu đến đánh giá, đo lường hoặc xa hơn nữa là làm việc, chia sẻ ý tưởng nghiên cứu và cùng nhau thực hiện các dự án mà cơ sở vật chất ở nơi này cho phép đã được chứng thực thành công tại nhiều quốc gia.
Trong câu chuyện của mình, giáo sư Nguyễn Thục Quyên, người phụ trách Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ với bảy phòng thí nghiệm ở UCSB và là một nhà khoa học nhiều năm liên tiếp có mặt trong top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới, đã đề cập đến vai trò và ý nghĩa của những nền tảng như vậy đối với các nhà khoa học trẻ khi mới bắt tay vào nghiên cứu: “Tôi không biết ở Việt Nam như thế nào nhưng khi bắt đầu công việc ở UCSB, tôi đã được rót kinh phí nửa triệu USD nhưng với số tiền này, tôi chỉ có thể mua được một vài thiết bị. Nghiên cứu của tôi cần những công cụ đúng và nếu ở đó không có cơ sở nghiên cứu được chia sẻ thì rất có thể tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để có được tài trợ, đặc biệt là tài trợ từ các công ty, để mua thiết bị”.
Từ trải nghiệm của mình, giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng, sẽ thu được rất nhiều lợi ích nếu triển khai việc chia sẻ hệ thống cơ sở vật chất: tăng cường hiệu quả đầu tư khi giúp tránh được sự trùng lắp trong mua sắm thiết bị; sử dụng được tối đa không gian nghiên cứu, tiết kiệm được năng lượng; tạo điều kiện cho nhà khoa học sử dụng kinh phí để theo đuổi chiến lược nghiên cứu thay vì dùng kinh phí đó để mua sắm thiết bị; giúp tuyển dụng, thu hút được những nhà khoa học tài năng từ ngành công nghiệp và trường viện và trao cho họ cơ hội bắt đầu với công việc một cách nhanh chóng; mở rộng năng lực nghiên cứu và cơ hội tìm tài trợ; đem lại cơ hội có được những thiết bị nghiên cứu tiên tiến; tạo cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp và trường viện… Có muôn vàn lợi ích mà nhà khoa học có thể thu được từ việc chia sẻ, thay vì giữ nguồn lực thiết bị cho riêng mình, ví dụ GS. Nguyễn Thục Quyên cho rằng “Khi chia sẻ cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, sẽ tránh được việc mua sắm trùng lắp bởi thay vì có 10 thiết bị tương tự nhau trong một trường đại học, có thể chúng ta chỉ cần tối đa hai thiết bị như vậy đặt tại trường. Nhờ vậy có thể tiết kiệm chi phí và có thể sử dụng một cách tốt nhất nguồn lực đó như dùng cho các dự án nghiên cứu mới”.
Mặt khác, việc sẵn có nền tảng kỹ thuật như vậy sẽ giúp nhà khoa học “dễ dàng trong tiếp cận các công ty và nhận được tài trợ từ họ khi chứng tỏ được năng lực con người và năng lực thiết bị”, giáo sư Nguyễn Thục Quyên nói.
Việc chia sẻ hệ thống cơ sở vật chất giúp tránh được sự trùng lắp trong mua sắm thiết bị; tạo điều kiện cho nhà khoa học sử dụng kinh phí để theo đuổi chiến lược nghiên cứu thay vì dùng kinh phí đó để mua sắm thiết bị.
Việc triển khai mô hình chia sẻ phòng thí nghiệm cũng là cách Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ UCSB đã có được một hệ thống các trang thiết bị mà giờ nhìn lại, giáo sư Nguyễn Thục Quyên cũng phải thừa nhận là “chúng tôi cũng không thể mua được chúng ngay một lúc bởi nó đòi hỏi phải xây đắp và mua sắm thiết bị trong khoảng 20 đến 30 năm”. Một trong những kết quả mà trung tâm này có được là mở rộng mối hợp tác nghiên cứu với rất nhiều trường đại học và công ty trên thế giới, trong đó có tên tuổi lớn như Google, một số công ty startup ở đẳng cấp thế giới…
Những lợi ích hứa hẹn từ một mô hình như vậy dường như rất phù hợp với Việt Nam, khi giúp “giải quyết một trong những vấn đề nóng bỏng trong khoa học Việt Nam hiện nay, đặc biệt nghiên cứu đa ngành đa lĩnh vực càng cần phải chia sẻ cơ sở vật chất thiết bị nghiên cứu” như nhận xét của PGS.TS Vũ Đức Lợi.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này và để nó “sống” được ở Việt Nam lại là một vấn đề mà cả ba phó giáo sư Vũ Đức Lợi, Nguyễn Phú Khánh và Nguyễn Trần Thuật đều thấy trước là rất khó thực hiện. Quả thực, đó là một cánh cửa mở ra nhiều hứa hẹn nhưng cũng kèm nhiều chông gai mà nỗ lực của nhà khoa học không thể tự loại bỏ được.
Những thách thức từ thực tế
Nếu ai đó theo dõi cuộc tọa đàm, ắt hẳn sẽ tự đặt câu hỏi “tại sao một mô hình hiệu quả như vậy lại khó có thể áp dụng ở Việt Nam?”, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn khiêm tốn về nguồn lực đầu tư cho khoa học và đặc biệt là cơ sở vật chất dành cho khoa học. Trên thực tế, không hẳn bao giờ việc bê nguyên xi một mô hình hay và tốt ở một nơi đặt vào một nơi khác cũng đạt hiệu quả như mong muốn, bởi việc áp dụng một mô hình mới bao giờ cũng đòi hỏi những cơ chế đầu tư và quản lý mới đi kèm. Câu chuyện chia sẻ phòng thí nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất nghiên cứu cũng không ngoại lệ.
Với khoa học Việt Nam, khái niệm chia sẻ phòng thí nghiệm không quá xa lạ. Hai thập kỷ qua, khoa học Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc đổi thay trong tư duy của cả nhà quản lý lẫn nhà nghiên cứu, một trong số đó là sự ra đời của Đề án Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm. Theo Quyết định 850/QĐ-TTg ban hành ngày 7/9/2000, mục tiêu của đề án này là tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc những lĩnh vực KH&CN ưu tiên, có trang bị máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại đạt trình độ khu vực, một số đạt trình độ quốc tế, với một đội ngũ chuyên gia giỏi. Điều quan trọng là các phòng thí nghiệm này sẽ hoạt động theo phương thức mở, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sử dụng tối đa hiệu suất của máy móc thiết bị và năng lực của đội ngũ cán bộ. Theo cách đó, 16 phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo máy và tự động hóa, hóa dầu, năng lượng, cơ sở hạ tầng đã ra đời, chủ yếu đặt tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Hà Nội và TPHCM.
Trong hai thập kỷ, không như mong đợi, rất nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động một cách chật vật và rất khó đánh giá hiệu quả như lời nhận xét của một cựu nghiên cứu viên từng công tác tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Có lẽ, chúng ta khoan hãy xét đến khía cạnh hiệu quả khoa học thông qua sản phẩm làm ra (bài báo, công nghệ, phát minh sáng chế…) mà nên tập trung vào một khía cạnh khác của hiệu quả, đó là tính mở, phương thức hoạt động mở của phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Trên thực tế “không phải phòng thí nghiệm nào cũng mở cho người ở nơi khác vào”, nhà nghiên cứu dấu tên này cho biết. “Nói chung, phòng thí nghiệm nào cũng sợ thiết bị do mình quản lý bị hỏng”. Do đó, mục tiêu chia sẻ nguồn tài nguyên trong nghiên cứu, giúp tận dụng tối đa khả năng của thiết bị đắt tiền mà vẫn giúp nhà nước tiết kiệm nguồn lực đầu tư đã không đạt được.
Theo Quyết định 850/QĐ-TTg ban hành ngày 7/9/2000, mục tiêu của đề án này là tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc những lĩnh vực KH&CN ưu tiên, có trang bị máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại đạt trình độ khu vực, một số đạt trình độ quốc tế, với một đội ngũ chuyên gia giỏi. Điều quan trọng là các phòng thí nghiệm này sẽ hoạt động theo phương thức mở, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sử dụng tối đa hiệu suất của máy móc thiết bị và năng lực của đội ngũ cán bộ.
Các nhà quản lý cũng biết rõ hạn chế này. Khi còn là Bộ trưởng Bộ KH&CN, TS. Nguyễn Quân từng thừa nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Hà Nội mới vào tháng 4/2016, “Theo quy định, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia phải có tính chất mở, nghĩa là mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu, sử dụng trang thiết bị thì đều được quyền sử dụng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, hầu hết các phòng thí nghiệm đều không mở, tức là chỉ được sử dụng trong phạm vi cơ quan được đầu tư. Các nhà khoa học bên ngoài cơ quan rất khó có thể tham gia sử dụng”. Theo ông, hậu quả của việc làm này là rút cuộc “các trường, các viện vẫn xin đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên đề riêng của mình, dẫn đến đầu tư bị trùng lặp, thậm chí rất lãng phí trong khi đó, hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm đều không sử dụng hết công suất”.
Nhưng không riêng 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia mà ở nhiều cơ sở nghiên cứu đặt trong các trường viện khác từ lâu đã xuất hiện tình trạng “cát cứ thiết bị”, nghĩa là thiết bị được đơn vị chủ quản chi tiền mua sắm chỉ để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của đơn vị sở hữu. Thậm chí có những đơn vị nghiên cứu đề xuất mua thiết bị hiện đại và đắt tiền nhưng cũng không sử dụng hết tính năng của nó mà không nhận thấy mình đang để lãng phí nguồn lực đầu tư như thế nào. Cách đây chừng 6, 7 năm, các nhà nghiên cứu ở Viện AIST đã phải dành rất nhiều thời gian để thuyết phục ban giám hiệu ĐH Bách khoa HN đồng ý chuyển một thiết bị nghiên cứu hiện đại là kính hiển vi điện tử quét truyền qua (STEM) từ một đơn vị khác trong trường về đặt tại AIST, “không phải AIST giữ riêng cho mình thiết bị đó. Các thầy cứ yên tâm, máy móc đều là của trường, bất cứ khi nào các thầy muốn dùng cũng có thể sắp xếp được”, một lãnh đạo viện lúc đó đã phải giải thích cho rõ như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà các đơn vị này lại muốn “cát cứ thiết bị”. PGS. TS Nguyễn Phú Khánh nhận xét, “khó khăn của chúng ta khi làm đề tài nghiên cứu do nhà nước tài trợ là rất khó thay đổi các cơ chế tài chính trong đó”, do đó nó dẫn đến một nghịch lý là “khi đề xuất mua thiết bị thì có khi phải ba, bốn năm sau mới có, mỗi nơi chỉ có một, hai thiết bị chuyên dụng để dùng. Lúc nào mình phải thủ sẵn thiết bị để dùng”.
Mặt khác, dù có nhiều thay đổi trong tư duy đầu tư cho khoa học nhưng vẫn tồn tại một số bất cập là đầu tư mua trang thiết bị nhưng không có kinh phí duy trì hoạt động của thiết bị (running cost). Vì vậy, nếu muốn mở phòng thí nghiệm để nhà nghiên cứu ở nơi khác vào sử dụng thiết bị hoặc gửi mẫu đến đo đạc thì đơn vị chủ quản cũng khó lòng nhận lời, ngay cả khi hiểu rằng thiết bị càng nhiều người sử dụng thì hiệu quả càng lớn. “Chúng tôi rất muốn sử dụng tối đa trên thiết bị mình có, mở cửa để các nhà nghiên cứu khác có thể đến nhưng vướng ở điểm sử dụng nhiều thì lại không có running cost, chi phí sửa chữa, tiền điện đi kèm…”, PGS. TS Nguyễn Trần Thuật chia sẻ.
Trong một bài viết trên Tia Sáng từ năm 2015, giáo sư Phạm Hùng Việt đã lưu ý vấn đề này, “trong phần đầu tư trang thiết bị lớn cần có khoản kinh phí nhỏ duy trì hoạt động thường xuyên, ví dụ vẫn cần giữ cho các bộ thiết bị phục vụ nghiên cứu được vận hành tương đối liên tục, kể cả khi không có mẫu đo, để duy trì điều kiện ổn định và tạo điều kiện hoạt động cho máy trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, trước khi được duyệt đề tài”.
Không riêng giáo sư Phạm Hùng Việt, trong nhiều cuộc hội thảo, có rất nhiều ý kiến tương tự của những người làm thực nghiệm nêu lên nhưng trên thực tế chưa mấy được các nhà quản lý quan tâm. “Vấn đề running cost khiến mọi nơi đều vướng. Tôi thấy với các đơn vị làm dịch vụ thì họ có khoản chi cho running cost nên thiết bị được bảo trì rất tốt. Các đơn vị công không có điều đó. Hiện chúng ta chỉ có tiền mua máy, làm được điều là vượt khó lắm rồi”, PGS. TS Vũ Đức Lợi nói và đưa ra ví dụ về running cost của thiết bị cộng hưởng từ vào năm gặp khó khăn liên quan đến địa chính trị, giá heli lỏng tăng khiến số tiền này lên tới 1 tỷ/năm.
Đó cũng là nguyên nhân khiến PGS. TS Nguyễn Phú Khánh thốt lên tại tọa đàm “Tôi mơ ước là ở Việt Nam có một nơi có trang thiết bị sẵn để các nhà khoa học có thể yên tâm dùng lúc nào thì dùng. Ở Pháp, khi chúng tôi làm nghiên cứu, chúng tôi có thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho mười mấy trường hàng không ở Pháp cùng phân tích. Rất khó làm được điều đó ở Việt Nam”? Vậy có cách nào để các nhà khoa học Việt Nam có thể chạm đến ước mơ của mình? (Còn tiếp).
Tôi mơ ước Việt Nam có thể có đến ba nền tảng chia sẻ với những thiết bị nghiên cứu tiên tiến và hiện đại bậc nhất như các quốc gia khác, một ở miền Bắc, một ở miền Trung và một ở miền Nam. Nếu được như vậy thì các nhà nghiên cứu từ các trường đại học và các doanh nghiệp có thể đến đó làm việc. Dù làm việc cùng nhau hay thực hiện dự án riêng của mình thì họ cũng có thể tiếp cận nó để làm nghiên cứu. Tôi không nghĩ đó là giấc mơ của riêng tôi mà chắc chắn là giấc mơ của nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam. Hãy tưởng tượng việc xây dựng được các không gian làm việc chung ở nhiều nơi có thể giúp chúng ta tiết kiệm được nguồn lực. Nếu xây dựng được một không gian như vậy, chúng ta sẽ có cách sử dụng được tốt thiết bị và thực hiện được tốt chiến lược khởi đầu các đề xuất xin tài trợ cho nghiên cứu mới.
GS. Nguyễn Thục Quyên |