Tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ CDĐL ở trong nước cũng như nước ngoài là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, số lượng CDĐL của Việt Nam dường như chưa thực sự tương xứng với tiềm năng đang có. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn nông sản phong phú, thậm chí còn nằm trong số những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu… Trong số đó, rất nhiều sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng. Kể từ CDĐL đầu tiên được bảo hộ cho nước mắm Phú Quốc từ năm 2001 đến nay, đã có 116 CDĐL đã được bảo hộ tại Việt Nam (107 CDĐL của Việt Nam và 9 CDĐL của chủ sở hữu nước ngoài). Con số này không thấp, song nếu nhìn sang các quốc gia khác, người ta có thể không khỏi suy nghĩ. Chẳng hạn như Thái Lan, bắt đầu bảo hộ CDĐL đầu tiên vào năm 2004 và đến nay, họ đã có 174 CDĐL. Ấn tượng hơn là những quốc gia bắt đầu bảo hộ CDĐL cách đây không lâu như Nhật Bản, kể từ năm 2015 đến nay đã cấp được 107 CDĐL, trong đó có 2 CDĐL của nước ngoài.
So với CDĐL được bảo hộ trong nước, số lượng CDĐL của Việt Nam được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài thấp hơn nhiều. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 40 CDĐL được bảo hộ tại nước ngoài, bao gồm cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ tại Nga và Thái Lan; quế Văn Yên ở Thái Lan, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản, và 39 CDĐL được bảo hộ tại EU theo hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Tình trạng này có thể khiến nhiều người thắc mắc, liệu có phải do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký bảo hộ CDĐL? Thật khó để chỉ ra tường tận căn nguyên, song chắc chắn, một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng CDĐL là chuẩn bị hồ sơ. “Ưu điểm của bảo hộ sản phẩm theo hình thức CDĐL là có khả năng mang lại danh tiếng cao nhất cho sản phẩm, tạo tiền đề cho việc quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhưng nhược điểm là công đoạn chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL phức tạp, tốn kém và lâu hơn so với nhãn hiệu. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan quản lý chuyên môn cũng như sự hợp tác tích cực của các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang CDĐL”, ông Nguyễn Trung Hiếu ở Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) giải thích trong hội nghị tập huấn mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào năm 2020.
“Muôn hình vạn trạng” quy định về đăng ký CDĐL
Có thể thấy, đăng ký bảo hộ CDĐL trong nước vốn không dễ, song ra nước ngoài còn phức tạp hơn nhiều bởi quy định mỗi nơi mỗi khác. Không phải quốc gia nào cũng có quy định riêng về bảo hộ CDĐL, và nếu có, hệ thống bảo hộ của mỗi nơi cũng không hề giống nhau. “Người ta thường chia ra ba hướng tiếp cận bảo hộ CDĐL, thứ nhất là không bảo hộ, thứ hai là bảo hộ bằng nhãn hiệu, thứ ba là bảo hộ bằng hệ thống riêng. Thực ra số lượng các quốc gia không ghi nhận thuật ngữ CDĐL rất ít, có khoảng 167 quốc gia nhận bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Trong đó, 2/3 quốc gia đã xây dựng hệ thống độc lập để bảo hộ CDĐL, có thể dùng các tên gọi khác nhưng bản chất hoàn toàn giống nhau (theo số liệu của International Trade Center)”, ThS. Nguyễn Lương Sỹ ở trường ĐH Luật (ĐH Huế) giải thích trong một tọa đàm về bảo hộ CDĐL vào năm 2021.
Chẳng hạn, một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là Hoa Kỳ không có quy định về đăng ký bảo hộ CDĐL. “Họ cho rằng CDĐL là một dạng của nhãn hiệu, cùng có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với nhà sản xuất như nhãn hiệu. Do đó, theo họ, không cần thiết phải thiết lập một hệ thống riêng về bảo hộ CDĐL. Việc bảo hộ CDĐL thông qua hệ thống nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể là đủ để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại thế giới WTO). Hơn nữa, việc đăng ký CDĐL dưới dạng nhãn hiệu sẽ không đòi hỏi chính phủ hoặc người đóng thuế phải chi thêm phương tiện, tài chính hoặc nhân sự để thiết kế một hệ thống bảo hộ riêng cho CDĐL”, luật sư Nguyễn Bá Hội ở Công ty TNHH Tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam, phân tích trong hội thảo về CDĐL ở Sơn La vào ngày 23/9 vừa qua. Do vậy, các sản phẩm mang CDĐL ở Việt Nam khi sang thị trường Hoa Kỳ sẽ phải đăng ký bảo hộ theo các hình thức này.
Ngược lại, thị trường châu Âu rất quan tâm đến vấn đề CDĐL. “Ở châu Âu, chúng ta có thể đăng ký bảo hộ CDĐL theo cấp độ Liên minh châu Âu (EU), CDĐL có thể được bảo hộ trong toàn khối hoặc một vài nước theo yêu cầu của chủ đơn, hoặc theo cấp độ quốc gia (mỗi quốc gia có quy định riêng về đăng ký bảo hộ CDĐL theo nguyên tắc không trái với quy định của Liên minh)”, ông Nguyễn Bá Hội cho biết. Pháp luật EU bảo hộ đồng thời hai đối tượng là tên gọi xuất xứ và CDĐL - đều là dấu hiệu chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ một địa phương, khu vực hoặc quốc gia cụ thể, có chất lượng đặc thù, danh tiếng do yếu tố tự nhiên và con người ở khu vực đó tạo nên.
Tiêu chuẩn bảo hộ CDĐL ở EU vốn chặt chẽ, song tên gọi xuất xứ còn khắt khe hơn nhiều. Một sản phẩm chỉ được bảo hộ tên gọi xuất xứ nếu toàn bộ quá trình sản xuất phải được thực hiện trên khu vực địa lý tương ứng, còn CDĐL chỉ đòi hỏi những công đoạn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và phẩm chất đặc thù của sản phẩm. “Tên gọi xuất xứ chỉ có ở sản phẩm rượu vàng và nông sản thực phẩm, rượu mạnh thì không có. Sự khác biệt giữa tên gọi xuất xứ và CDĐL phụ thuộc vào việc xác định giống, tỷ lệ phần trăm liên quan đến trồng, chế biến sản phẩm (rượu vang), với nông sản thì sẽ đánh giá sản phẩm hoàn toàn do điều kiện tự nhiên hay một phần, tất cả hay một khâu sản xuất được thực hiện trong khu vực địa lý”, ông Nguyễn Bá Hội phân tích. “Việc xác định sản phẩm được bảo hộ theo hình thức tên gọi xuất xứ hay CDĐL rất phức tạp, song cũng rất quan trọng. Bởi việc xác định định chính xác sẽ đảm bảo cho sự thành công khi đăng ký tại EU”.
Trong khi đó, ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam lại bảo hộ CDĐL dưới hai hệ thống song song: hệ thống riêng cho CDĐL và hệ thống bảo hộ nhãn hiệu. Theo số liệu của Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc năm 2021, tổng số CDĐL được chấp nhận bảo hộ ở nước này là 2490 CDĐL, và số CDĐL được đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là 6562. Cũng như phần lớn các quốc gia trên thế giới, Trung Quốc quy định CDĐL là dấu hiệu để chỉ sản phẩm có xuất xứ từ một khu vực cụ thể, có chất lượng, danh tiếng nhờ môi trường địa lý đặc biệt với các yếu tố con người và tự nhiên cố hữu. Quy chế bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận của Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu gần tương tự: phải mô tả rõ ràng và chi tiết chất lượng, danh tiếng hoặc bất kỳ đặc tính nào khác của hàng hóa mang nhãn hiệu có chứa địa danh, cũng như mối tương quan với các yếu tố tự nhiên và con người trong khu vực địa lý. “Các quy định của Trung Quốc có những điểm khá khác biệt với Việt Nam, họ yêu cầu hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm giống như hồ sơ đăng ký CDĐL, phải xác định rõ chất lượng đặc thù của sản phẩm (tiêu chí chứng nhận) và điều kiện địa lý quyết định chất lượng đặc thù này (có chứng minh khoa học)”, đại diện Sở KH&CN tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sơn La” tại Trung Quốc cho sản phẩm nhãn và xoài của tỉnh Sơn La.
Đi tìm bằng chứng khoa học
Dù quy định về CDĐL ở mỗi quốc gia rất đa dạng song đều có một điểm chung về điều kiện bảo hộ: sản phẩm mang CDĐL phải có nguồn gốc từ khu vực địa lý tương ứng, và danh tiếng, chất lượng hoặc các đặc tính tiêu biểu của sản phẩm có được chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực đó. Chẳng hạn như măng tre Bát Độ Yên Bái - CDĐL đầu tiên được cấp cho sản phẩm măng ở Việt Nam, có vị ngọt và ít xơ sợi. Hai tính chất đặc biệt này có được là nhờ điều kiện tự nhiên của khu vực này, có lượng mưa lớn kéo dài trong năm, đặc biệt là trong giai đoạn sinh trưởng và thu hoạch măng. Ngoài ra, khu vực này có biên độ nhiệt ngày đêm cao, giúp tạo nên mùi thơm và vị ngọt tự nhiên.
Việc chỉ ra các yếu tố này phải dựa trên các tài liệu, bằng chứng khoa học rõ ràng. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản sẽ thẩm định rất chặt chẽ nội dung này. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điểm yếu của các hồ sơ đăng ký CDĐL của Việt Nam. “Ở Việt Nam, cách thức đăng ký của chúng ta, theo góc độ nào đó, vẫn tương đối tạo điều kiện, cho nên dữ liệu đăng ký chưa được đảm bảo, việc sử dụng hồ sơ đó để đăng ký ra nước ngoài cũng có vấn đề. Đây là thực trạng mà chúng ta có thể thấy rõ qua các trường hợp của Sơn La, Bắc Giang hay Bình Thuận”, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng nhận định.
Cụ thể, “các sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL ở Việt Nam thường không có những nghiên cứu sâu về sản phẩm, nên rất ít tài liệu về sản phẩm và nếu có thì các nghiên cứu ở góc độ khác không sử dụng được”, ông Nguyễn Bá Hội, người đã tham gia vào quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản cho biết. Điều này dẫn đến “nhiều hồ sơ đăng ký đơn giản, không chỉ ra được mối tương quan giữa tính chất đặc thù của sản phẩm với điều kiện tự nhiên/con người tạo nên, hoặc không phân tích so sánh với đối chứng. Thậm chí danh tiếng của nhiều sản phẩm còn thiếu chứng cứ và không cụ thể, chúng ta viết bản mô tả rất hay, sử dụng rất nhiều mỹ từ như ‘có từ lâu đời’, ‘là sản phẩm tiến vua’, nhưng lại không có gì chứng minh. Nhưng khi ra nước ngoài họ không chấp nhận, như phía Nhật Bản yêu cầu phải đưa ra căn cứ tài liệu, sách báo nào đó, nếu không họ không tin được”.
Ngoài vấn đề kỹ thuật, kinh phí cũng là một rào cản không nhỏ trong quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài. “Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập (bao gồm cả cơ chế/định mức chi cho nghiên cứu trong nước cũng như thuê mua ở nước ngoài), trong khi chi phí đăng ký khá đắt đỏ. Ngay cả việc dịch hồ sơ tài liệu từ tiếng Việt sang nước ngoài, chẳng hạn như ở tiếng Nhật, chi phí là 25 yên/từ, nếu 300 từ/trang, thì chúng ta sẽ mất khoảng 1,7-1,8 triệu đồng/trang. Trong khi đó, một hồ sơ CDĐL rất nhiều tài liệu”, ông Nguyễn Bá Hội cho biết.
Do vậy, “một trong những lưu ý khi đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài là phải tiến hành đánh giá hồ sơ tại Việt Nam và so sánh với quy định của nước đăng ký (xác định nội dung cần bổ sung, nội dung cần làm rõ…)”, theo ông Nguyễn Bá Hội. Đồng thời, “phải đánh giá lại mô hình quản lý, dự kiến phương án chủ sở hữu đăng ký, lựa chọn đơn vị tư vấn tại Việt Nam cũng như tổ chức đại diện ở nước ngoài (EU có thể không cần đại diện). Chúng ta cũng phải chuẩn bị cơ chế, phương án tài chính và thời gian phù hợp”.