Có những lý do cụ thể khiến cho trường đại học thu hút tài trợ từ các doanh nhân hơn so với các tổ chức từ thiện.

Cách đây chưa đến hai tháng, TS Charles Huang, nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Pasaca Capital Inc, Mỹ, tài trợ 50 triệu bảng cho Đại học Strathclyde, Glasgow, nhằm tri ân GS Stephen Young, cố trưởng khoa Marketing. Đây là khoản tài trợ lớn nhất mà trường đại học này từng nhận được, cũng là một trong những khoản tài trợ lớn nhất cho các trường đại học Anh. Còn cách đây ít ngày, Chủ tịch tập đoàn SOVICO Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nghiên cứu, giáo dục, bao gồm việc đầu tư phát triển một trường đại học thuộc hệ thống Viện ĐH Oxford và thành lập quỹ học bổng, tổng giá trị hợp tác 155 triệu bảng. Hai tin trên đều gây xôn xao hệ thống giáo dục đại học Anh.

Ngày 31/10/2021, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO Nguyễn Thị Phương Thảo và GS Nick Brown, Hiệu trưởng Linacre College thuộc Viện Đại học Oxford, ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Tài trợ trong giáo dục là những khoản quyên góp hoặc tài trợ cho các trường đại học với mục đích hỗ trợ việc giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng của các trường đại học. Thu nhập của các tổ chức giáo dục có thể biến động theo thời gian cùng với sự thay đổi về số lượng sinh viên, các khoản tài trợ và trợ cấp từ chính phủ. Mặc dù các khoản tài trợ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên, với các quy tắc trong việc quản lý tài chính, các trường đại học vẫn có thể có những nguồn tài chính ổn định. Ví dụ, các trường đại học ở Mỹ thường chỉ sử dụng tiền lãi của khoản tài trợ để chi tiêu hằng năm mà không dùng đến số tiền gốc. Sự ổn định này giúp các trường rất nhiều trong việc hoạch định những chiến lược dài hạn.

Ngoài ra, các khoản tài trợ góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính của các tổ chức giáo dục. Với chính sách hai cao: học phí cao – hỗ trợ cao, các trường đại học đã tăng đáng kể số lượng học bổng cấp cho sinh viên trong những năm gần đây. Ở Mỹ hoặc Canada, các trường đại học lớn sẽ tự động cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho các sinh viên theo học mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh tài chính của sinh viên.

Các khoản tài trợ cũng cho phép các trường đại học cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao với mức chi phí thấp nhất có thể. Điều này đặc biệt quan trọng khi các khoản trợ cấp của nhà nước đối với các trường bị cắt giảm trong những năm gần đây. Nếu không có các khoản tài trợ, các trường sẽ phải cắt giảm nội dung trong chương trình học, tăng học phí, và phụ thuộc nhiều hơn vào ngân sách. Bởi vậy, nhiều trường đại học thậm chí còn có chiến lược nghiêm túc để thu hút tài trợ.


Bức tranh quyên góp giáo dục ở Anh

Thuật ngữ “Endowment” (các khoản quyên góp) xuất phát ở Anh vào thế kỷ 15 và trở nên phổ biến trong bối cảnh xã hội giáo dục của Mỹ. Theo Cục Thống kê Giáo dục Anh, trong năm học 2019-2020, các trường đại học ở nước này thu về 931 triệu bảng từ các khoản tài trợ - tăng gần hai lần so với 532 triệu bảng vào năm học 2014-2015. Đáng chú ý, dường như các trường đại học ở Anh đang có những chiến lược hiệu quả để thu hút được nhiều tiền tài trợ hơn theo từng năm học.

Bên cạnh đó, trong số 10 trường đại học/tổ chức giáo dục thu hút được nhiều tài trợ nhất trong năm 2020, có đến 9 trường thuộc Russel Group – nhóm trường hàng đầu tại Anh về chất lượng và danh tiếng. Không có gì ngạc nhiên khi Đại học Oxford thu về hơn 164 triệu bảng tiền tài trợ trong năm 2020, gần gấp đôi so với Đại học Cambrigde xếp thứ hai với hơn 85 triệu bảng.

Trong bối cảnh các chương trình, dự án nghiên cứu và chương trình hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên thuộc nhóm thu nhập thấp, ngày càng mở rộng, các trường đại học cần những khoản tài trợ để tuyển dụng giảng viên giỏi, áp dụng những công nghệ giáo dục tiên tiến và bắt kịp với sự nở rộ của kiến thức. Về tổng thể, các trường đại học cần thêm các nguồn lực không chỉ để nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế mà còn tăng hiệu quả trong các chương trình phục vụ cộng đồng.


Từ góc độ của các doanh nhân, họ có nhiều lĩnh vực để làm từ thiện như y tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật quý hiếm... Nhưng theo nghiên cứu của TS Beth Breeze, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Từ thiện, Đại học Kent, Anh, các trường đại học luôn dẫn đần trong các nơi nhận tiền tài trợ từ những doanh nhân thành đạt. Điều này có thể giải thích bởi các lý do sau:

Độ tín nhiệm cao

Các trường đại học thường có lịch sử lâu đời, quy mô lớn và khả năng quản lý tài chính tốt. Họ có kinh nghiệm quản lý tài chính với số tiền lớn, lên đến hàng trăm triệu bảng. Với kinh nghiệm đó, các trường đại học sẽ thu hút tài trợ từ các doanh nhân hơn so với các tổ chức từ thiện.

Thể hiện tham vọng và trách nhiệm

Giáo dục và nghiên cứu được ví như chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, việc quyên góp cho các trường đại học sẽ thể hiện tham vọng và trách nhiệm của các doanh nhân trong việc đem lại những giá trị cho cộng đồng.

Ngoài ra, không ít trường hợp doanh nhân thành đạt tài trợ cho trường đại học cũ để thể hiện lòng biết ơn với nơi đã đóng góp một phần vào sự thành công của họ.

Quảng bá thương hiệu và mở rộng quan hệ kinh doanh

Với việc đầu tư một số tiền lớn vào các trường đại học, các doanh nhân có cơ hội quảng bá thương hiệu cá nhân lẫn doanh nghiệp. Ngoài ra, khi trở thành một trong những mạnh thường quân của các trường đại học, họ có cơ hội tiếp xúc và thiết lập mối quan hệ với những cá nhân nổi bật, ban lãnh đạo hay mạng lưới cựu sinh viên thành đạt của nhà trường. Điều này sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh và tăng lợi nhuận trong tương lai cho doanh nghiệp của mình.