Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị trực tuyến ngành KH&CN tổ chức ngày 4/1 tại Hà Nội với chủ đề “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Vươn lên trong khó khăn
Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 120 về thu nhập nhưng lại xếp thứ 59 về đổi mới sáng tạo; các nhóm chỉ tiêu đầu tư liên quan trực tiếp đến KH&CN có thứ hạng dưới 50. “Điều này chứng tỏ giới KH&CN nước ta rất cố gắng so với mặt bằng chung về kinh tế - xã hội” - Thủ tướng nói và khẳng định, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều có sự đóng góp quan trọng của KH&CN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị sáng 4/1.
Ảnh: Loan Lê
“Năm 2016, thiên tai, nhân tai chưa bao giờ lớn đến thế, nhưng chúng ta đã hoàn thành căn bản các chỉ tiêu quan trọng mà Trung ương, Quốc hội giao, với 12 chỉ tiêu vượt mức. Trong bối cảnh thiên tai gây thiệt hại 2 tỷ USD, việc GDP chỉ còn thiếu 0,09% là điều đáng mừng. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục - trên 110.000 doanh nghiệp; quy mô vốn tăng gần 48%, FDI cũng đạt kỷ lục về thu hút vốn. Điều này cho thấy năng lực sản xuất, KH&CN của Việt Nam trong khó khăn vẫn vươn lên” - Thủ tướng nói.
Khai phóng năng lực sáng tạo
Trước thực tế năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ đứng thứ 56, chỉ số sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 92, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu thiết chế tài chính, đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH&CN: “Tinh thần chung là phải khai phóng năng lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng”. Thủ tướng cũng chỉ đạo gắn nghiên cứu KH&CN với thị trường; giá trị của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường quyết định.
“Phải tách hoạt động khoa học khỏi hoạt động hành chính, tránh hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả thay vì quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn” - Thủ tướng nói. Tuy nhiên theo ông, cán bộ KH&CN ngoài giỏi chuyên môn cũng cần biết kinh tế, phải vận dụng khoa học vào kinh tế, đời sống.
“Cần bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống, xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” - nhà khoa học, Nhà nước, nhà sản xuất” - Thủ tướng nhấn mạnh.