Trong năm 2016, các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời điểm thuận lợi để phát triển khởi nghiệp
Là người đang theo dõi quản lý về hoạt động khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, đây là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên khi Chính phủ mới kiện toàn ngày 4-5/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định cần đưa năm 2016 thành năm khởi nghiệp. Khởi nghiệp chính là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Có thể thấy, chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị và có nhiều điều kiện thuận lợi như hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành ngày 4/1/2017, vấn đề khởi nghiệp sáng tạo còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do đó chưa có số liệu thống kê chính thức của Nhà nước về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, theo thống kê từ Topica Founder Institute (Tổ chức thúc đẩy kinh doanh Việt Nam), hiện nay có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong năm 2016, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Giai đoạn 2012-2016 cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh khi có khoảng 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các cơ sở ươm tạo hầu hết là các đơn vị hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học. Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tuy là mô hình mới nhưng cũng đã chứng minh được hiệu quả cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam.
Trên cả nước hiện cũng có khoảng 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngày càng nhiều không gian làm việc chung được thành lập mới, chất lượng cao đáp ứng cả nhu cầu về cơ sở vật chất-kỹ thuật và nhu cầu đào tạo, kết nối của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Không gian sáng tạo là mô hình phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam, cho phép cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng trang thiết bị như: Máy in 3D, máy CND để làm sản phẩm mẫu.
Ngoài ra, Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam” của Bộ KH&CN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ huy động vốn đầu tư ban đầu và các vòng gọi vốn đầu tư tiếp theo từ các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cho các dự án khởi nghiệp trong nước có tiềm năng.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, tạo cơ chế thuận lợi về chính sách là vấn đề mấu chốt thúc đẩy khởi nghiệp phát triển. Các văn bản chính sách cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần phải bảo đảm môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp…
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó dành một chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các quy định cụ thể.
Liên quan đến vấn đề đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của Việt Nam, Bộ KH&CN đã và đang huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa, đề xuất các quỹ như Quỹ Đổi mới sáng tạo quốc gia, Dự án FIRST (Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ)… là những nơi có nguồn lực để giúp cho hoạt động khởi nghiệp.
Trong thời gian tới, toàn ngành KH&CN cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng để phát triển thị trường KH&CN. Đó là tiếp tục triển khai các biện pháp phát triển các tổ chức trung gian truyền thống hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ… Tích cực tuyên truyền, gia tăng hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ và sản phẩm công nghệ vào thực tiễn.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng các chương trình KH&CN quy mô quốc gia, cấp tỉnh để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ thành lập và phát triển các mô hình tổ chức trung gian kiểu mới. Việc thiết lập các hình thức liên kết với thị trường quốc tế nhằm gọi vốn, thoái vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp… cũng là những giải pháp mà ngành KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Tháng 11/2016, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia (TECHFEST) đã được Bộ KH&CN tổ chức. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một sự kiện có thương hiệu quốc tế, nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng tiềm năng, các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và truyền thông trong nước và quốc tế.
Bộ KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tìm đến nhau như đưa các nhóm khởi nghiệp tiềm năng ra nước ngoài, đến các sự kiện khởi nghiệp lớn trên thế giới tại Phần Lan, Hoa Kỳ, Singapo, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp cũng được thể hiện ở một số hoạt động như: Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV), Chương trình Đổi mới Sáng tạo (IPP), Cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Israel năm 2014", hoạt động "Kết nối đổi mới sáng tạo 2016”…