Nghiên cứu giải pháp tăng năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano... là một trong 5 "đơn đặt hàng" của Thủ tướng đối với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam.
Nội dung này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của viện, được tổ chức sáng 27/12.
Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS-VS Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học.
GS-VS Châu Văn Minh cho biết, năm 2016, viện được cấp 28 bằng sở hữu trí tuệ, công bố trên 2.000 công trình khoa học. Số công trình đăng trên tạp chí quốc tế là 996. Viện thực hiện 1.070 hợp đồng KHCN với kinh phí trên 233 tỷ đồng. Có 9 công nghệ được chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Về hợp tác quốc tế, viện ký đã mới 11 bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới về nghiên cứu, đào tạo hàng không vũ trụ, thành lập phòng thí nghiệm chung và trung tâm phối hợp chuyển giao công nghệ.
Cũng trong năm 2016, Viện tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN triển khai chương trình Phát triển vật lý đến năm 2020; quy hoạch mạng lưới công nghệ sinh học đến năm 2025, xây dựng dự thảo 4 chương trình nghiên cứu về hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất, khoa học biển của Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2017, Viện sẽ định hướng và ưu tiên các lĩnh vực KH&CN tiên tiến, hiện đại về vật lý, kỹ thuật số, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, toán học thống kê, xử lý dữ liệu lớn, khoa học tính toán để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng biểu dương những thành tựu của viện và khẳng định việc tăng 15-20% số công bố quốc tế và nghiên cứu cơ bản trong giai đoạn 2011-2016 là tiến bộ rất lớn. “Đặc biệt, viện đã chủ trì nghiên cứu xác định nguyên nhân cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, xác định cơ sở khoa học góp phần chứng minh các sai phạm của
Formosa Hà Tĩnh. Một số nghiên cứu khác được áp dụng vào đời sống kinh tế, xã hội, đóng góp trực tiếp vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng, các sự cố ở các vùng miền, có những định hướng tốt trong tương lai".
“Tôi tin tưởng rằng sứ mệnh lớn nhất của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trước hết là không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, để từ đó hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần khai phóng, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - Thủ tướng nói. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà.
GS-VS Châu Văn Minh phát biểu tại hội nghị.
Để phát huy các nguồn lực hiện có của viện, phục vụ tốt hơn sự phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn tiếp theo, song song với nghiên cứu cơ bản, viện cần dành thời gian và nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn, tạo mối liên kết hữu cơ để gắn nghiên cứu KHCN với sản xuất tư nhân và khởi nghiệp; giảm tình trạng doanh nghiệp trong nước bỏ ra chi phí lớn thuê các đơn vị tư vấn KHCN ở nước ngoài mỗi khi cần cải tiến thiết bị, phụ tùng thay thế. Thủ tướng cũng yêu cầu viện tinh gọn bộ máy, áp dụng phương pháp quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài sáng tạo ra sản phẩm có ý tưởng, có ứng dụng cao...
Nhân dịp này, Thủ tướng đưa ra 5 đặt hàng với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, bao gồm: Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý nhằm nâng cao giá trị và giảm thiểu lãng phí cho tài nguyên quốc gia; đề xuất các giải pháp KHCN trong việc theo dõi, kiểm soát và xử lý môi trường cũng như khắc phục hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu áp dụng KH&CN trong việc sản xuất hàng hóa, chú trọng yếu tố thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa; áp dụng KH&CN vào chế biến sâu, bảo quản lương thực, thực phẩm với chuỗi giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam, nâng cấp vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới, công nghệ nano...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng tranh lưu niệm cho Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
GS-VS Châu Văn Minh tặng cuốn Atlas Việt Nam cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng mong muốn, với nguồn ngân sách được cấp năm 2017 là 1.661 tỷ đồng, cùng với tinh thần yêu khoa học, đam mê sáng tạo và tinh thần tự tôn dân tộc, các nhà khoa học của viện sẽ vượt qua khó khăn để nâng cao hàm lượng chất xám trên từng dây chuyền, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, qua đó khẳng định
trí tuệ Việt Nam trên sân chơi toàn cầu trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.