TSNguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ.
Đây được hiểu là sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tư nhân trong quá trình khai thác sáng chế dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, công bằng, dân chủ, hợp pháp trong phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Hình thức này có thể có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, với chức năng khác nhau như: Nhà đầu tư/nhà kinh doanh cấp vốn, nghiên cứu thị trường sản phẩm đầu ra; doanh nghiệp cung cấp nhân lực, nhà xưởng, móc móc, thiết bị, cấu trúc hạ tầng; nhà sáng chế/chủ sở hữu sáng chế đóng góp bằng sáng chế và bí quyết để tạo ra công nghệ, sản phẩm từ sáng chế; Nhà nước hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực, thuế, tín dụng, đất đai và tạo môi trường pháp lý thuận lợi.
Để có thể khai thác sáng chế thành công, sự nỗ lực của chủ sở hữu sáng chế, doanh nghiệp, nhà đầu tư là chưa đủ, mà cần phải có sự hỗ trợ, hợp tác tích cực của Nhà nước. Thực tế cho thấy, sự hợp tác công - tư trong khai thác sáng chế ở Việt Nam còn lỏng lẻo, chưa có chiều sâu.
Đây là một trong các nguyên nhân cơ bản khiến các kết quả nghiên cứu - đặc biệt là các sáng chế - ít có giá trị thực tiễn, khó chuyển giao vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế trong khai thác sáng chế chưa cao.
Để thúc đẩy hợp tác công - tư trong khai thác sáng chế, Nhà nước cần có một số chính sách cơ bản như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về sáng chế, nhấn mạnh các sáng chế cần được ưu đãi đặc biệt nếu được khai thác, từ đó xây dựng lộ trình khai thác sáng chế hợp lý; nuôi dưỡng nguồn cung sáng chế trong nước, nâng tầm các tổ chức định giá sáng chế để hỗ trợ hoạt động khai thác.
Một điểm rất quan trọng nữa là tạo môi trường thể chế thuận lợi và lấy đối tác tư nhân là trung tâm trong quá trình khai thác sáng chế. Muốn hình thức hợp tác này phát huy hiệu quả, các bên cần xác định rõ mục tiêu, vị trí, vai trò, phạm vi, lợi ích và các rủi ro cơ bản của từng bên trong quá trình khai thác sáng chế, đồng thời hình thành cơ chế kiểm soát các vấn đề liên quan tới xung đột lợi ích.