Không còn là môn học "riêng" của các thành phố lớn
Cầm trên tay tập tài liệu thuyết trình về mô hình hoạt động của “doanh nghiệp Ticren”với sản phẩm là ứng dụng kết nối người cho thuê và người thuê nhà của các học sinh lớp 11 trường liên cấp Olympia, chị Đoàn Bích Ngọc - Giám đốc đào tạo của tổ chức Junior Startup Viet Nam (JSV), dự án được ươm tạo và bảo trợ bởi BK Holdings - cho biết, đây là sản phẩm sau 7 tháng học sinh được học cách xây dựng, phát triển một doanh nghiệp. Điều bất ngờ là sản phẩm được trình bày hết sức “chuyên nghiệp” với các nội dung như ý tưởng sản phẩm, kết quả điều tra thị trường, dự toán thu chi, phân công công việc cùng kế hoạch nhân sự, chiến lược quảng cáo, kinh doanh...
Để hoàn thành 20 trang thuyết trình, các em đã trải qua những buổi học ngoại khóa mỗi tuần dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của chị Ngọc cùng các cộng sự ở JSV. Thậm chí, có nhóm phải đi điều tra thị trường tới 5-6 lần, mỗi lần điều tra xong là một lần sản phẩm được thay đổi cho phù hợp với thực tế. Sau đó, các em sẽ thuyết trình trước ban giám khảo gồm các chuyên gia kinh tế thực thụ và giáo viên để thuyết phục họ về tính khả thi của dự án.
Tú Vi – học sinh lớp 11 trường liên cấp Olympia - chia sẻ: “Em thấy rằng, nhiều vấn đề trong cuộc sống đều liên quan mật thiết với kinh tế, bởi vậy em nghĩ hãy cho học sinh được tiếp cận với các khái niệm về tiền, cách sử dụng đồng tiền hợp lý và cách kiếm tiền... thông qua các hội chợ hay các buổi bán đồ từ thiện... từ cấp một hoặc cấp hai, chứ không phải chờ đến cấp ba.”
Chương trình học về kinh tế và bảo vệ môi trường tại Trường phổ thông liên cấp Olympia. Ảnh: Lương Tuyết
Tại thời điểm này, có rất ít học sinh được học các kiến thức về kinh tế, kinh doanh như Tú Vi vì những chương trình như vậy mới tập trung ở các thành phố lớn và cũng chỉ dừng ở hoạt động ngoại khóa, theo nhu cầu của từng trường hoặc được tổ chức khi có tài trợ.
Tin mừng là, với chương trình cải cách giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện để áp dụng từ năm 2020, các kiến thức về kinh tế sẽ được đưa vào dạy lồng ghép ở tất cả các trường từ lớp Một, và đến cấp 3 sẽ trở thành môn tự chọn bắt buộc. Việc này chứng tỏ, ý nghĩa của việc xây dựng các kiến thức nền về kinh tế cho học sinh đã được nhận thức rõ ràng.
Chị Đoàn Bích Ngọc chia sẻ: “Nếu ai hỏi tôi nhận được gì khi triển khai những chương trình giảng dạy về tư duy tài chính, kinh doanh đến trường học cho các em, tôi nghĩ rằng đó chính là sự đón nhận của xã hội. Năm năm trước khi đưa những nội dung này vào lớp học, chúng tôi từng bị phụ huynh phản đối. Họ cho rằng con họ có quá nhiều thứ phải học, thay vì học những kiến thức kinh doanh xa lạ, hay học cách tiêu tiền. Giờ đây, phụ huynh thậm chí còn mời thầy hoặc đề nghị nhà trường tổ chức những lớp học như thế.”
Học để thay đổi thái độ
Vì sao nhiều người dân bị lừa bởi những chương trình huy động vốn lãi suất cao? Vì sao họ sẵn sàng thế chấp nhà vay hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động? Lý giải những hiện tượng này, TS Phùng Đức Tùng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong, một chuyên kinh tế đang tình nguyện tham gia xây dựng chương trình đưa kiến thức kinh tế vào trường phổ thông, cho rằng, đây chính là hệ quả của việc người dân không có kiến thức cơ bản về kinh tế.
“Nếu hiểu đúng bản chất của lãi suất, những khoản vay, đầu tư và giá cả, người dân sẽ hiểu rằng, những khoản cho vay có lãi suất gấp 5-10 lần lãi suất ngân hàng chắc chắn là lừa đảo. Mỗi cá nhân nếu không quản lý tài chính tốt sẽ dễ dàng rơi vào nợ nần và có thể dẫn đến phá sản.”
Cũng theo TS Tùng, do không hiểu về quy luật của kinh tế, người dân
thường “khó chịu” khi phải đóng thuế - khoản thu của chính phủ để đảm
bảo an ninh xã hội và môi trường sống quốc gia hay thường chỉ mua bảo
hiểm y tế khi chẳng đừng, vì thế nếu mắc bệnh hiểm nghèo, họ sẽ khánh
kiệt vì phải chi trả viện phí. Nếu được dạy về rủi ro khi không đóng bảo
hiểm, người dân sẽ sẵn sàng tự nguyện đóng. Ngoài ra, nếu không bệnh
tật, có thể xem đây là phần đóng góp cho xã hội” – TSTùng phân tích.
Việc
đưa kiến thức về kinh tế vào trường phổ thông cũng nhằm khắc phục những
lỗ hổng về nhận thức này, như chị Đoàn Bích Ngọc chia sẻ: “Khi được học
về ý nghĩa và giá trị của đồng tiền, học sinh sẽ hiểu rằng muốn có tiền
phải lao động và phải lên kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nếu không, dù có
hàng núi tiền rồi cũng sẽ hết. Hay như khi học về điểm tín dụng, học
sinh sẽ nhận thức ra rằng, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là giữ
chữ tín. Nếu được tin tưởng, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của xã hội và
những người xung quanh.”
Học sinh Trường Tiểu học Brendon học về tư duy tài chính. Ảnh: Lương Tuyết
Song theo hai chuyên gia nói trên, mục đích của việc dạy kiến thức kinh tế trong trường phổ thông không nhằm để học sinh “thuộc làu làu” các khái niệm cụ thể như điểm tín dụng, các loại thẻ, lãi suất ngân hàng... Trông đợi lớn nhất của họ ở những chương trình này là học sinh sẽ thay đổi thái độ đối với đồng tiền và cách tiêu tiền.“Học sinh hiểu đúng giá trị của đồng tiền và biết cách chi tiêu hợp lý là kỳ vọng của chúng tôi” – chị Ngọc nhấn mạnh.
Một vài gợi ý về phương pháp
Thực tế, các kiến thức liên quan đến kinh tế như GDP, quá trình phát triển kinh tế, quản lý của nhà nước với vấn đề kinh tế... đã được đưa vào một số môn học như Địa lý hay Giáo dục công dân nhưng còn chung chung, mang tính mô tả lịch sử hơn ý nghĩa kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ suy nghĩ của ông khi chứng kiến những em bé Mỹ 4 tuổi đã được dạy về mô hình kinh doanh, cách mua bán, kiếm tiền, sử dụng tiền ở lớp mẫu giáo. Cứ 6 học sinh lại có một thầy hoặc cô hướng dẫn. Các bé đứng bán đồ, đóng vai người mua và người bán. Cửa hàng có đồng phục cho nhân viên, máy in hóa đơn tính tiền... Các bé trai làm công việc xây dựng, lái xe để kiếm tiền. “Mô hình này khiến tôi ước mình trở về 4 tuổi để được tham gia vào” – ông Doanh nói vui.
Học sinh Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu chơi trò chơi rèn kỹ năng tiêu dùng thông minh. Ảnh: Lương Tuyết
Vẫn còn chưa rõ chương trình cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ truyền đạt các bài học về kinh tế đến học sinh theo cách nào nhưng theo gợi ý của TS Phùng Đức Tùng, giáo trình dạy kiến thức kinh tế nên mang tính ứng dụng cao hơn và cần gắn liền với thực tế. Ví dụ, học sinh có thể học cách tính toán lợi nhuận đầu tư, đảm bảo hoàn vốn và có lời sớm nhất cho các dự án cụ thể như đầu tư trồng khoai tây, mía và dứa, có năng suất, chất lượng, giá bán, vốn đầu tư, phân bón theo giá thị trường, thậm chí có thể mở rộng thành những bài toán phức tạp hơn, bao gồm các yếu tố vay ngân hàng, lương nhân công...
Một bài toán khác mà TS Tùng cho rằng cũng thiết thực trong việc chuẩn bị cho học sinh bước vào cuộc đời sinh viên, đó là kỹ năng tính toán tối ưu tiêu dùng, sao cho với khoản tiền, chẳng hạn là 3 triệu, do gia đình chu cấp, các em vẫn đủ chi cho các khoản như thực phẩm, thuê nhà, đi chơi,...
Trong khi đó, phương pháp dạy mà chị Bùi Bích Ngọc và các thầy cô trong tổ chức JSV đang triển khai là làm sao để học sinh không cần nhớ quá nhiều, nhưng luôn rút ra được những bài học ý nghĩa cho bản thân sau mỗi giờ học.
“Khi nói về cách xây dựng một doanh nghiệp, tôi trình bày đầy đủ quy trình từ lúc xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh cho đến cách nghiên cứu thị trường, lựa chọn sản phẩm kinh doanh, lập kế hoạch marketing, sale, tài chính. Và cuối cùng là giải thể doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp nào cũng có vòng đời của nó. Sau này, học sinh có thành lập doanh nghiệp để kinh doanh hay không, không ai biết, nhưng bài học đó vẫn có thể có ích cho các em, rằng bất cứ cái gì rồi cũng kết thúc” – chị Ngọc chia sẻ.
Hay như trong bài học về các loại tiền trên thế giới, chị Ngọc phát cho mỗi học sinh 200.000 đồng để mua đồ lưu niệm, rồi làm quen và tặng những món đồ đó cho bạn bè nước ngoài. Đổi lại, các em sẽ đề nghị các bạn nước ngoài tặng cho mình một đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhất của nước bạn cùng lời giới thiệu về đồng tiền.
“Cách dạy này trực quan, dễ hiểu và dễ nhớ” – chị Ngọc nói, coi đây là một thí dụ điển hình cho thấy, các thầy cô không kỳ vọng học sinh phải am tường việc kinh doanh như người lớn mà mong các em trước hết học được các kỹ năng mềm như chi tiêu hợp lý, giao tiếp, thuyết phục và lắng nghe người đối diện... thông qua các bài học về mua bán.