Để cho ra một công bố quốc tế trên tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus, các giảng viên phải làm việc chăm chỉ ít nhất 2-3 năm. Động lực nào sẽ khiến họ không ngại đánh đổi thời gian, công sức và dám gạt nhiều công việc khác sang một bên để chỉ tập trung vào nghiên cứu?

Những kiểu thưởng "đặc biệt"

“Năm 2007, khi tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), toàn trường chỉ có 7-8 bài công công bố quốc tế. Thời điểm đó, tôi xác định xây dựng trường trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi thực hiện các nghiên cứu mang tầm quốc tế nên đã thiết kế nhiều chính sách để hiện thực hóa mục tiêu này. Sau 10 năm, hiện nay số công bố của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tăng gấp 10 lần” - GS.TS Trần Đức Viên mở đầu câu chuyện bằng việc kể về kết quả của “kiểu thưởng đặc biệt” cho những công bố quốc tế mà ông quyết liệt thực hiện từ năm 2006 dù bị nhiều người phản đối, khiến ông thậm chí “suýt mất chức”.

Cụ thể, thời điểm năm 2007, mỗi giảng viên có một bài báo được công bố trên tạp chí thuộc hệ thống ISI nhận được 25 triệu đồng tiền thưởng. Nghiễm nhiên mức thưởng này còn là điểm cộng để giảng viên đó trở thành chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; và nếu năm đó có đợt xét tăng lương sớm, cá nhân cũng nhận được ưu đãi này, không cần bình bầu. Thời điểm ấy, GS Viên còn ra sức thuyết phục các giảng viên có tuổi đi dạy thay các giảng viên trẻ, để họ chỉ cần dạy số tiết đúng theo quy định, thời gian còn lại dành cho nghiên cứu.

Đặc biệt hơn, vị hiệu trưởng này đã chọn ngày để vinh danh, trao thưởng là ngày 20/11 (sau này còn có thêm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5). Lý lẽ của ông là cần tạo ra cả động lực và áp lực.

Nghiên cứu viên làm việc tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Ảnh: Lê Phượng
Nghiên cứu viên làm việc tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Ảnh: Lê Phượng

“Thấy đồng nghiệp được xướng tên mà mình không có là thấy ngại. 10 năm trước, 25 triệu đồng là số tiền lớn, đủ để trở thành động lực. Đến nay, mức thưởng vẫn được giữ nguyên nhưng nghiên cứu đã trở thành thói quen. Mục tiêu từ 10 năm trước đến nay tôi đã đạt được” - GS Viên vui vẻ kể.

Cũng áp dụng chính sách tương tự, nhưng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đưa ra mức thưởng lên tới 200 triệu đồng cho một bài công bố quốc tế trên tạp chí ISI có chỉ số ảnh hưởng IF>2. Theo ông Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng nhà trường - chính sách này đã được áp dụng từ năm 2012 với mức thưởng cao nhất là 150 triệu đồng. Sau 5 năm triển khai, chính sách thưởng mạnh tay đã chứng tỏ hiệu quả, năng suất nghiên cứu của trường tăng từ chỗ chỉ vài bài nghiên cứu công bố quốc tế mỗi năm lên 50 bài/năm vào năm 2015-2016.

Với con số này, ông Hoài cho rằng, ban giám hiệu nhà trường tạm thời hài lòng và mục tiêu lúc này đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng các bài báo, trong đó việc tăng mức thưởng là một cách giúp các nhà khoa học yên tâm đầu tư thời gian và chất xám cho chất lượng thay vì số lượng.

"Khoán mới" trong nghiên cứu cơ bản ở đại học?

Khảo sát ý kiến của một số nhà nghiên cứu, Khoa học và Phát triển nhận thấy, họ nhìn nhận khoản thưởng lớn cho công bố giống như cách trả tiền sau của đơn vị sở hữu cho các nghiên cứu, và khoản đó có thể dùng gối đầu một cách hết sức hữu hiệu vào nghiên cứu tiếp theo.

Anh Phạm Hiệp - nhà nghiên cứu giáo dục, nghiên cứu sinh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), cho rằng, thưởng lớn là việc nên làm. Với những nhà khoa học trẻ, mới từ nước ngoài chưa có network và kinh nghiệm thì rất khó để xin được đề tài. Những khoản thưởng tương đối sẽ giúp họ có kinh phí đáng kể để trả lương cho chính mình và nhóm nghiên cứu. “Thành thật mà nói, cần thưởng cao hơn nữa để thúc đẩy công bố tốt. Nếu khoảng cách [giữa các mức thưởng, dựa trên tiêu chí về IF] chỉ là 20-30 triệu thì chưa thể thúc đẩy các công bố đỉnh cao” – anh Hiệp nhấn mạnh.

Các sinh viên thực hiện nghiên cứu tại phòng vàng thuộc Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa họcTự nhiên (ĐH Quốc gia HàNội). Ảnh: Loan Lê
Các sinh viên thực hiện nghiên cứu tại phòng vàng thuộc Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa họcTự nhiên (ĐH Quốc gia HàNội). Ảnh: Loan Lê

Về phía nhà quản lý, mức thưởng lớn được hiểu như một cách khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. PGS. TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - giải thích rõ hơn: “Khi đó, nhà trường không quan tâm quá trình nghiên cứu để có được công bố của nhà khoa học và bỏ qua các quy trình thủ tục hành chính.” Xét theo nghĩa này, đây là một mô hình tích cực bởi giảm nhiều khâu trung gian như xét duyệt đề tài, hội đồng khoa học, thủ tục thanh toán...

Trong khi đó, TS Đặng Văn Sơn, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nơi mức thưởng cho công bố khoa học dao động từ 3-20 triệu đồng, tùy theo chất lượng, cho biết, anh không không mấy quan tâm đến chính sách này, kể cả khi mức thưởng có tăng gấp 10 lần. Bởi theo anh, “nhiệm vụ của một nhà khoa học là làm nghiên cứu, không ai làm nghiên cứu để lấy tiền thưởng”. Nhà khoa học có nhiều bài báo quốc tế có giá trị sẽ có hồ sơ nghiên cứu đẹp, từ đó dễ dàng xin được tài trợ cho các dự án nghiên cứu của mình. Cá nhân anh muốn tìm kiếm nguồn lực theo con đường kinh điển đó, TS Sơn khẳng định.

“Thay vì thưởng tiền, các trường hãy mạnh dạn đầu tư vào điều kiện làm việc như phòng thí nghiệm, vật tư khoa học để nhà nghiên cứu có thể cho ra đời những nghiên cứu chuyên sâu, có chất lượng tốt” – TS Sơn đề xuất.


Động lực toàn diện cho nhà nghiên cứu

Suy nghĩ của TS Đặng Văn Sơn có phần nào trùng với suy nghĩ của giới quản lý đại học.

Mặc dù chính sách thưởng tiền cho công bố khoa học dường như đã chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt, song lãnh đạo nhiều trường đều nhận thức rằng, chính sách này chỉ là một phần của giải pháp. Để nâng cao năng lực nghiên cứu một cách thực chất, cần triển khai hàng loạt các chính sách “có giá trị gấp vài chục lần số tiền thưởng”, như lời GS.TS Nguyễn Trọng Hoài.

Bên cạnh chính sách thưởng tiền, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã đầu tư 1 tỷ đồng để mua 400 tạp chí quốc tế, phục vụ nhu cầu tra cứu của các giảng viên của trường. Trung tâm dữ liệu cũng được xây dựng, tập hợp dữ liệu từ các cơ quan khảo sát, thống kê nhằm phục vụ nhu cầu chạy các mô hình kinh tế khi cần thiết. Ngoài ra, còn có các chương trình giảng dạy ngoại ngữ học thuật để nâng cao khả năng viết bài báo khoa học cho giảng viên với trình độ từ thấp đến cao.

“Người không đạt yêu cầu phải trả lại học phí cho nhà trường. Cơ chế này tạo ra cơ hội và trách nhiệm cho mỗi giảng viên. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh cũng được tạo điều kiện, mỗi năm nhà trường tài trợ 35 triệu đồng để các nhóm có kinh phí gặp gỡ, trao đổi học thuật và ý tưởng nghiên cứu” – GS Hoài cho biết thêm.

Có thể thấy những diễn biến tương tự ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với tư cách hiệu trưởng nhà trường, GS.TS Trần Đức Viên đã tạo ra hàng loạt chính sách như đưa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thành yêu cầu bắt buộc với giảng viên, xin học bổng đưa giảng viên đi đào tạo nước ngoài, xây dựng mạng lưới cộng tác viên là nhà khoa học trên toàn cầu. “Phương pháp này gọi là mở cửa với bên ngoài để đổi mới bên trong, lấy ngoại lực làm nội lực” - GS Viên nhận định.

Các sinh viên của trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng thực hành tại Phòng thí nghiệm Hóa học. Ảnh: Lê Phượng
Các sinh viên của trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng thực hành tại Phòng thí nghiệm Hóa học. Ảnh: Lê Phượng

Trong khi nhiều trường khác còn lẫn lộn khái niệm giữa các phòng thí nghiệm và phòng thực hành cho sinh viên, GS Viên đã xây dựng quy chế sử dụng và phân biệt rõ phòng thí nghiệm đỉnh cao, phòng nghiên cứu bình thường, phòng thực hành của sinh viên. Các nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập, xóa bỏ ranh giới hành chính giữa các khoa.

“Trước đây, các nhà khoa học coi việc nghiên cứu như thứ quỹ xóa đói giảm nghèo nên bộ môn hay khoa nào xin được đề tài sẽ giữ khư khư. Nhóm nghiên cứu mạnh hình thành sẽ gom các nhà khoa học có cùng chuyên môn, học thuật lại. Ví dụ, cùng làm lúa gạo thì người nghiên cứu về giống, tưới, bón phân, sau thu hoạch, chế biến, tiếp cận thị trường… đều vào một nhóm, không có biên giới, phối hợp cùng nghiên cứu” – GS Viên giải thích.

Bên cạnh đó, Quỹ Khoa học và Công nghệ của trường được thành lập, hỗ trợ cho các giảng viên trẻ từ nước ngoài về chưa xin được đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ với lý do trong vòng 3 năm sau khi về nước, nếu không được tiếp tục mạch nghiên cứu đang theo đuổi, kiến thức sẽ bị mai một rất nhanh. Mỗi giảng viên trẻ có thể được Quỹ đầu tư từ 50-400 triệu đồng để theo đuổi hướng nghiên cứu của mình. “Khoảng 70-80% các nghiên cứu không cho ra kết quả tốt nhưng đó là chuyện đương nhiên. Nghiên cứu khoa học là tạo ra cái mới, khả năng không thành công là cao nên không thể yêu cầu nghiên cứu nào cũng cho kết quả tốt” – GS Viên cho biết.