Bà xã gửi qua viber đường link bài báo “Đại học Kinh tế thưởng 200 triệu cho một bài báo quốc tế” với lời nhắn: Trường anh thì thế nào? Nếu thưởng nhiều thế, anh bỏ hết các việc khác, lo nghiên cứu khoa học đi. Việc nhà có em lo!

1. Bà xã gửi qua viber đường link bài báo “Đại học Kinh tế thưởng 200 triệu cho một bài báo quốc tế” với lời nhắn: Trường anh thì thế nào? Nếu thưởng nhiều thế, anh bỏ hết các việc khác, lo nghiên cứu khoa học đi. Việc nhà có em lo!

Liếc qua tin nhắn tôi tự nhủ: như vậy là cuộc “chạy đua vũ trang” giữa các đại học đã bắt đầu tăng tốc. Khi tên “đại học trẻ” Tôn Đức Thắng xuất hiện trên các bảng xếp hạng đại học theo chỉ số khách quan về nghiên cứu khoa học, ngang cơ với hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM), nhiều người đặt dấu nghi ngờ: có lẽ có gì đó sai sai trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự phát triển của đại học này, không phải chỉ bề ngoài với khuôn viên đại học đẹp, sạch làm ta lầm tưởng đang trong một đại học ở Singapore, không phải chỉ ở việc sinh viên đi lại trật tự, văn hóa xếp hàng vào thang máy, im lặng nơi học chung mà nhìn vào chiều sâu sẽ thấy, các bảng xếp hạng đó phản ánh một thực tế khách quan: đại học công lập tự chủ này đang phát triển bền vững theo định hướng đại học nghiên cứu.

Dường như thành công của Đại học Tôn Đức Thắng kích thích các trường đại học khác tăng tiền thưởng cho bài báo khoa học với hy vọng cải thiện một chỉ số quan trọng trong bảng đánh giá: số lượng bài báo ISI.

GS-TSKH Lê Văn Hoàng.
GS-TSKH Lê Văn Hoàng.

2. Đại học Tôn Đức Thắng xếp số một trong các đại học Việt Nam về năng lực nghiên cứu khoa học theo NatureIndex với 3 bài báo được đánh giá tổng số điểm 1.08, trong khi Đại học Quốc gia TP.HCM đứng thứ hai với 6 bài báo được đánh giá tổng số điểm 0.96. NatureIndex không chỉ thuần túy đếm số bài mà còn tính đến tỉ lệ tác giả của đại học đó với các tác giả từ bên ngoài. Hai trên ba bài báo của Đại học Tôn Đức Thắng là do các nhà khoa học cơ hữu của đại học này đứng tên tác giả chính và tỉ lệ nội lực là 36%, so với 16% của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ngày nay, các nghiên cứu khoa học mới, có ý nghĩa cần sự hợp tác của rất nhiều chuyên gia lãnh vực chuyên môn hẹp khác nhau, cần có sự phối hợp giữa các quan sát thực nghiệm với nghiên cứu lý thuyết cũng như dự báo của tính toán mô phỏng. Với một nước chưa có nền khoa học phát triển như Việt Nam, sự hợp tác quốc tế có ý nghĩa sống còn.

Do đó, khi xem xét một công trình khoa học, chúng ta đánh giá cao yếu tố nội lực của đại học trong nước nhưng cũng cần khuyến khích sự hợp tác quốc tế. Thực tế, ở các đại học năng động với cơ chế tự chủ như Tôn Đức Thắng hay Duy Tân, có một sự phối hợp rất tốt giữa hợp tác của các nhà khoa học đầu ngành (trong và ngoài nước) với việc xây dựng một đội ngũ cơ hữu các nhà khoa học trẻ, xuất sắc được đào tạo từ các đại học tiên tiến trên thế giới. Xếp hạng của NatureIndex đã xác nhận một thực tế là các các đại học trẻ có tầm nhìn và các bước đi rất cơ bản trong đầu tư cho nghiên cứu khoa học đã bắt đầu gặt quả ngọt.


3.
Quay lại với vấn đề thưởng lớn cho các bài báo đăng trên các tạp chí ISI/Scopus: nên hay không nên? Liệu biện pháp thưởng nhiều tiền này có thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học của các trường đại học?

Theo tôi, nếu là thưởng thì không nên trả quá nhiều vì phải xem nghiên cứu khoa học là công việc bình thường và bắt buộc của các TS, PGS, GS ở các trường đại học. Thay vì thưởng, cần có quy định trả tiền công lao động cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Theo Thông tư 47/2014/ TT-BGDĐT Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên: tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1.760 giờ, trong đó phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Với nhiệm vụ nặng nề như vậy, mức lương cho một tiến sỹ ở một số đại học lớn chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng là không tương xứng.

Để nghiên cứu khoa học, giảng viên cần tập trung cao độ, cả thời gian và trí lực. Mức lương bất hợp lý đó không thể nào đủ để tập trung cho công việc, dẫn đến giảng viên phải dạy thêm nhiều ngoài giờ chuẩn.

4. Trường đại học không chỉ là nơi dạy kiến thức mà còn là nơi làm ra tri thức. Việc song hành giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên đại học là chuẩn mực quốc tế. Trong sứ mệnh của phần lớn các trường đại học đều có nói đến làm ra tri thức mới, do vậy cần có cơ chế để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở trường đại học. Nếu chỉ dạy học, chúng ta không cần đào tạo ra quá nhiều tiến sỹ.

Gửi một giảng viên đi nước ngoài đào tạo một tiến sỹ bằng ngân sách nhà nước, chúng ta tiêu tốn hàng tỷ đồng rồi sau đó trả lương 7 triệu đồng/tháng và biến giảng viên thành thợ dạy thì khác gì vứt tiền qua cửa sổ.

Nói như vậy không có nghĩa là trường đại học không cần giảng viên chỉ chuyên tâm vào giảng dạy và không nghiên cứu. Vấn đề là cần thay đổi quy định về chế độ làm việc của giảng viên, trong đó phân định rạch ròi chuẩn giảng viên giảng dạy, chuẩn giảng viên nghiên cứu với các định mức rõ ràng. Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, cần trả công tương xứng cũng như công đứng lớp.

Tôi biết nhiều nhà quản lý khoa học của các đại học lớn, một số là bạn bè tôi, và tôi tin tầm nhìn của họ đủ xa để thấy việc thưởng tiền cho các bài báo ISI chỉ là một trong các giải pháp trước mắt thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Chắc chắn đằng sau những thông tin giật tít như thưởng 200 triệu cho một bài báo, các nhà quản lý đang miệt mài xây dựng các quy chế làm việc của nhà khoa học gắn liền nhiệm vụ với các sản phẩm ISI cùng mức công lao động tương xứng. Vấn đề đầu tiên của các nhà quản lý là “tiền đâu”, và họ như các dũng sỹ ra trận không gươm dao với hai tay trói chặt.

Tự chủ đại học có thể sẽ là lời giải cho nhiều bài toán của đại học. Nếu tra cứu trên google sẽ thấy, một số đại học tự chủ tài chính trả lương cho giảng viên không dưới 16 triệu đồng/tháng.