Có kiến thức về kinh tế, mỗi người sẽ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn và biết cách đối phó nhiều tình huống của cuộc sống. Đây là một trong những lý do mà các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đưa việc giảng dạy kiến thức kinh tế vào trường học ngay từ bậc phổ thông.

Có kiến thức về kinh tế, mỗi người sẽ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, tự chủ và biết cách đối phó trong nhiều tình huống của cuộc sống, tránh được những rủi ro không đáng có. Đây là một trong những lý do khiến các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đưa việc giảng dạy kiến thức kinh tế vào trường học ngay từ bậc phổ thông.

Lớp học về tư duy tài chính và kinh doanh tại Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu.
Ảnh: Lương Tuyết

TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Mekong -cho rằng, người dân được trang bị kiến thức về kinh tế sẽ hiểu vòng đời tiêu dùng diễn ra như thế nào để có chiến lược rõ ràng cho thu nhập của mình. Chẳng hạn, dưới 30 tuổi là thời gian con người đầu tư cho học hành để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. Sau 30 tuổi, khi thu nhập cá nhân đạt mức cao nhất, họ cần tích lũy để phục vụ cho tiêu dùng giai đoạn từ 60 tuổi trở đi khi họ nghỉ hưu.

Theo TS Tùng, “Không nhiều người Việt có được tư duy tốt về điều này. Vì thế, lúc trẻ họ vay nợ nhiều, chi tiêu thiếu khoa học dẫn đến về sau gia đình thiếu thốn, bản thân nghèo đói, tạo gánh nặng cho người khác”.


Ở nhiều nước trên thế giới, kiến thức kinh tế được dạy cho trẻ em từ bậc mẫu giáo và trở thành môn học bắt buộc ở các bậc cao hơn. Học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, dù học bất cứ ngành gì, làm bất cứ công việc nào cũng có sẵn kiến thức nền tảng, biết tính toán các vấn đề liên quan đến kinh tế trong cuộc sống. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, các kiến thức kinh tế mới được dạy ở một số trường phổ thông theo dự án của các tổ chức phi chính phủ và được coi là môn học ngoại khóa.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch đưa kiến thức kinh tế vào giảng dạy ở trường phổ thông, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, trước hết theo lối học lồng ghép, sau đó như một môn học tự chọn bắt buộc. Vậy kiến thức kinh tế sẽ được truyền đạt ra sao để học sinh không cảm thấy bị buồn chán hay quá tải?

Những em bé mới biết mặt chữ sẽ được tiếp cận với tư duy tiền tệ như thế nào để cảm thấy hứng thú và nhận thức được giá trị của đồng tiền? Điều này cần sự nghiên cứu kỹ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự tham vấn của các chuyên gia để kế hoạch nói trên phát huy ý nghĩa như kỳ vọng.