Hiểu biết về kinh tế vĩ mô rất quan trọng
Trong chương trình cải cách giáo dục dự kiến triển khai từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lồng ghép kiến thức kinh tế vào các môn học cho học sinh phổ thông. Anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Hiểu về cách nền kinh tế thị trường vận hành như thế nào là nhu cầu lớn của xã hội, đặc biệt của giới trẻ. Điều này không nên trì hoãn vì chúng ta đang sống trong một nền kinh tế được vận hành bởi quy luật thị trường, chúng ta đang hội nhập và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Vì thế hiểu được sự ưu việt và những hạn chế của thị trường là cần thiết.
Tuy nhiên, việc quyết định học nội dung gì cần phải xem xét. Cá nhân tôi cho rằng hiểu biết về kinh tế vĩ mô rất quan trọng, nó giúp cho học sinh hiểu được các quy luật để quản lý cuộc sống cá nhân và tham gia vào xã hội tốt hơn. Ví dụ, khi học sinh, sinh viên hiểu về lạm phát, về tăng trưởng, về thất nghiệp, về chi tiêu chính phủ, nợ công... thì họ hiểu được sức khỏe của nền kinh tế, hiểu được vai trò của chính phủ và từ đó tham gia tốt hơn vào quản trị nhà nước.
Nhưng quan trọng hơn, học về cách sử dụng đồng tiền từ nhỏ sẽ giúp cho học sinh tạo dựng được kỷ luật tài chính. Nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc dạy cho học sinh hiểu về giá trị của đồng tiền, về rủi ro tài chính ngay từ bé để các em biết trân trọng sức lao động. Điều này càng ngày càng cần thiết vì các thể chế tài chính, doanh nghiệp đang mở rộng thị trường cung cấp tín dụng cho giới trẻ, làm cho việc vay tiêu dùng dễ dàng hơn. Nếu không có được hiểu biết và kỷ luật tài chính thì rất dễ bị mắc nợ, dẫn đến hậu quả khôn lường trong cuộc sống.
Chính vì thế, việc lồng ghép kiến thức kinh tế vào các môn học cho học sinh từ sớm là cần thiết, giúp những đứa trẻ lớn lên không bị “mù” về quản lý tài chính, giảm rủi ro rơi vào khủng hoảng tiền bạc nhờ thói quen tốt và cách ứng xử đúng đắn với đồng tiền ngay từ khi còn nhỏ.
Thạc sỹ Lê Quang Bình - Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia cả người dân.
Nhiều lợi ích nhưng vẫn có rủi ro
Để đưa kiến thức kinh tế vào trường học, cần một lộ trình truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của nhiều bên, từ người làm chính sách, nhà quản lý giáo dục, giáo viên đến phụ huynh và bản thân học sinh. Theo anh sẽ có những thách thức nào đối với những hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức này?
Việc thuyết phục người dân về lợi ích của môn học kinh tế không khó vì nó là nhu cầu hằng ngày, ai cũng thấy. Ví dụ, chúng ta vẫn thường nghe nhiều phụ huynh kêu ca rằng con họ không biết quý trọng đồng tiền, cho bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Nhiều thanh niên lĩnh lương đầu tháng thì đến giữa tháng đã hết. Nhiều người vay nợ, cắm đồ, dẫn đến những tệ nạn khác.
Ngoài ra, sống trong một xã hội có nền kinh tế thị trường, được học sớm những kiến thức về kinh tế, học sinh sẽ có kỹ năng mua bán hằng ngày, lựa chọn sản phẩm tốt hơn cho nhu cầu của mình, biết quyền của người tiêu dùng để bảo vệ quyền của mình tốt hơn. Các em cũng sẽ tính đến các nguyên tắc thị trường trong các quyết định liên quan đến công việc, mức lương, hoặc đầu tư học các kỹ năng hoặc kiến thức có yêu cầu cao trong thị trường hiện tại
và tương lai.
Có thể nói, nền kinh tế thị trường đã lan vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Nó ảnh hưởng đến các quyết định hằng ngày của người dân. Trong chừng mực nào đó, nó kết nối người dân với với thế giới rộng lớn. Với những lợi ích hiển nhiên như vậy, tôi hy vọng, việc học nghiêm túc về kinh tế, thị trường và quản lý tài chính, sẽ được xã hội ủng hộ.
Như vậy, học về kinh tế và thị trường có vẻ rất hữu ích. Nhưng liệu có rủi ro nào khi đưa môn học này vào trường không?
Có lẽ có hai rủi ro lớn mà các nhà giáo dục và hoạch định chính sách cần tính đến. Thứ nhất, chúng ta biết, kinh tế thị trường dựa trên quyền sở hữu cá nhân, lợi nhuận, tự do đầu tư và thương mại, chính vì vậy nó có thể thúc đẩy tính ích kỷ cá nhân và gây ra những tổn hại cho lợi ích công như môi trường, quyền của người lao động, suy thoái vai trò của nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công. Vì thế, dạy về kinh tế và thị trường phải cân bằng với các môn về đạo đức và trách nhiệm cộng đồng.
Thứ hai, khối lượng kiến thức giảng dạy trong trường đang rất nặng đối với học sinh, vì vậy làm sao để việc đưa thêm môn kinh tế vào không tăng thêm tải là một câu hỏi quan trọng. Tôi không có được lời giải nhưng hy vọng các nhà cải cách sẽ dựa vào mục đích giáo dục khai sáng, phục vụ cuộc sống để xây dựng chương trình học hợp lý.
Cơ quan chức năng có thể làm một nghiên cứu xã hội học để biết phân bổ nội dung giáo dục kinh tế qua các năm học cho hợp lý với lứa tuổi, từ đó trải đều nội dung học kinh tế qua các năm, giải quyết vấn đề giảm tải.
Chất liệu giảng dạy không thiếu
Thực tế, ở hầu hết các môn hiện tại như Toán, Lý, Hóa, Văn…, học sinh vẫn đang học thiên về lý thuyết, ít thực hành. Vậy đối với các kiến thức kinh tế, theo anh nên đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào để môn học cuốn hút và phát huy được hiệu quả?
Chúng ta có nhiều cách dạy gây hứng thú cho học sinh, đặc biệt môn kinh tế thì dễ dàng áp dụng vì nó là cuộc sống hằng ngày. Một ví dụ là giáo viên có thể tạo dựng các phiên chợ bán sản phẩm đồ chơi. Ở đó, học sinh sẽ học cách định giá sản phẩm và trao đổi với nhau. Các em cũng học cách tính toán nhu cầu của mình, trao đổi có lợi, và từ đó rút ra các bài học cho bản thân. Tôi cho rằng, việc đưa ra những bài học đơn giản như trò chơi sẽ giúp học sinh dễ hấp thu kiến thức hơn so với chỉ giảng lý thuyết vì các khái niệm kinh tế khá trừu tượng.
Ngoài ra, học sinh có thể tham gia vào thực tế. Ở nhiều nước, học sinh được tham gia vào các phiên chợ để làm quen với giá cả, thị trường hay nhà trường tổ chức các hoạt động bán hàng, gây quỹ từ thiện để học sinh tham gia kiếm tiền, hiểu được giá trị lao động và cách tiêu tiền sao cho hiệu quả, có ý nghĩa. Tôi nghĩ chất liệu dạy học không thiếu.
Xin cảm ơn anh.
Theo khảo sát của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế năm 2014, ngày nay, học sinh Việt Nam được cha mẹ cho tiêu tiền vặt nhiều hơn, dao động trong khoảng 50 nghìn đến 300 nghìn đồng/tuần. Hiện có tới 86% học sinh được cha mẹ cho tiền tiêu vặt; tuy nhiên có tới 68% số đó chi tiêu không có kế hoạch. Đa phần các em chi tiêu cho nhu cầu cá nhân như ăn uống, đi chơi, xem phim, mua đồ chơi, quần áo, mua truyện và những món đồ mình thích, chỉ rất ít em dành tiền để mua sách vở và để sử dụng khi có việc cần thiết. Chính vì vậy có tới 77% học sinh, sinh viên cho biết gặp khó khăn khi có chi tiêu đột xuất.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 100% phụ huynh cho rằng việc giáo dục cho con biết giá trị của đồng tiền, biết quý công sức, hiểu những vất vả của cha mẹ trong việc kiếm tiền là hết sức cần thiết; 70% phụ huynh cho rằng nên để các em tự quản lý chi tiêu, tập cho biết việc xài tiền và nên giáo dục những kiến thức này bắt đầu từ cấp 2 (11-12 tuổi). Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh không biết nên làm thế nào hoặc đã làm nhưng không biết đã đúng chưa. |