Sau bốn năm tiên phong thử nghiệm các mô hình mới trong đào tạo, xây dựng năng lực và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) đã góp phần vào sự tăng trưởng nhanh của lực lượng doanh nghiệp sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển xã hội bền vững.

Từ tư duy ĐMST đến hệ sinh thái khởi nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế

Hoạt động trong giai đoạn 2014-2018 với tổng ngân sách 11 triệu euro, (trong đó, Chính phủ Phần Lan hỗ trợ 9,9 triệu euro, phần đối ứng của Việt Nam là 1,1 triệu euro), IPP2 được thiết kế gồm 3 cấu phần chính: Phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo; Thiết lập quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Trong đó, sự hỗ trợ của IPP2 ở lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách về ĐMST, khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ có ý nghĩa lớn và tác động dài hạn tới hệ thống ĐMST quốc gia (NIS) của Việt Nam. Đặc biệt, chương trình quốc gia về hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp (Chương trình 844) do IPP2 hỗ trợ kinh phí và chuyên gia đã trở thành cơ sở để Chính phủ Việt Nam chỉ đạo thực hiện các giải pháp tổng thể, toàn diện hướng tới tạo lập một môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng khởi nghiệp và ĐMST Việt Nam.

Bên cạnh đó, IPP2 đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực khởi nghiệp và ĐMST theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. Nhiều cán bộ qua các khóa đào tạo đã và đang trực tiếp tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về ĐMST và khởi nghiệp (đề án 844 về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025; Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ về quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…).

Toàn cảnh Hội nghị.
Nguồn ảnh: Trung Tâm Nghiên Cứu & Phát Triển Truyền Thông KH&CN.

Nhớ lại gần 10 năm trước, khi Chương trình được khởi xướng, ĐMST - Innovation còn là một phạm trù mới và chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Đến nay, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định, IPP đã mang đến cho Việt Nam một xu hướng mới và tư duy hiện đại về ĐMST giúp Việt Nam những bước đi đầu tiên trên con đường sử dụng ĐMST như một công cụ phục vụ phát triển nhanh và bền vững. ĐMST cũng đã trở thành một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức đảm nhiệm như một chức năng, nhiệm vụ quan trọng.

Khẳng định vai trò của IPP, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói: “Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong những năm qua, IPP được xem là cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trên lĩnh vực ĐMST, khởi nghiệp, khoa học và công nghệ. Năm 2018 là một năm đặc biệt đánh dấu chặng đường 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan. Vì vậy, các kết quả tích cực mà Chương trình đạt được càng có ý nghĩa, thành công của Chương trình là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước”.

80% số hạt giống “nảy mầm” thành công

Trong quá trình tuyển chọn các startup để hỗ trợ vốn, IPP2 đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, công khai, công bằng và sử dụng chuyên gia quốc tế đánh giá độc lập các đề xuất dự án. Tính đến nay, IPP2 đã tài trợ cho 32 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như Beeketing, Abivin, Ezcloud,…

Về các kết quả mà IPP2 đã làm được trong bốn năm qua, ông Lauri Laasko - Cố vấn trưởng IPP2 cho biết: IPP đã giúp hơn 200 doanh nghiệp tiếp cận trao đổi phỏng vấn và nhận được hỗ trợ từ chuyên gia quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Ở danh mục khởi nghiệp, sau 3 năm đã có 18 hạt giống được xây dựng và 80% số hạt giống còn tồn tại. Các dự án cũng đã đạt được tăng trưởng ở mức cao như doanh thu đạt hơn 200% và số việc làm tạo ra đạt 400% so với trước khi nhận hỗ trợ. Nhiều đơn vị khởi nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Úc, CH Séc, Malaysia...

Sau giai đoạn hỗ trợ vốn mồi của IPP2, sơ bộ cho thấy các dự án đã tạo ra 480 việc làm, cả toàn thời gian và bán thời gian. Tổng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ đạt hơn 432 nghìn USD. Tổng doanh thủ ngoài lãnh thổ Việt Nam đạt 215 nghìn USD từ các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc; 3 dự án thành công trong gọi vốn bổ sung với hơn 150 nghìn USD từ các nhà đầu tư khác.

Đến giai đoạn hỗ trợ vốn tăng tốc vào năm 2017, tính toán sơ bộ cho thấy các dự án tạo thêm được hơn 365 việc làm, tính cả toàn thời gian và bán thời gian. Tổng doanh thu bán sản phẩm dịch vụ đạt hơn 1 triệu euro, tổng doanh thu ngoài lãnh thổ Việt Nam đạt 673 nghìn USD từ thị trường Hoa Kỳ, Campuchia, Canada… Các dự án đều có sự tăng trưởng tốt và ổn định về doanh thu.

Vài năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của IPP đã có những chủ trương, chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam, như chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025.