Bài học của TP Hồ Chí Minh
Trong chương trình Grand Harvest IPP, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành của Saigon Innovation Hub (SIHUB) cho rằng, việc quan trọng đầu tiên cần làm trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là xác định đưa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trở thành công cụ hay mục tiêu của một nền kinh tế. Nếu mục tiêu là nền kinh tế thì chúng ta sẽ đặt ra các chỉ tiêu để phát triển nền kinh tế đó”.
Về cơ bản, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung bởi nguồn nhân lực trí thức trẻ và đông; người dân sử dụng mạnh mẽ hệ thống mạng xã hội và internet; hệ thống hạ tầng đầy đủ với chi phí thấp cả về giá nhân công lẫn bất động sản. Việt Nam cũng là thị trường lớn, đông dân và có mức tiêu thụ tốt và đang ở mức độ sơ cấp. Ví dụ như trong hệ thống thanh toán tài chính ngân hàng, yêu cầu về dịch vụ của người dùng khá đơn giản. Các startup có nhiều cơ hội ứng dụng sản phẩm công nghệ để nâng cao giá trị thị trường.
Cùng với tư duy khởi nghiệp ĐMST là nền kinh tế, chính phủ cũng cần phải xây dựng kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng tương ứng. Khi đã có đầy đủ bộ máy vận hành thì câu hỏi tiếp theo phải trả lời là ai sẽ tạo ra hàng hóa.
“Người tạo ra các sản phẩm hàng hóa dành cho nên kinh tế đổi mới sáng tạo có thể đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học hay các tập đoàn, công ty lớn. Lâu nay, việc xây dựng hệ thống khởi nghiệp mới chú trọng các tầng lớp thanh niên. Trong khi đó, người làm startup thành công trên thế giới đều đã có kinh nghiệm làm cho tập đoàn lớn hoặc nghiên cứu tại các viện trường” – ông Tước nói.
Thấy rằng nhiều khâu của quá trình startup chưa thực sự đi đúng xu hướng của thế giới,khi điều hành tại SIHUB, ông Huỳnh Kim Tước cho biết, điều ông mong muốn là việc tư duy và hành động theo quy trình được tuân thủ tuyệt đối. Vì thế, TP HCM thậm chí đã thuê các tổ tư vấn nước ngoài để đánh giá cho hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạch định đúng mục tiêu.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và ông Kari Kahiluoto đang được giới thiệu về một số kết quả nổi bật của IPP2. Nguồn: TTTT KH&CN Bộ KH&CN
Nhờ vậy thời điểm này, TP HCM được đánh giá cao vì có văn hóa khởi nghiệp tốt và các dự án startup nhận được ủng hộ từ cộng đồng và xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng (co-working) là đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, điểm yếu của hệ thống này là việc đưa kiến thức kinh doanh khởi nghiệp vào hệ thống giáo dục còn đáng rất yếu. Trường đại học phải có 4 chức năng liên quan đến khởi nghiệp ĐMST là đào tạo kỹ năng, kiến thức, tâm thế về khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên, cung cấp hạ tầng phục vụ nghiên cứu, tạo ra không gian và thực hiện nghiên cứu các vấn đề liên quan.
“Để khắc phục điều này, TP HCM đang triển khai STEM và kiến thức về ĐMST trong chương trình học phổ thông. Một giáo trình chuẩn về khởi nghiệp cũng đang được xây dựng để đưa vào giảng dạy đại học. Một vài năm tới, chúng tôi sẽ khắc phục được yếu điểm này” – ông Tước khẳng định.
Mỗi địa phương phải có hệ sinh thái riêng
Để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, mỗi địa phương hay mỗi đất nước cần xác định ưu thế cạnh tranh. Ông Nguyễn Tiến Trung - Chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan IPP2, chuyên gia tư vấn tại Grand Harvest IPP cho rằng: “Cần Thơ hay Lai Châu, Đà Nẵng không thể sao chép mô hình, phương thức khởi nghiệp của TP HCM hay Hà Nội để về áp dụng cho địa phương mình. Hai thành phố này đã đi một bước dài cùng với điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Cần xác định mục tiêu, ưu thế cạnh tranh và đánh giá xem địa phương mình nên bắt đầu từ đâu và như thế nào?”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Kim Tước cho biết, ông từng nhận được câu hỏi từ các chuyên gia nước ngoài rằng: “Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam có tạo ra được ưu thế cạnh tranh cho nền kinh tế so với thế giới?”. Nếu đã xác định xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là nền kinh tế thì cần xác định hàng hóa “made in Vietnam” sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách nào. Giống như cách chúng ta xác định nên kinh tế nông nghiệp thì gạo là hàng hóa để chúng ta gia nhập vào chuỗi cung ứng trên thế giới.
“Vậy trọng nền kinh tế ĐMST, Việt Nam sẽ có hàng hóa gì? Cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Việt chỉ làm ra hàng hóa hay chịu trách nhiệm cả việc bán hàng và thanh toán? Việt Nam xây dựng hệ sinh thái theo hướng dịch vụ tài chính trong khởi nghiệp hay chỉ tận dụng các ưu thế về thuế, hạ tầng và nguồn nhân lực giá rẻ? Đây là những câu hỏi cần phải trả lời” - ông Tước nêu ra những việc mà Chính phủ Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng cần làm để xây dựng hệ sinh thái của mình.
Thông thường, vòng đời của một hệ sinh thái có 4 bước là kiến tạo, kết nối, hội nhập quốc tế và tích hợp với các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Thời điểm này, TP HCM đã xong giai đoạn kiến tạo và kết nối cộng đồng. Trong 3 năm tiếp theo, TP HCM sẽ bước vào giai đoạn hội nhập, ra thị trường quốc tế.
Để làm được điều này, TP HCM tìm đến các tập đoàn lớn để xây dựng và lôi kéo cả hệ sinh thái đi theo. “Chúng ta cần những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường, tạo ra động lực cho phát triển cho cả thị trường. Khi kết nối hệ sinh thái, các đơn vị thường tập trung vào các nhóm nhỏ mà bỏ qua các tập đoàn lớn, cộng đồng có liên quan. Vì thế, từng địa phương nhất định phải tìm được cái riêng để nghiên cứu và xây dựng mô hình phù hợp” - ông Tước nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Trung bổ sung rằng, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bền vững, cần bắt đầu từ sự thay đổi đó sẽ thúc đẩy tư duy của người quản lý, người hỗ trợ, điều hành trong công tác khởi nghiệp. Có như vậy, mọi vấn đề mới có thể thay đổi được toàn cục diện.