Về số startup, Việt Nam vượt Thái Lan và Malaysia, nhưng trong khi hai nước này đều có những chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động xã hội thì Việt Nam lại chưa có chương trình nào như vậy.
Một chuyên gia về nhân quyền và đổi mới sáng tạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, theo thống kê trên cổng tin tức và kiến thức
Deal Street Asia của Singapore, năm 2016 Việt Nam có hơn 3.000 startup và con số này vẫn tiếp tục tăng. Như vậy, về số lượng startup, Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Indonesia và trên Malaysia, Thailand. Nhưng trong khi Malaysia và Thailand đang có những chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái các startup (có tác động) xã hội thì Việt Nam lại chưa có chương trình nào tương tự.
Cụ thể, năm 2017, UNDP và Chính phủ Thái Lan hỗ trợ việc thành lập Thailand Social Innovation Platform, nơi những dự án khởi nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững có thể tiếp cận hệ sinh thái bao gồm chính quyền, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, trường đại học, sinh viên, và các startup khác…
Bất kỳ ai cũng có thể đề xuất ý tưởng/dự án để được các chuyên gia của Thailand Social Innovation Platform và UNDP đánh giá. Nếu được chấp nhận, ý tưởng/dự án sẽ được giới thiệu trên website, từ đó được các thành phần trong hệ sinh thái biết đến và hỗ trợ hoặc hợp tác.
Các ý tưởng/dự án dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào (mới là ý tưởng của học sinh hay đã là dự án hoàn chỉnh và nhận được cam kết đầu tư) đều được hoan nghênh, miễn là sản phẩm của nó đáp ứng tiêu chí tạo ra thay đổi xã hội ở Thái Lan.
Farmsook Ice Cream - một dự án được giới thiệu trên Thailand Social
Innovation Platform. Dự án này không chỉ tổ chức các lớp dạy làm kem tại
nhà mà còn hướng dẫn các kỹ năng kinh doanh cho trẻ em thiệt thòi từ
13-18 tuổi.
Các dự án này cũng phải liên quan đến ít nhất 1 trong 17 Mục tiêu Toàn cầu về Phát triển Bền vững (SDGs) do Liên Hợp Quốc đề xuất và xúc tiến từ năm 2015 đến năm 2030, bao gồm: Xóa nghèo; Xóa đói; Sức khỏe tốt; Giáo dục chất lượng cao; Bình đẳng giới; Nước sạch và vệ sinh; Năng lượng tái tạo và có giá cả hợp lý; Nhiều việc làm và nền kinh tế phát triển tốt; Đổi mới và phát triển tốt cơ sở hạ tầng; Giảm bất bình đẳng; Các thành phố và các cộng đồng bền vững; Sử dụng các nguồn tài nguyên một cách có trách nhiệm; Hành động vì khí hậu; Các đại dương bền vững; Sử dụng đất bền vững; Hòa bình và công lý; Các quan hệ đối tác cho phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, như chuyên gia nói trên của UNDP Việt Nam cho Khoa học và Phát triển biết, Văn phòng Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Thái Lan đã xây dựng một chương trình hỗ trợ các startup xã hội non trẻ bằng cách kết nối họ với các lãnh đạo doanh nghiệp giàu kinh nghiệm. Và sang năm tới, Thái Lan sẽ thông qua một đạo luật về startup nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động xã hội, bên cạnh một loạt hỗ trợ mới khác dành cho các startup nói chung như ưu đãi về thuế trong nghiên cứu và phát triển hay thí điểm chính sách đưa startup ra khỏi nhóm các đối tượng chịu điều chỉnh của một số bộ luật.
Trong khi đó, ở Malaysia, tháng 2 năm nay, Trung tâm Đổi mới và Sáng tạo Malaysia (Malaysian Global Innovation & Creativity Centre) thuộc Bộ Tài chính đã công bố chương trình MasSIVE (Malaysia's Social Inclusion & Vibrant Entrepreneurship), tạo điều kiện cho các nhà đổi mới sáng tạo xã hội trình bày ý tưởng của mình thông qua một cổng trực tuyến để tìm kiếm những hỗ trợ giúp họ phát triển ý tưởng thành startup có tác động xã hội.
Chương trình MasSIVE cũng mời các nhà đổi mới sáng tạo tham gia các buổi tư vấn về các ngành nghề khác nhau, các khóa đào tạo và huấn luyện, các buổi nói chuyện và tọa đàm với các nhóm chuyên gia để tìm cách xây dựng những dự án có chất lượng cao hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Tương tự như Thái Lan, chương trình MasSIVE tạo ra một nền tảng tập trung, kết nối các nhà đổi mới sáng tạo với hơn 500 tổ chức và doanh nghiệp xã hội cùng các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xã hội.
Việt Nam: Manh nha những sáng kiến khiêm tốn
Startup (có tác động) xã hội là doanh nghiệp khởi nghiệp kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội với mô hình kinh doanh để có thể vừa tạo ra lợi nhuận vừa tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng. Đây là một xu hướng đang được coi trọng bởi nếu mô hình kinh doanh thật sự giải quyết được vấn đề quan trọng nào đó của xã hội thì nó sẽ có khách hàng và có tiềm năng phát triển về lâu dài. Hướng khởi nghiệp mà các startup xã hội thường đi vào bao gồm giải quyết những vấn đề như ô nhiễm môi trường, thực phẩm sạch, giáo dục...
Vậy Việt Nam cần làm gì để phát huy tiềm năng, sự sáng tạo và cam kết của thế hệ doanh nhân trẻ trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức đa dạng mà đất nước đang đối mặt? Mặc dù chưa có những chương trình quy mô quốc gia ở lĩnh vực này nhưng chúng ta có thể thấy đã bắt đầu xuất hiện những sáng kiến khiêm tốn.
Trước hết, có thể kể đến dự án SOIN (Social Innovation - Đổi mới Sáng tạo vì Xã hội) ra đời từ năm 2016, thuộc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng - CSIP - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp xã hội và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam và các nước trong khu vực. SOIN là kênh ươm tạo sáng kiến xã hội trực tuyến, tư vấn và kết nối các nhà đổi mới sáng tạo xã hội, không phân biệt giới hạn về địa lý, với những nguồn lực cần thiết để phát triển ý tưởng, từ đó tạo ra thay đổi trong cộng đồng. Website của SOIN cho biết, trang này hiện có gần 1.000 thành viên và đã tiếp nhận hơn 180 ý tưởng và hơn 90 giải pháp.
Mới đây nhất, UNDP Việt Nam, Quỹ Citi Foundation và Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động sáng kiến Youth Co:Lab Việt Nam 2018 bằng hai hội thảo phân tích hiện trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động xã hội tại Hà Nội vào ngày 15/6 và tại TPHCM vào ngày 22/6.
Sáng kiến nhằm tìm kiếm thế hệ khởi nghiệp xã hội mới này bao gồm chuỗi các hoạt động đào tạo và cố vấn. Theo đó, vào cuối tháng 6/2018, khoảng 130 thanh niên - hơn 30% trong số đó đến từ vùng sâu, vùng xa, hoặc các cộng đồng yếm thế - sẽ được đào tạo về đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến xã hội, tư duy thiết kế, các kĩ năng thế kỉ 21... tại Hà Nội và TPHCM.
Tiếp theo, chương trình Ươm mầm dự kiến được tổ chức vào tháng 9 và tháng 10 tới sẽ mang đến cho giới trẻ cơ hội trình bày những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững trước các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, một cán bộ phụ trách các hoạt động thanh thiếu niên của UNDP cho Khoa học và Phát triển biết.
Từ những sáng kiến còn khiêm tốn kể trên, hy vọng mối quan tâm đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động xã hội sẽ lớn dần như nó cần phải thế.