Khái niệm “tam giác liên kết” được sử dụng khi xem xét mối quan hệ giữa nghiên cứu lý thuyết với sản xuất và ứng dụng, được thực hiện chủ yếu tại các trường đại học hoặc tại các viện hàn lâm.

Nếu tam giác này gắn kết chặt chẽ thì việc chuyển giao, phát triển công nghệ sẽ được đẩy mạnh.

a
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Bách khoa (thuộc ĐHQG TP HCM)

Quan hệ biện chứng của tam giác liên kết

Trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức sản xuất, kinh doanh là ba khu vực trong tam giác liên kết. Tuy nhiên, mỗi khu vực này lại có đặc thù riêng. Trường đại học có chức năng chính là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội. Hoạt động trong nghiên cứu khoa học nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ xã hội, đồng thời đem lại nguồn thu cho trường.

Viện nghiên cứu có chức năng chính là nghiên cứu, đào tạo, hoạch định các chính sách và phục vụ xã hội. Trong đó, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu, là hoạt động được đầu tư chủ yếu cả về nhân lực, vật lực, tin lực và tài lực.

Chức năng của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tìm kiếm lợi nhuận.

Trong tam giác liên kết, sự tham gia của các tổ chức hỗ trợ như tổ chức tài chính (cơ quan hỗ trợ đầu tư, ngân hàng đầu tư mạo hiểm), các tổ chức kỹ thuật (đánh giá, kiểm định và bảo hộ chất lượng, tiêu chuẩn hóa…) hoặc các tổ chức dịch vụ thông tin, tư vấn là rất cần thiết để hỗ trợ cho các quá trình đổi mới trên.

Mối quan hệ giữa ba khu vực nghiên cứu, đào tạo và sản xuất thường được thể hiện thông qua các hoat động như: Hợp tác nghiên cứu, tài trợ nghiên cứu và hợp đồng nghiên cứu. Tuy nhiên trên thực tế, mối liên kết này không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi.

Doanh nghiệp sợ lộ bảo mật công nghệ

Lãnh đạo một viện nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Các doanh nghiệp chưa thực sự muốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai vì hiệu quả thu được chậm, độ rủi ro cao. Mặt khác, một số doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế thì lại muốn tự thực hiện nghiên cứu, sản xuất để bảo mật công nghệ và thời gian. Hiện nay hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu do thực hiện nhiều nhiệm vụ song hành nên khó đảm bảo về thời hạn nghiên cứu như hợp đồng đã ký”.

Một khó khăn khác trong chuyển giao KH&CN và hợp tác với doanh nghiệp là Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Viện có đội ngũ cán bộ, giảng viên mạnh với tỉ lệ người có học hàm, học vị rất cao (phần lớn là GS, PGS, TS). Sản phẩm nghiên cứu của viện mang tính ứng dụng cao, hữu ích như: Máy khử độc ozone, bóng đèn chống cận thị…

Tuy nhiên, sự liên kết của viện với các doanh nghiệp trong đầu tư nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, bởi các sản phẩm chất lượng cao này không cạnh tranh được với hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng giá rẻ của Trung Quốc, thị hiếu của người Việt Nam vẫn thích mua rẻ và đẹp mắt.

Ngoài ra, phát triển công nghệ là hoạt động mong muốn được đầu tư song lại rất khó tìm được nguồn tài trợ từ phía doanh nghiệp.

Nhằm thúc đẩy mối liên kết này cần tạo môi trường thuận lợi cho các phân hệ trong tam giác liên kết hoạt động – kích cung – kích cầu. Để kích cung – kích cầu liên kết được cần nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các hợp đồng nghiên cứu, dự án thử nghiệm… Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển thị trường cho hoạt động KH&CN, phát triển các hình thức trao đổi công nghệ theo hợp đồng, chuyển giao công nghệ và dịch vụ công nghệ.

Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa viện, trường và doanh nghiệp nhằm giúp các cơ quan nghiên cứu thấy được nhu cầu của doanh nghiệp. Thêm nữa, cần tăng cường công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, đảm bảo cho các tác giả an tâm đăng ký sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, đảm bảo tính bí mật về bí quyết công nghệ để các doanh nghiệp lớn tăng cường đặt hàng với viện, trường.

Trên một bình diện khác, mối liên kết giữa trường – viện – doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy khi trùng với lĩnh vực cầu mong muốn. Các trường đại học, viện nghiên cứu cần tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để lựa chọn ưu tiên trong mục tiêu, lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu.

Một giải pháp tăng cường mối liên kết, thúc đẩy chuyển giao công nghệ là xây dựng cơ cấu nghiên cứu trực thuộc, hình thành đại học định hướng nghiên cứu. Có thể tổ chức ở dạng sáp nhập một số viện nghiên cứu và trường đại học; chuyển một số viện nghiên cứu và doanh nghiệp bằng biện pháp hành chính; khuyến khích thành lập cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu và trường đại học; khuyến khích các doanh nghiệp lập ra tổ chức R&D theo hướng hình thành các học viện và doanh nghiệp KH&CN. Mô hình liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có thể được thực hiện ở nhiều dạng như: Liên kết giữa trường đại học – viện – doanh nghiệp trong trường đại học; liên kết giữa trường đại học với viện, doanh nghiệp và ngoài trường; liên kết dạng đơn vị phân phối thuộc trường đại học và viện.