Nếu như trước đây, sau mỗi lần tổ chức chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), việc tiếp theo chỉ dừng lại ở mức xem các hợp đồng có được thực hiện hay không, thì bây giờ vấn đề này phải chuyển thành nhiệm vụ.

Cần nghiên cứu tiếp cơ chế chính sách, tăng cường sự gắn kết thực sự giữa cung và cầu, giữa nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp với nhau để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, sáng tạo.

Máy rửa 1000 ly mỗi giờ thu hút người xem ở Techmart 2015. Ảnh Lê Loan
Máy rửa 1000 ly mỗi giờ thu hút người xem ở Techmart 2015. Ảnh Lê Loan

Nâng tầm nhiệm vụ “hậu Techmart” thành cấp quốc gia

Chỉ sau hơn 2 tuần khép lại Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong bộ về các động thái tiếp theo giúp xúc tiến nhanh việc kết nối cung - cầu công nghệ giữa doanh nghiệp (DN) và nhà khoa học. Những công việc “hậu Techmart” được đánh giá là quan trọng hơn cả và cần có chuỗi kết nối.

Theo đó, nhìn nhận từ thực tế qua hội chợ lần này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh chia sẻ cảm nhận cá nhân khi thấy rằng bản thân DN đang “đói” công nghệ và có sáng tạo nhưng chưa kết nối được giữa cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu và hình thành nguồn cung thực sự. Trong khi đó, đáng ra từ đây các nhà khoa học sẽ phải thấy được DN có nhu cầu đổi mới như vậy và tìm cách đáp ứng nguồn cung đó.

“Các nhà khoa học thường không làm đến cùng. Qua chợ thấy rõ DN đang đổi mới, thiết bị có hàm lượng công nghệ cao nhưng cảm nhận nhiều lúc DN đang phải tự vận động. Do đó nếu chỉ qua vài việc phát tờ rơi, tìm hiểu nhu cầu thì không thành sự cung-cầu. Cách làm hiện nay không phải là tung ra phiếu khảo sát mà phải đi sát, hiểu rõ nhu cầu của DN và thúc đẩy để chuyển giao được công nghệ” - ông Thanh nói.

Theo đó ngay sau Techmart 2015, nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho cơ quan quản lý là đứng ra tìm nguồn cung giúp họ, kết nối để hai bên gặp nhau theo mô hình Nhà nước và DN cùng làm. Làm sao để gắn kết thực sự, có bức tranh bao quát về nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị. Nhiệm vụ này sẽ là đầu bài đặt hàng cho các nhà khoa học thời gian tới. Đây cũng là gợi ý mà Thứ trưởng Thanh hướng cho công việc tiếp theo đối với các đơn vị có liên quan.

“Các đơn vị chức năng cần phải có được danh sách, danh mục DN tham gia nhu cầu như thế nào. Thông qua Sở KH&CN TPHCM, Sở KH&CN Hà Nội hay Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) để vừa tiếp cận thông tin các DN, vừa tham gia hỗ trợ ngay cho họ. Kể cả những đơn vị đã có công nghệ thì giúp họ hoàn thiện, nâng cao chất lượng lên. Đưa vào chính chương trình quốc gia đổi mới công nghệ, chương trình trọng điểm hay đề tài nghiên cứu với những đặt hàng cụ thể, có địa chỉ rõ ràng. Trước mắt cần lựa chọn 50-70 DN thực sự có nhu cầu về nâng cấp, hoàn thiện công nghệ, gặp gỡ trao đổi và tìm nơi có thể đáp ứng nguồn cung cho họ. Đưa nhiệm vụ này thành cấp quốc gia” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh chỉ đạo.

Cũng trong vai trò tổ chức hội chợ lần này, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA kiêm Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết, chỉ ngay sau Techmart 2015 kết thúc vài ngày, BSA đã làm xong bảng hỏi, đưa ra nguồn cung gửi cho các DN và thể hiện mong muốn hình thành cổng thông tin, sàn giao dịch ảo thông qua bộ phận làm dự án đổi mới sáng tạo của BSA.

“Chúng tôi đã thu hình, ghi nhận đầy đủ khu vực giới thiệu công nghệ tại Techmart để cung ngược lại cho các DN. Hội chợ ngược thực ra đòi hỏi làm việc với các tổ chức quốc tế nhiều, nhưng hiện họ chưa kịp tiến hành. Sắp tới, có thời gian sẽ đầu tư nhiều hơn và tin là có thể làm được vì có cả bên cung và bên cầu” - bà Hạnh tin tưởng.

Một góc nhìn khác

Không phủ nhận những thành công của Techmart 2015 khi ban tổ chức đặt mục tiêu đổi mới tối đa cả nội dung và hình thức của các hoạt động Techmart 2015, lấy phương châm phục vụ đổi mới công nghệ, chọn DN làm trung tâm, định hướng cho các hoạt động của Techmart.

Ngay từ phần thiết kế khu chức năng cũng được thay đổi để đảm bảo có không gian thuyết trình, kết nối ngay tại các khu triển lãm để tạo ra một loạt hoạt động hấp dẫn trong suốt thời gian diễn ra Techmart.

Tuy nhiên, đứng ở vai người tham quan chợ sẽ thấy nếu như tăng cường sự chuyên nghiệp trong việc trình diễn các sản phẩm, công nghệ mới chắc chắn sẽ thu hút người quan tâm hơn rất nhiều.

Có thể ví dụ từ các sản phẩm bộ môn kỹ thuật y sinh (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM) mang đến chợ là: Thiết bị đo điện tim không dây, xe lăn điều khiển bằng mũ đội trên đầu dành cho người bị khuyết tật cả tay và chân..., hay như thiết bị lọc nước thải biến thành nước đủ tiêu chuẩn sinh hoạt… đều chưa thể hiện được tính trực quan hấp dẫn, dù hoàn toàn trong khả năng có thể làm được.

Đơn cử như thiết bị lọc nước PLAS TECH - mới chỉ dừng ở việc dựng thiết bị ở gian hàng. Nếu như người tham quan gian hàng không dừng lại hỏi và nghe giới thiệu thì khó có thể biết đó là thiết bị được dùng vào việc gì; trong khi chỉ cần đặt thêm 2 thùng nước thải (có thể lấy từ nguồn sông Tô Lịch hay Kim Ngưu, với chú thích cụ thể và một bên là thùng nước sau xử lý). Như vậy, chắc chắn không cần sự giải thích nào thêm mà người chứng kiến hoàn toàn có thể tự so sánh và bước đầu đánh giá khả năng mà thiết bị lọc nước có thể làm được.

Hay như DN Mỹ Lan - một đơn vị có nhiều công nghệ cao mang đến trình diễn tại hội chợ. Điển hình như với máy in phun bao bì nhỏ có thể đặt trong lòng bàn tay, màng mỏng chất dẻo dùng trong công nghệ bao bì cho dược phẩm, thực phẩm…

Thế nhưng, khâu trình diễn các sản phẩm này cũng được cho là chưa đủ hấp dẫn để thu hút các DN quan tâm tìm đến.

“Có lẽ do công nghệ còn mới nên cũng chưa được nhiều người biết đến, trong khi nhiều đơn vị trong nước vẫn phải sang Nhật, Mỹ mua công nghệ này với giá rất đắt. Ngược lại, công nghệ của DN Mỹ Lan lại đang xuất khẩu qua Nhật” - bà Hạnh lý giải.

Một sản phẩm nổi tiếng bất ngờ là máy làm bánh phở mini, nhiều Việt kiều sau khi tiếp cận thấy đây là sản phẩm 3 trong 1 rất hay. Chiếc máy này với bà con người Việt trong nước có thể không quan tâm nhiều, vì họ có thể chạy ra chợ mua 1kg bánh phở khi cần. Thế nhưng với người nước ngoài thì không, và chiếc máy này sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho họ.

Rồi những sản phẩm đời thường như máy làm giá, máy rửa ly cốc bán tự động... nội hàm công nghệ không nhiều nhưng tính ứng dụng cao đã thu hút được nhiều bà con quan tâm… Tất cả những công nghệ trình diễn đều thể hiện tính hữu dụng, nhưng việc đi đến các hợp tác, chuyển giao vẫn chưa được như mong đợi.

Chứng kiến cảnh “Bụt chùa nhà không thiêng”, bà Hạnh tiếc nuối cho rằng giá như có thể xúc tiến một cách chuyên nghiệp hơn những công nghệ tại chợ lần này sẽ tìm được bạn hàng nhiều hơn nữa.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, lẽ ra đối với khả năng cung ứng của từng đơn vị đã tham gia chợ, nếu đưa thêm vào đó kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp của những người làm công tác xúc tiến chắc chắn sẽ tạo ấn tượng, sự nổi bật để có thể cung cho thị trường.

“Việc giúp họ biết tự làm nổi bật đặc điểm sản phẩm, lợi thế về công nghệ đã không được chú ý. Điều này gây khó khăn cho các đối tác khi cần tìm kiếm và đối chiếu công nghệ cần thiết từ những nhà cung cấp khác nhau. Ngay cả cách sắp đặt gian hàng cũng cần tính toán để tránh sự bối rối của người xem khi gặp những công nghệ hay sản phẩm chẳng liên quan gì với nhau nhưng lại nằm bên cạnh nhau, thậm chí gây tâm lý nghi hoặc về chất lượng của một chợ công nghệ và thiết bị” - bà Hạnh góp ý.