Chúng ta cần phải tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính và cần tách bạch được cơ quan đại diện vốn Nhà nước với cơ quan quản lý Nhà nước.
Đây là chia sẻ của PGS-TS Trần Hoàng Ngân - hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing đã chia sẻ với báo chí ngày 27/10, bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về câu chuyện thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, việc thoái vốn cũng cần đặt trong bối cảnh tùy vào tình hình kinh tế vĩ mô, tùy thuộc vào tình hình thị trường tài chính. Khi thị trường tài chính phục hồi thì việc thoái vốn mới thuận lợi, dễ dàng. Điểm nữa, trong quy định ràng buộc đối với vấn đề thoái vốn, ví dụ thoái vốn với giá nào, dưới mệnh giá nào cũng cần được đặt ra.
Hiện nay, Nhà nước đã cho thoái vốn dưới mệnh giá, như vậy bản thân quy định, thể chế Nhà nước cần phải hỗ trợ cụ thể cho vấn đề này nên thời gian qua Nhà nước cũng đã tháo gỡ dần những vướng mắc trên. Do vậy, quá trình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty đã tăng lên trong những tháng gần đây. Hy vọng trong thời gian tới sẽ tăng lên và hoàn thành.
"Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ rà soát lại các đơn vị nào chưa thực hiện thoái vốn cũng như cổ phần hóa thì các đơn vị đó cũng phải bị xử lý trách nhiệm", ông Ngân cho biết.
Trên thực tế quá trình thoái vốn diễn ra chậm so với quy định mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra. Về vấn đề này ông Ngân cho rằng, trước hết là do bản thân các Tập đoàn, Tổng công ty cũng không muốn thoái vốn. Bởi vì khi doanh nghiệp thoái vốn hay cổ phần hóa thì doanh nghiệp phải tính đến phương án sử dụng nguồn vốn đó như thế nào? Ví dụ Vinamilk đang sinh lời, nếu bây giờ thoái vốn thì đem vốn đó đi đâu, hiệu quả có tương thích không?
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu ngân sách rất căng thẳng, chúng ta phải tính đến hiệu quả kinh tế đạt được và phải có phương án sử dụng nguồn vốn đó. Như vậy, đối với nguồn vốn cổ phần hóa hay thoái vốn thì Chính phủ cần phải xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả. Lúc đó mới thấy việc thoái vốn đó là cần thiết và cấp bách.
Đặt trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cũng phải giải quyết bài toán nữa về mặt xã hội. Thoái vốn những doanh nghiệp nào, ai sẽ "nhảy" vào đó, đương nhiên doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn, còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Liệu thành phần kinh tế tư nhân hiện nay chúng ta đã hỗ trợ đủ lực để có thể thay thế vị trí doanh nghiệp Nhà nước hay chưa? Đó cũng là vấn đề chúng ta cần tính đến, hay là chúng ta phải nhường lại cho doanh nghiệp nước ngoài.
"Rõ ràng, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay ngày càng đầu tư mạnh vào Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế giám sát để tránh các nhà đầu tư nước ngoài "nhảy vào" thâu tóm.
Dĩ nhiên, tôi ủng hộ việc cổ phần hóa, thoái vốn, nhưng cần phải có lộ trình và có kế hoạch hết sức chi tiết, đảm bảo tính hiệu quả về mặt kinh tế và đảm bảo an toàn về mặt xã hội", ông Ngân nói.
Ở góc độ chính sách, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, từ bây giờ chúng ta cần phải tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính và cần tách bạch được cơ quan đại diện vốn Nhà nước với cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta phải tháo gỡ được vấn đề người đại diện này phải toàn quyền quyết định về hoạt động sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình. Nếu như cái gì cũng chờ cơ quan quản lý Nhà nước xem xét quyết định, điều này sẽ làm chậm quyết định của doanh nghiệp.