Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, xây dựng. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển, giá trị giao dịch tăng 13,5%/năm.

Trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10 (ảnh chụp qua màn hình)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10 (ảnh chụp qua màn hình)

Theo đó bản báo cáo dài 20 trang đã thể hiện rõ những kết quả đã đạt được giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trên cơ sở kết quả đạt được và do chưa lường hết những khó khăn thách thức nên nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011 - 2015 là khá cao.
Riêng tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực.
Theo đó việc phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; mạng lưới được mở rộng; cơ cấu đào tạo hợp lý hơn, quy mô và chất lượng được nâng lên. Chú trọng bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học. Tỉ lệ nhập học mầm non đạt mức cao; hoàn thành trước hạn mục tiêu trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi. Xã hội hoá giáo dục đào tạo được đẩy mạnh; thí điểm cơ chế tự chủ đối với một số trường đại học công lập. Chú trọng đào tạo nghề, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6% vào năm 2015.
Nhiều tiến bộ trong đổi mới công nghệ
Thủ tướng khẳng định: Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, xây dựng. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển, giá trị giao dịch tăng 13,5%/năm. Số lượng sáng chế và các giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ gấp gần 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010.
Chính sách, pháp luật và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng được hoàn thiện với tầm nhìn tổng thể, dài hạn. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, tạo diện mạo mới cho đất nước.
Mặc dù ghi nhận sự cố gắng, song Thủ tướng cũng nhìn nhận những hạn chế. Cụ thể việc đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ thực tế này, trong phần giải pháp Thủ tướng nêu rõ, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho giáo dục phổ cập. Khuyến khích xã hội hoá đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Giao quyền tự chủ phù hợp cho các cơ sở giáo dục đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn và trọng dụng nhân tài.