Theo chương trình “Trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh” giai đoạn 2, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn có cơ hội nhận tài trợ tại Anh và Việt Nam trong thời gian từ 1-6 tháng.

Theo thỏa thuận khung được ký kết năm 2016 giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia (Nafosted) và Viện Hàn lâm Anh Quốc (BA), Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (RAEng) về hợp tác triển khai chương trình “Trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh” giai đoạn 2, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn sẽ có cơ hội nhận tài trợ thực tập, nghiên cứu ngắn hạn tại Anh và Việt Nam trong thời gian từ 1-6 tháng.

Sự hợp tác này của 2 viện BA và RAEng nằm trong khuôn khổ Quỹ Newton Việt Nam - một chương trình hợp tác phát triển về khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh trong thời gian 5 năm từ 2014-2019.


Về phía Việt Nam, Nafosted đang tiếp tục triển khai chương trình năm 2017 với hạn chót nhận hồ sơ đợt 1 là ngày 16/6. Các tiêu chí xem xét hỗ trợ bao gồm: Chất lượng thuyết minh đề cương nghiên cứu; năng lực chuyên môn của nhà khoa học và đối tác để đảm bảo thành công của việc thực tập nghiên cứu; ý nghĩa của việc thực tập đối với việc hỗ trợ nâng cao năng lực nhà khoa học và việc tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học.

Các nhà khoa học muốn tham gia xét nhận hỗ trợ cần nộp hồ sơ đăng ký cho Nafosted, với đơn đề nghị hỗ trợ có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác; thư mời hợp tác nghiên cứu của tổ chức KH&CN đối tác nước ngoài hoặc thư chấp nhận hướng dẫn nghiên cứu của nhà khoa học nước ngoài có cùng chuyên ngành khoa học.

Ứng viên cũng cần thư giới thiệu của 2 nhà khoa học cùng chuyên môn, có học vị tiến sỹ và kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 5 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Ngoài ra, trong hồ sơ phải có thuyết minh đề cương nghiên cứu tại tổ chức KH&CN đối tác nước ngoài (nêu rõ được mục tiêu, ý nghĩa, sự cần thiết của chuyến thực tập nghiên cứu, nội dung, phương pháp, kế hoạch nghiên cứu và dự kiến kết quả đạt được) được nhà khoa học đối tác nước ngoài chấp thuận.

Thuyết minh đề cương phải làm nổi bật được ý nghĩa của việc thực tập tại nước ngoài đối với việc trao đổi KH&CN, hội nhập quốc tế nhằm mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu của nhà khoa học đăng ký tham dự.