Đó là nhận định của ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted), tại hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Quỹ Nafosted tài trợ" tổ chức vào sáng 09/06 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Hội nghị đã giúp cho các nhà khoa học, đại diện các phòng quản lý khoa học & công nghệ, kế toán tổ chức KH&CN có cơ hội trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới.
Quỹ Nafosted được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, đến nay được hơn 8 năm và có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của khoa học nước nhà, được cộng đồng các nhà khoa học tín nhiệm và đánh giá cao, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Cụ thể, Từ năm 2009 đến nay, Nafosted đã tài trợ 1657 đề tài nghiên cứu khoa học.
Ông Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc điều hành Quỹ Nafosted - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê
Ông Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc điều hành Quỹ Nafosted chia sẻ: "Mục tiêu tài trợ của quỹ là hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển nguồn lực tạo ra các nhóm nghiên cứu có trình độ để có thể thực hiện được các nghiên cứu chất lượng tốt. Hội nhập công tác nghiên cứu của quốc tế và đồng thời hỗ trợ các nhà khoa học từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu để phục vụ cho các công việc chuyên môn, đào tạo".
Đánh giá kết quả đạt được của khoa học cơ bản việt Nam trong lĩnh vực khoa học tự nhiên những năm qua cho thấy tỷ lệ bài báo đăng trên tạp chí quốc tế tăng trung bình khoảng 20%/năm. Số lượng các nhà khoa học trẻ làm chủ nhiệm đề tài do Quỹ tài trợ cũng tăng lên nhanh chóng, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 50% và tăng dần qua các năm. Tỷ lệ đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn do Quỹ tài trợ có công bố quốc tế là 30%.
Theo ông Dũng đã có rất nhiều chương trình quỹ Nafosted tài trợ và mỗi chương trình hướng đến mục tiêu riêng, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng do Quỹ tài trợ. "Chúng tôi thấy kết quả rất rõ ràng, các kết quả đề tài được đánh giá rất cao có tác dụng về mặt khoa học, ứng dụng thực tiễn đặc biệt là việc phát triển của nhóm nghiên cứu. Sau một vài lần tham gia nghiên cứu các nhà khoa học có thể thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và xây dựng nhiều nhóm nghiên cứu mới", ông Dũng nhận định.
Hiện nay Quỹ đang xây dựng Chương trình tài trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu ứng dụng nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề cần thiết, nghiên cứu tiếp nối đưa ra các chuẩn mực để lựa chọn đề tài có tính khả thi và ứng dụng thực tiễn cao.
Các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ hướng tới hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trình độ cao giúp phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tại một số tổ chức như: Viện Toán học, Viện Cơ học, Viện Dược liệu, Đại học Quốc tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ sinh học.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thuyết minh đề cương đề tài nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế GS. Nguyễn Văn Hiếu (Trường Đại học Bách Khoa), người vừa đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hay: "Việc các nhà nghiên cứu chuẩn bị CV rất quan trọng bởi vì hội đồng sẽ đánh giá năng lực của nhà nghiên cứu dựa vào đó, nên chuẩn bị trước các dự án để nộp cho quỹ Nafosted. Ý tưởng, đề tài phải phù hợp với Việt Nam, trong quá trình viết báo cáo thì các bạn nên cố gắng viết bằng tiếng anh. Tiêu đề bài viết ngắn gọn, dễ hiểu. Khi các bạn đi nghiên cứu ở nước ngoài về cần có một cái nhìn tổng quan về nghiên cứu khoa học ở trong nước bằng việc thường xuyên tham dự các hội nghị chuyên ngành, tham khảo xem đề tài, ý tưởng trong nước đã có ai nghiên cứu chưa. Đề tài nghiên cứu cần có tính mới, tính khả thi".