Nhiều giải pháp tháo gỡ đang được Bộ KH&CN, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính trong quản lý khoa học, đưa ra những định mức kỹ thuật phù hợp với thực tiễn để các nhà khoa học “không còn phải nói dối”, tuy nhiên đây là việc không dễ dàng.

Khó nhất là quy định chi ngày công

Cơ chế tài chính trong lĩnh vực KH&CN cách đây ít năm từng có những tiến bộ được các nhà quản lý coi là đột phá. Tuy nhiên mới đây trong buổi đối thoại với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học tiếp tục chỉ ra những vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ. Điển hình như vấn đề chi phí cho nhân công.

Theo quan điểm các nhà quản lý, Thông tư 55 đã khắc phục bất cập của trả công theo chuyên đề bằng việc quy định trả công theo chức danh nghiên cứu và số ngày công quy đổi; quy định trực tiếp công nghiên cứu cho các sản phẩm chính, gắn trực tiếp đến kết quả cuối cùng của nhiệm vụ. Theo đó, từng nội dung công việc chính sẽ có tổng mức tiền công khác nhau tùy thuộc vào đặc thù công việc. Tiền công trực tiếp cho các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN được tính theo ngày công lao động quy đổi và mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm xây dựng dự toán.

Nguồn: TTXVN

Tuy nhiên, PGS-TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết định mức kỹ thuật của từng ngày công lao động từ nhiều năm nay chưa được điều chỉnh, đơn giá công nhân vẫn là 80.000 đồng/ngày, cán bộ 120.000 đồng/ngày, trong khi thực tế tiền thuê nhân công lên tới 300.000 đồng/ngày. Để “linh hoạt” các chủ nhiệm đề tài buộc phải “không trung thực”, tính số ngày thuê lên gấp ba để phù hợp với định mức.

Đây là vướng mắc không dễ giải quyết, bởi theo các nhà quản lý việc chi cho nhân công trong xây dựng dự toán nhiệm vụ KH&CN là khó quy định nhất, đặc biệt trong việc định mức hàm lượng chất xám trong các nhiệm vụ KH&CN.

Khoán chi – ít đơn vị thực hiện

Thông tư 27 được coi là một bước tiến trong việc trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, khiến việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ trở nên đơn giản và thuận lợi hơn, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học, thúc đẩy việc tạo ra sản phẩm KH&CN rõ ràng và gắn với địa chỉ ứng dụng sau khi nhiệm vụ hoàn thành.

Nhưng trên thực tế việc thực hiện khoán đến sản phẩm cuối cùng rất khó thực hiện do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật đầy đủ cho các lĩnh vực, khiến phần chi phí vật tư hầu như không khoán được. Ngoài ra, các nhiệm vụ còn bị hạn chế bởi yêu cầu tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá một tỷ đồng.

Một số nhà quản lý cho rằng hiện đã có nhiều đơn vị chủ trì chưa thực hiện đúng theo Thông tư 27 do thủ trưởng đơn vị, kế toán nắm chắc chính sách và ủng hộ, giúp đỡ các nhà khoa học thực hiện quyền lợi theo cơ chế khoán. Tuy nhiên, cũng còn không ít các đơn vị chưa làm tốt điều này, vẫn còn tâm lý ngại giải trình dẫn tới không thực hiện quyền điều chỉnh tăng giảm, điều chỉnh kinh phí giữa các nội dung chi cho phù hợp với thực tế theo quy định của cơ chế khoán.

***

Bình luận về chính sách tài chính và các công cụ kiểm soát, GS-TSKH Trần Xuân Hoài – Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, thực tế các quy định hiện nay Việt Nam đã xây dựng không quá khác biệt so với thế giới. Theo GS Hoài thì việc đưa ra các quy định kiểm soát nguồn ngân sách nhà nước là chuyện đương nhiên phải làm. Chi một đồng phải có giấy tờ chứng minh là điều mà nước nào cũng thực hiện. Tuy nhiên vị giáo sư này cũng chia sẻ, yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng để giữa quy định và thực tế là ăn khớp nhau.