Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Hội thảo: “Kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc” tại Lâm Đồng vào ngày 14/8.
Nhân dịp này, NNVN xin giới thiệu bài viết của TS Phạm S - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đồng thời là một chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm khi triễn khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam.
|
Thông thường, khi ứng dụng CNC thì năng suất cây trồng, vật nuôi sẽ tăng hơn 40 - 85% so với năng suất sản xuất truyền thống |
Ở phạm vi quốc gia, việc tổ chức thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) cần phải xác định lợi thế so sánh từng loại cây trồng, vật nuôi từng vùng, xác định nguồn vốn, xác định lộ trình thời gian và nội dung đầu tư phù hợp nhằm triển khai đồng bộ.
3 hướng cần vai trò Nhà nước
Đầu tiên, Nhà nước thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo các khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Khu nông nghiệp ứng dụng CNC trong điều kiện ở Việt Nam thực hiện đồng bộ 2 chức năng: Nhà nước đầu tư nguồn ngân sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiên cứu, chuyển giao, ươm tạo doanh nghiệp đúng tầm, có khả năng đàu tàu về công nghệ để triển khai trong vùng vàhợp tác quốc tế. Hai là, nhà nước có chính sách thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng quản lý tốt, có trình độ CNC trong nông nghiệp để họ tự đầu tư sản xuất khép kín một lĩnh vực nào đó (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản).
Nhà nước cũng cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trên cơ sở xác định vùng, từ đó đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp (điện, thủy lợi, giao thông, quản lý môi trường…) hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn, khuyến nông, quy hoạch chi tiết trong vùng quy hoạch từng loại cây trồng vật nuôi có lợi thế nằm trong vùng đất sẵn có của nông dân, định hướng, nâng cấp nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô hàng hóa.
Bên cạnh đó, Nhà nước quy hoạch tạo quỹ đất tập trung xây dựng các quy chế thu hút đầu tư vào các khu nông nghiệp CNC tập trung hoặc khu công nghiệp nông nghiệp của tỉnh. Thực hiện quy hoạch các khu tập trung cần chú ý tính dài hạn, hội nhập quốc tế, đảm bảo môi trường toàn khu, xây dựng cụ thể về tiêu chí nông nghiệp CNC và cơ chế chính sách nhằm tạo cơ hội tốt thu hút các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và có thị trường.
Đối với phạm vi của mỗi tỉnh, TP, trên cơ sở về điều kiện tự nhiên và KTXH cụ thể mà xây dựng chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC sát với yêu cầu thực tế, có tính khả thi cao, cần xác định mối quan hệ tổng thể các yếu tố liên quan. UBND cấp tỉnh có thể giao Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương trong tỉnh khảo sát quy mô sản xuất, thành phần kinh tế tham gia sản xuất nông nghiệp như nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, thực trạng trình độ công nghệ ứng dụng hiện nay, tổ chức sản xuất, kênh tiêu thụ nông sản.
Xác định cây trồng, vật nuôi có lợi thế
Mỗi địa phương có loại cây trồng vật nuôi có thế mạnh đã khai thác hoặc thế mạnh tiềm năng, có sức cạnh tranh cao, do đó sau khi đã xác định lợi thế so sánh cây trồng, vật nuôi nếu có lợi thế so sánh thì CNC ứng dụng cụ thể là gì? bao giờ thì thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên loại cây trồng, vật nuôi đó? công nghệ nào mang tính đột phá làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi của địa phương mình? Các phân tích phải dựa trên cơ sở khoa học và dự báo dài hạn.
Cần rà soát nắm được hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp CNC bởi đây là một trong những nội dung đầu vào cực kỳ quan trọng để xác định được khả năng, hạn chế nhằm có hướng đầu tư, đào tạo.
Xác định nguồn kinh phí đầu tư của địa phương là bao nhiêu, để từ đó xác định hướng sản xuất nông nghiệp CNC có hiệu quả. Cần hỗ trợ các mô hình điểm và khu nông nghiệp ứng dụng CNC, xây dựng và quảng bá thương hiệu, khuyến nông, tổ chức sản xuất, một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề… còn lại chủ yếu là vốn doanh nghiệp và nông hộ ứng dụng CNC đầu tư, không cân đối đầu tư ngân sách chiếm tỷ lệ quá lớn trong chương trình, tạo tư tưởng ỷ lại trong quá trình tổ chức thực hiện, sẽ dẫn đến quá trình triển khai bị trì trệ.
Chế biến gắn với thị trường
Đây là một trong những nội dung mang tính bền vững khi thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC. Thông thường, khi ứng dụng CNC thì năng suất cây trồng, vật nuôi sẽ tăng hơn 40 - 85% so với năng suất sản xuất truyền thống, sẽ tạo một sản lượng nông sản rất lớn, vì vậy khi triển khai chương trình phải chú ý công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản, tạo liên kết đồng bộ giữa vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững.
An toàn thực phẩm là vấn đề mang tính nguyên tắc sống còn của chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC, do đó trong quan điểm chỉ đạo chương trình phải hướng sản xuất thực phẩm an toàn, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chứng nhận trong và ngoài nước, tiến đến đạt tiêu chuẩn VietGAP, ISO 9000, HACC và Ogarnic phục vụ cho các siêu thị, các khu công nghiệp và thị trường xuất khẩu. Do đó trong quá trình chỉ đạo sản xuất cần phải phải nghiêm túc yếu tố môi trường nông nghiệp và canh tác VSATTP.
Tùy theo từng địa phương và quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, các địa phương cần đa dạng hóa các loại hình nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với du lịch canh nông và kết hợp đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương và huấn luyện nông dân, xem đây là một trong những sản phẩm du lịch mới, du lịch cộng đồng, du lịch gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo thực tế tại đồng ruộng, dự báo loại hình này ngày càng gia tăng ở các tỉnh có ngành nông nghiệp phát triển trong tương lai.
Trong quá trình xây dựng chương trình nông nghiệp CNC, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà xác định loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp theo từng loại sản phẩm nông nghiệp theo lộ trình thời gian cụ thể 5 năm, 10 năm, 15 năm và trên 20 năm. Nếu có điều kiện thì tiến hành đồng thời vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và khu nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung.
Đồng thời, cần xác định công nghệ phù hợp như công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ xử lý môi trường đất, môi trường nước, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ nano, công nghệ thủy canh, công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác hữu cơ, công nghệ sau thu hoạch... để đảm bảo giá thành hợp lý.
Tính khả thi chính sách là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa tác động đến quá trình tổ chức triển khai nhanh hay chậm, thành công hay thất bại. Bởi vậy, yếu tố hợp lý, bền vững cần được chú trọng khi quyết định đầu tư. Thực tế sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn lúng túng, bởi vì nếu nông nghiệp ứng dụng CNC mà giá thành sản xuất quá cao thì thị trường sẽ không chấp nhận, do đó cần vận dụng khái niệm nông nghiệp ứng dụng CNC một cách kỹ lưỡng, khoa học; cần quan tâm nguyên tắc “nông nghiệp ứng dụng CNC lấy hiệu quả làm chính”. Giá trị đầu tư CNC phải chấp nhận sự biến động rất lớn trong thực tiễn, nhưng sản phẩm cuối cùng phải được thị trường chấp nhận, nếu thị trường không chấp nhận sẽ bị rủi ro lớn khi ứng dụng.