Thực trạng diễn ra trong hơn chục năm qua và những dấu hiệu trong tương lại cho thấy các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp Việt Nam đang dần bị chiếm lĩnh thay thế bởi khu vực FDI.

GDP có thể tăng lên nhưng lợi ích kinh tế của người dân Việt Nam không tăng tương xứng, trong khi phải gánh chịu thiệt hại về môi trường, đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng sửa đổi cấu trúc kinh tế và không nên ám ảnh bởi tăng trưởng GDP.

Kể từ khi gia nhập WTO (2007) đến nay độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2007 – 2016 tăng 364%, nhập khẩu hàng hóa tăng 279%. Tuy nhiên khu vực FDI tăng nhanh hơn khu vực trong nước khá nhiều. Tăng trưởng xuất khẩu bình quân của khu vực FDI giai đoạn 2007 – 2016 khoảng 21% năm và tăng trưởng bình quân về nhập khẩu của khu vực FDI khoảng 22% năm, trong khi tăng trưởng về xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực trong nước giai đoạn này tương ứng là 11% và 7% năm.

Cơ cấu xuất nhập khẩu cũng cho thấy khu vực FDI đang nhanh chóng chiếm thị phần xuất khẩu và cả nhập khẩu, năm 2005 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng giá trị xuất khẩu khoảng 57% thì đến năm 2016 xuất khẩu của khu vực này chiếm trong tổng giá trị xuất khẩu lên đến 72%; tương tự cơ cấu nhập khẩu của khu vực FDI cũng tăng từ 35% năm 2005 lên 59% đến năm 2016. Số liệu Thống kê cho thấy việc nền kinh tế nhập siêu hay xuất siêu phụ thuộc vào khu vực FDI, vì khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu kể từ 2000 đến nay.


Ứớc tính năm cho 2018 có thể thấy chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng trên 20 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 10 tỷ USD cho việc trả nợ và hơn 10 tỷ USD là khối FDI chuyển tiền một cách hợp pháp ra nước ngoài. Mặc dù FDI cũng nộp thuế VAT, nhưng về bản chất VAT là loại thuế gián thu nên đó là tiền của người tiêu dùng Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua việc sử dụng sản phẩm của khu vực này. Rất khó nắm bắt các doanh nghiệp FDI đưa sản phẩm ra và vào Việt Nam với giá trị thực như thế nào, nên phần lợi nhuận thật có thể đã nằm ở nước ngoài mà Việt Nam không thể biết và không thể đánh thuế!

Mặt khác, dựa trên nguyên tắc thường trú thì sự lớn mạnh của khu vực FDI có thể làm tăng GDP nhưng lại làm nguồn lực của nền kinh tế ngày càng bị thu hẹp thông qua chỉ tiêu GNI, NDI và Tiết kiệm (saving) của nền kinh tế, trong khi những chỉ tiêu này của nước chủ quản các doanh nghiệp FDI lại tăng. Một vấn đề đặt ra là ngoài việc khu vực FDI có trình độ quản lý tốt, nguồn vốn mạnh các chính sách của Việt Nam làm lợi cho khu vực này quá nhiều, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước không được những ưu đãi này. Do đó, với chính sách như hiện nay cộng với việc tham gia tiếp CPTPP giá trị sản xuất của khu vực FDI trong công nghiệp có thể lên trên 80% đến năm 2025 và doanh nghiệp nội sẽ ngày càng yếu thế trên chính đất nước mình.

Xu hướng gia công gia tăng

Điều đáng lo ngại là mức độ hiệu quả thông qua tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất của giai đoạn 2014 – 2018 kém hơn giai đoạn 2008 - 2013 ở hầu hết các ngành kinh tế. Nếu giai đoạn 2008 - 2013 tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất khoảng 36% thì giai đoạn 2013- 2018 cho thấy tỷ lệ này giảm xuống 28%. Mức sụt giảm mạnh mẽ nhất là ở nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, phần nào phản ánh mức độ gia công của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao.

Mong muốn của chúng ta đối với những ngành kinh tế trọng điểm là chúng có tác động mạnh tới gia tăng thu nhập, đồng thời ít gây gia tăng nhập khẩu và ít ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và khối ngành dịch vụ phần nào đáp ứng đòi hỏi này, trong khi hầu hết những ngành thuộc công nghiệp chế biến chế tạo tuy có chỉ số lan tỏa và độ nhạy cao nhưng lại kích thích mạnh đến nhập khẩu và lan tỏa đến thu nhập ở mức thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Đây dường như là một bằng chứng mạnh mẽ nữa cho xu hướng gia công hóa của nền công nghiệp Việt Nam ngày càng toàn diện.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tác động hạn chế tới tăng thu nhập, thúc đẩy nhập khẩu cao, mà còn là thủ phạm chính gây nên phát thải nhà kính. Đáng chú ý là lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính đang có xu hướng tăng lên. Ngành phát thải ra hiệu ứng nhà kính cao nhất là nhóm ngành sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại, cao hơn mức bình quân chung 3,3 lần, sau đó là nhóm ngành xây dựng (2,39 lần), nhóm nông, lâm nghiệp và thủy sản (2,36 lần). Nhiều ngành công nghiệp khác cũng có mức phát thải hiệu ứng nhà kính cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế, như các ngành: cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; công nghiệp chế biến chế tạo khác; sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; khai khoáng…

Như vậy, thực trạng diễn ra trong hơn chục năm qua và những dấu hiệu trong tương lại cho thấy các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp Việt Nam đang dần bị chiếm lĩnh thay thế bới khu vực FDI. Năng suất lao động của khu vực FDI có thể sẽ tăng lên, GDP cũng có thể tăng lên nhưng lợi ích kinh tế của người dân Việt Nam không tăng tương xứng, trong khi phải gánh chịu thiệt hại về môi trường. Luồng tiền chảy ra do FDI chuyển sở hữu về nước sẽ càng nhiều và nguồn lực tiết kiệm của nền kinh tế dành cho khu vực doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng sẽ ngày càng bị thu hẹp. Thực trạng trên đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng sửa đổi cấu trúc kinh tế và không nên ám ảnh bới tăng trưởng GDP.

(Bài viết sử dụng các dữ liệu từ Tổng cục Thống kê)