Mới đây, nữ hiệu trưởng da màu đầu tiên của Đại học Harvard đã tuyên bố từ chức giữa những cáo buộc đạo văn. Nhưng không thể nói chắc chắn rằng hành động từ chức của bà là hệ quả của sai phạm học thuật thuần túy.

Bà Claudine Gay điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 5/12/2023 về chính sách đối phó với các hành vi thù ghét trong khuôn viên của trường. Nguồn: fox40.com
Bà Claudine Gay điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 5/12/2023 về chính sách đối phó với các hành vi thù ghét trong khuôn viên của trường. Nguồn: fox40.com

Claudine Gay, giáo sư về khoa học chính trị, vừa trở thành hiệu trưởng Đại học Harvard có thời gian tại vị ngắn nhất khi tuyên bố từ chức vào ngày 2/1.

Trước đó, ngày 5/12/2023, bà cùng hai nữ hiệu trưởng khác của Đại học Pennsylvania và Viện Công nghệ Massachusetts đã được Hạ viện Mỹ triệu tập để đối chất về chính sách đối phó với các hành vi thù ghét trong khuôn viên trường đại học. Trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine, nhiều nhóm sinh viên đã lên tiếng về tình trạng bài Do Thái gia tăng trong khuôn viên trường đại học, với nhiều cuộc biểu tình ác ý nhằm vào sinh viên Israel. Phiên điều trần kéo dài năm tiếng chỉ làm bùng nổ thêm chỉ trích của dư luận tới những người đứng đầu ba trường đại học thuộc nhóm tinh hoa Ivy League, khi cả ba đều không đưa ra được lập trường rõ ràng trước các cáo buộc dung túng cho các hành vi bài Do Thái của sinh viên.

Bốn ngày sau phiên điều trần, hiệu trưởng Đại học Pennsylvania, bà Elizabeth Magill, đã từ chức dưới áp lực của dư luận. Mặc dù cũng chịu sự chỉ trích tương tự, Claudine Gay – nữ hiệu trưởng da màu đầu tiên của Đại học Harvard kể từ tháng 12/2022 – vẫn nhận được sự ủng hộ của Hội đồng quản trị Tập đoàn Harvard. Tuy vậy, những cáo buộc đạo văn liên tiếp nổ ra sau đó buộc Gay phải tuyên bố từ chức.

Đạo văn - một vũ khí chính trị

Hơn 50 lỗi đạo văn của Gay được chỉ ra trong tám ấn phẩm nghiên cứu của bà, trong đó luận án tiến sĩ năm 1997 với chủ đề “Taking Charge: Black Electoral Success and the Redefinition of American Policies” được đem ra mổ xẻ nhiều nhất.

Christopher Rufo, nhà hoạt động đảng bảo thủ, là người đầu tiên đăng cáo buộc đối với việc đạo văn của Gay, và liên tiếp hai ngày sau đó, trang tin Washington Free BeaconNew York Post đăng hai bài báo chỉ ra thêm các lỗi sao chép mà Gay mắc phải.

Một tiểu ban của trường và hội đồng độc lập chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc đạo văn chống lại Gay đã phát hiện “một số trường hợp trích dẫn không đầy đủ” nhưng “không vi phạm tiêu chuẩn của Harvard về hành vi sai phạm trong nghiên cứu”. Tuy vậy, Gay vẫn quyết định từ chức. Trong lá thư được đăng trên New York Times ngay sau đó, bà thừa nhận mắc lỗi nhưng khẳng định mình đã nghiêm túc làm việc để đưa ra những kết quả khoa học có ý nghĩa. Bà cũng nói thêm rằng chiến dịch chống lại bà là một cái bẫy, và rằng nó không đơn thuần là cuộc tấn công vào một trường đại học và nhà lãnh đạo của nó.

Không ai có thể nói chắc chắn rằng hành động từ chức của Gay là hệ quả của sai phạm học thuật thuần túy. Christopher Rufo, người khởi xướng chuỗi tố cáo đạo văn, không ngần ngại khoe rằng mình đã thành công trong chiến dịch lật đổ Gay. Đằng sau chiến dịch này còn có sự hỗ trợ tài chính đáng kể của Bill Ackman, tỷ phú và là cựu sinh viên Harvard, người từ lâu đã thể hiện thái độ bất mãn với một số chính sách hiện tại của trường cũ và mong muốn “cải cách” toàn diện nó.

Việc gán nhãn “đạo văn” có thể được áp dụng cho mọi hành vi sao chép, trích dẫn không đầy đủ ở mọi cấp độ khiến nó dễ dàng trở thành vũ khí cho các cuộc chiến chính trị. Và tận dụng vũ khí này để tấn công đối thủ không phải là điều mới mẻ trên chính trường Mỹ. Các cựu tổng thống Mỹ gồm Barack Obama, Joe Biden và Donald Trump đều từng bị tố cáo đạo văn trong các bài phát biểu trước công chúng. Năm 2014, Thượng nghị sĩ Joe Walsh bị tố cáo đạo văn trong luận án năm 2007, buộc ông phải từ bỏ chiến dịch tranh cử và bị thu hồi bằng tiến sĩ. Kỳ bầu cử năm 2020 từng chứng kiến những cáo buộc đạo văn chống lại ứng cử viên tổng thống Joe Biden và liên danh tranh cử Kamala Harris, cũng như một số ứng cử viên hạ viện.

Dù khác nhau về mức độ nghiêm trọng và tính xác thực của vi phạm, những cáo buộc này có điểm chung ở chỗ săm soi những lỗi không đáng kể.

Hơn 100 sinh viên Harvard biểu tình nằm trước Tòa nhà Tưởng niệm (Memorial Hall) vào cuối tháng 10/2023 nhằm phản đối việc nhà trường thiếu sự ủng hộ đối với sinh viên Palestine trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Gaza. Nguồn: thecrimson.com
Hơn 100 sinh viên Harvard biểu tình nằm trước Tòa nhà Tưởng niệm (Memorial Hall) vào cuối tháng 10/2023 nhằm phản đối việc nhà trường thiếu sự ủng hộ đối với sinh viên Palestine trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Gaza. Nguồn: thecrimson.com

Không bàn tới tính đúng sai trong các tố cáo đạo văn của Gay, sự kiện này là đòn đánh nặng nề vào tự do học thuật và tự do ngôn luận của giáo dục đại học Mỹ - thứ mà hệ thống này vốn coi là niềm tự hào. Đạo văn đương nhiên là một vi phạm học thuật. Tuy vậy, trong trường hợp của Gay, những người đem nó ra soi xét không thuộc giới học giả, và chất vấn nó không phải vì tiến bộ khoa học.

Những hướng dẫn kiểm tra đạo văn bằng phần mềm như Turnitin luôn thông báo cho người sử dụng rằng các con số phần trăm, hay những dòng bôi xanh đỏ trong tài liệu được kiểm tra không phải – hoặc chưa phải – là đạo văn. Chúng đơn thuần là kiểm tra mức độ “trùng lặp” với tài liệu khác, người kiểm tra phải tiến hành các kiểm định tiếp theo để phân định đó là lỗi đạo văn hay trùng lặp vô ý; là những biệt ngữ, cụm từ vốn là kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực; hay là những trích đoạn khó diễn giải lại.

Những người tố cáo Gay hẳn nhiên không cần tới bước này, bởi họ không quan tâm tới việc các công trình của bà đóng góp thế nào về mặt tri thức khoa học, liệu lỗi đạo văn đó có khiến công trình của bà không còn nguyên bản, không có tính mới, không mang hàm ý và lập luận riêng của tác giả? Nói cách khác, họ không quan tâm tới việc về bản chất, tại sao đạo văn lại là một hành vi vi phạm học thuật.

Việc Gay buộc phải từ chức chỉ ra nguy cơ là bất cứ nhà khoa học nào và công trình nào cũng có thể bị đem ra săm soi không vì mục đích học thuật. Trong buổi họp mặt thường niên của Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ diễn ra ngay sau sự kiện Gay từ chức, Robert W. Cherny, giáo sư danh dự về lịch sử tại Đại học Bang San Francisco, bình luận rằng, “Tôi ước mọi người cũng tìm đọc kỹ lưỡng các công trình của tôi như vậy. Nhưng không phải vì mục đích đó.”

Tập đoàn hóa trường đại học - mối đe dọa khác với tự do học thuật

Không chỉ Bill Ackman, Len Blavatnik, một tỷ phú khác đã tài trợ 270 triệu USD cho Harvard, cũng dọa sẽ ngưng tài trợ nếu như Claudine Gay và Harvard không đưa ra lập trường rõ ràng trước những chiến dịch của nhóm sinh viên ủng hộ Palestine đang diễn ra trong khuôn viên của trường. Việc này giống như họ đang dùng tiền để can thiệp vào quyết định của nhà trường, buộc Harvard phải chọn phe, và đó là phe của họ.

Đây chính là một chỉ dấu cho thấy tự do học thuật còn bị o ép bởi tình trạng “tập đoàn hóa” (corporatization) trường đại học của hệ thống giáo dục đại học Mỹ. Tập đoàn hóa trường đại học là một xu hướng không chỉ liên quan đến khía cạnh tài chính (tư nhân hóa, nhận tài trợ tư nhân,…) mà còn thể hiện bản chất và tư tưởng nhìn nhận trường đại học như một công việc kinh doanh, sinh viên là khách hàng, trường học làm dịch vụ để hài lòng sinh viên và phụ huynh, hoạt động nghiên cứu cũng ưu tiên những ý tưởng có thể thương mại hóa.

Henry Giroux, học giả tiên phong về tiếp cận sư phạm phê phán, bày tỏ lo ngại rằng “Khi các trường đại học ngày càng được tập đoàn hóa và quân sự hóa, cơ cấu quản lý của họ sẽ ngày càng độc tài, giảng viên bị giảm giá trị với tư cách là trí thức của công chúng, sinh viên được coi là khách hàng, các lĩnh vực học thuật được coi là lĩnh vực kinh tế để cung cấp bằng cấp và kỹ năng làm việc, và quyền tự do học thuật luôn trong trạng thái bị tấn công.”

Trong thời kỳ mâu thuẫn chính trị năm 1967, Báo cáo Kalven của Đại học Chicago đã viết, “trường đại học là ngôi nhà và là nơi nuôi dưỡng các phản biện, bản thân nó không phải là nhà phản biện”. Khả năng tư duy và nêu ý kiến độc lập của giảng viên và sinh viên sẽ bị hạn chế nếu trường đại học hoặc các nhà lãnh đạo của nó tuyên bố quan điểm “chính thức” về một vấn đề cụ thể hoặc nếu các chính trị gia, nhà tài trợ hoặc các bên bên ngoài khác có thể trừng phạt các học giả và sinh viên khi họ nói lên điều mình nghĩ.

Tự do học thuật và tự do ngôn luận đồng nghĩa với việc không thể tránh khỏi mâu thuẫn quan điểm. Sự chia rẽ của nhóm sinh viên ở Harvard hay các trường đại học khác cũng chỉ phản ánh thực tế phân cực quan điểm ngày càng lớn ở nước Mỹ hiện tại. Sự can thiệp của các nhà tài trợ tới chính sách và công việc quản trị của trường đại học độc hại ở chỗ nó cố gắng chấm dứt và ngăn chặn mâu thuẫn trước khi các đối thoại và trao đổi giữa các quan điểm kịp khởi tạo.

Đặt ra ranh giới cho vi phạm đạo văn là cần thiết, đặt ra ranh giới giữa tự do ngôn luận và ngôn từ thù ghét cũng là cần thiết. Nhưng nó phải được thống nhất bởi các trao đổi giữa giảng viên, sinh viên, ban giám hiệu với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho lợi ích của các thành viên trong trường cũng như tiến bộ học thuật.


Tài liệu tham khảo

Alison Frank Johnson & Stephen M. Walt. (January 05, 2024). Claudine Gay deserved better than this. So did Harvard. Wbur. https://www.wbur.org/cognoscenti/2024/01/05/claudine-gay-resigns-president-harvard-academic-freedom-alison-frank-johnson-stephen-m-walt

C. Islaah Abd’al-Rahim. (January 05, 2024). The Death Knell of Academic Freedom and Intellectual Debate at Harvard. Muslim Matters. https://muslimmatters.org/2024/01/05/the-death-knell-of-academic-freedom-and-intellectual-debate-at-harvard/

Eileen McNamara. (January 03, 2024). Ousting Claudine Gay from Harvard was always about the money. Wbur. https://www.wbur.org/cognoscenti/2024/01/03/harvard-claudine-gay-resigns-president-eileen-mcnamara

Jonathan Bailey. (January 08, 2024). The Weaponization of Plagiarism. Plagiarism Today.
Andrew Lawrence. (January 06, 2024). Harvard’s Claudine Gay was ousted for ‘plagiarism’. How serious was it really? The Guardian.

Sophia Nguyen. (January 04, 2024). The plagiarism allegations against ex-Harvard president Claudine Gay, explained. The Washington Post.

Stephanie M. Lee. (January 09, 2024). ‘You Hand Them a Knife’: After Claudine Gay’s Ouster, Historians Worry About Weaponization of Plagiarism. The Chronicle of Higher Education.