Ngoài việc ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà sản xuất chân chính, tình trạng xâm phạm quyền đối với các giống cây trồng còn kéo theo nguy cơ dịch bệnh, giảm năng suất, chất lượng mùa màng, cũng như hạn chế cơ hội xuất khẩu của nông sản Việt Nam.

Những giống lúa mới nổi tiếng như ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đã nhanh chóng bị xâm phạm bản quyền trên thị trường. Nguồn: Dantri.com.vn
Những giống lúa mới nổi tiếng như ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đã nhanh chóng bị xâm phạm bản quyền trên thị trường. Nguồn: Dantri.com.vn

Trên những cánh đồng lúa ở miền trung Thái Lan, người ta khó có thể phân biệt giống lúa Thái Lan với các giống lúa của Việt Nam đang ngày càng phổ biến. “Hơn 160.000 ha ở miền trung Thái Lan đã trở thành khu vực trồng lúa Việt Nam”, ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trả lời trên Nikkei Asia. “Và chẳng ai phân biệt được đâu là giống Thái thực sự, đâu là giống Việt Nam”. Bất chấp các lệnh cấm của chính quyền, nông dân Thái Lan vẫn lén trồng giống lúa Việt Nam bởi giá rẻ hơn, dễ trồng hơn, có chất lượng tương tự với gạo thơm của Thái nên vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trước tình trạng này, không ít người tự hào vì Việt Nam tạo ra được những giống lúa gạo ngon, cạnh tranh được với thương hiệu nổi tiếng như Thái Lan. Nhưng có lẽ, chúng ta nên lo nhiều hơn mừng, bởi câu chuyện đằng sau phức tạp hơn nhiều. Luật pháp Thái Lan nghiêm cấm nhập khẩu một số loại nông sản chính, do vậy, tất cả giống lúa của Việt Nam đang trồng ở Thái Lan đều là nhập lậu. Như vậy, các đơn vị nắm giữ bản quyền các giống lúa này ở Việt Nam cũng chẳng được hưởng lợi ích gì từ việc bán giống.

Thậm chí, Thái Lan đang dùng chính giống lúa của Việt Nam để cạnh tranh với Việt Nam, tất nhiên là dưới một cái tên khác. “Theo một chuyên gia phân tích thị trường gạo xuất khẩu, lợi thế gần như độc quyền của gạo thơm nhẹ Việt Nam đang bị Thái Lan đe dọa, vì từ 2-3 năm nay, nông dân Thái Lan đã canh tác được các giống lúa của Việt Nam như DT 8, OM 5451, Jasmines 85 và hơn một tháng nay họ đã bán được sang thị trường Philippines”, theo một bài viết trên tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ vào tháng 11/2023. “Khi gạo OM 5454 của Việt Nam chào bán với giá từ 670-680 USD/tấn, thì các thương nhân Thái Lan cũng chào bán loại gạo này nhưng với tên gọi Hom Puang với giá bán từ 615 - 620, thấp hơn giá bán gạo Việt Nam gần 60-65 USD/tấn”.


Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các video trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok giới thiệu giống cây trồng mới lạ, đang là xu hướng được ưa chuộng, cũng như các giống có thương hiệu, giống cây trồng của doanh nghiệp lớn… bị làm nhái, làm giả, được bán với giá thấp, cùng nhiều chiêu trò khuyến mãi, ưu đãi để lừa đảo người tiêu dùng.
Ông Trần Xuân Định


“Ma trận” giống cây trồng

Một giống cây trồng quan trọng như lúa còn bị “đánh cắp” trắng trợn ở nước ngoài như vậy, không khó để hình dung thực trạng bảo hộ giống cây trồng trong nước. “Chỉ cần ra đầu ngõ chỗ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hoặc một số viện, trường khác, chúng ta có thể thấy hàng trăm cửa hàng bán giống cây trồng, không thể kiểm soát được thật giả”, PGS.TS Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nafoods (Nafoods Group), cho biết. Nhiều người thường mua giống cây trồng ở đây vì nghĩ rằng họ phân phối giống chuẩn của Học viện. Tuy nhiên, “hầu hết những cửa hàng đó đều mạo danh Học viện để bán giống”, một cán bộ ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng chia sẻ với KH&PT.

Xu hướng thương mại trực tuyến khiến hoạt động quản lý giống cây trồng càng thêm thách thức. “Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các video trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok giới thiệu giống cây trồng mới lạ, đang là xu hướng được ưa chuộng, cũng như các giống có thương hiệu, giống cây trồng của doanh nghiệp lớn… bị làm nhái, làm giả, được bán với giá thấp, cùng nhiều chiêu trò khuyến mãi, ưu đãi để lừa đảo người tiêu dùng”, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nhận xét trong một hội thảo do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 12/2023.

Trước những thủ thuật này, một số người vẫn mua dù biết không phải là giống cây trồng chính hãng vì cho rằng giá rẻ hơn nhiều, chất lượng chẳng mấy chênh lệch (theo quảng cáo). Trên thực tế, những giống cây trồng giả đều có chất lượng kém hơn so với giống chính hãng. “Những giống này có năng suất, chất lượng kém hơn, ảnh hưởng đến kết quả canh tác”, theo ông Trần Xuân Định. Nguy hiểm hơn, giống cây trồng kém chất lượng còn kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Các giống này dễ bị sâu bệnh hơn, khiến người dân phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hơn, dẫn đến tốn kém và ô nhiễm”, ông Định nói.

Bảo hộ bản quyền nhằm bảo vệ DN, khuyến khích nhà khoa học và nông dân mua giống cây trồng. Ảnh: Hồng Thủy
Bảo hộ bản quyền nhằm bảo vệ DN, khuyến khích nhà khoa học và nông dân mua giống cây trồng. Ảnh: Hồng Thủy

Chỉ cần nhìn vào quá trình sản xuất giống, người ta sẽ nhanh chóng hiểu được tại sao lại có sự chênh lệch “một trời một vực” giữa giống cây trồng thật và giả. “Để tuân thủ quy định về nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, chúng tôi đã xây dựng hệ thống nhà lưới ba cấp với trên 6 ha nhà màng, công nghệ mua từ Đài Loan. Ngoài ra, chúng tôi cũng có hệ thống phòng thí nghiệm sinh học phân tử để test bệnh. Do vậy, cây giống của chúng tôi hoàn toàn sạch bệnh, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người dân”, PGS.TS Nguyễn Văn Viết cho biết. “Trong khi đó, các cơ sở sản xuất giống cây trồng xâm phạm bản quyền thì tốn rất ít chi phí, kéo theo chất lượng giống đi xuống”.

Khi sử dụng các loại giống giả mạo chất lượng kém, chúng ta đang đánh mất cơ hội sở hữu các loại giống cây trồng chất lượng cao trong tương lai. “Quá trình nghiên cứu, tạo ra một giống cây trồng tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, mà chưa chắc kết quả cuối cùng được như mong muốn, có khi mất cả đời người ta mới tạo ra được một giống cây mới”, ông Nguyễn Thanh Minh ở Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, nhận xét. Do vậy, việc bảo hộ giống cây trồng chặt chẽ sẽ giúp tác giả được độc quyền khai thác giống, thu lại tiền bản quyền, bù đắp những chi phí trong quá trình chọn tạo và có nguồn lực để tái đầu tư cho nghiên cứu. “Khi chúng ta xử lý tốt vấn đề bản quyền giống cây trồng, đảm bảo quyền lợi cho tác giả, chúng ta mới có cơ hội tiếp cận với các giống mới, không chỉ của Việt Nam, mà còn các giống cây trồng trên thế giới”, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, nhận xét trong một tọa đàm của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Khó xác định xâm phạm bản quyền

Khác với các loại hàng hóa thông thường, việc xác định một giống cây trồng giả mạo phức tạp hơn nhiều so với một cuốn sách lậu hay một chiếc túi xách nhái hàng hiệu. Đơn cử như giống lúa, nhiều đơn vị sản xuất giống giả mạo bằng cách thu mua lúa thực phẩm (lúa thịt) từ người dân để làm giống, trên bao bì ghi “lúa lương thực” để qua mắt cơ quan chức năng. “Khi đi kiểm tra và gặp loại giống này thì mình cũng không xử lý vi phạm được. Do đơn vị kinh doanh nói loại giống này họ bán để làm lương thực, chứ không phải làm giống. Từ đó, khiến cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vấn nạn này”, ông Lê Thanh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, trả lời trên Báo Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2019.

Để kiểm soát bản quyền giống cây trồng, nhiều người đề xuất tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều vướng mắc. “Trên thực tế các cuộc thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nói riêng chỉ có hiệu quả khi thực hiện theo hình thức đột xuất. Tuy nhiên theo quy định của Luật Thanh tra, thanh tra đột xuất chỉ được tiến hành khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao”, theo một bài viết trên báo Nhân dân vào năm 2020.

Dù bị phát hiện và xử lý, những đơn vị sản xuất giống giả mạo thường vẫn tiếp tục tái phạm bởi mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. “Chúng ta phải có chế tài phạt nặng như rút giấy phép kinh doanh, chứ phạt vài triệu đồng chẳng có tác dụng gì cả, vì lợi nhuận thu lại từ làm giống cây giả là rất lớn”, ông Nguyễn Văn Viết nhận định.

Có thể thấy, những vướng mắc về bản quyền giống cây trồng không thể giải quyết trong một ngày hai. Trong lúc đó, một số doanh nghiệp đã tự tìm cách bảo vệ mình. Chẳng hạn như Lộc Trời, “Sau khi mua bản quyền giống xoài cát Hòa Lộc, chúng tôi không kinh doanh đại trà ngoài thị trường mà chỉ cung cấp cho các hợp tác xã muốn đăng kí tham gia vùng nguyên liệu với Lộc Trời thì chúng tôi mới cung cấp cây giống. Nguồn cây giống bố mẹ hiện nay vẫn ở Viện, chúng tôi đặt hàng Viện sản xuất cây con, đảm bảo quản lý chặt chẽ từ cây mẹ đến cây con, không bị lọt ra ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp với các đơn vị, khi phát hiện cá nhân, doanh nghiệp nào xâm phạm thì sẽ kiểm tra, phân tích gene để xác minh, từ đó áp dụng các chế tài bảo vệ bản quyền”, ông Trương Phan Khải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Lộc Trời cho biết.

Bài đăng số 1275 (số 3/2024) KH&PT