Không tiền mặt góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng to và tham nhũng vặt, đồng thời phòng chống rửa tiền. Do vậy, cần phổ cập nhanh việc không dùng tiền mặt với chiến lược toàn diện, theo quan điểm không bỏ ai lại phía sau.

Thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 tỷ đồng, tăng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh hoạ: Internet.
Thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 tỷ đồng, tăng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh hoạ: Internet.

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, vừa diễn ra ngày 11/6 tại TP. HCM, với sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của TP. HCM và các ngân hàng, công ty tài chính.

Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết theo Công ty Tư vấn PwC, Việt Nam đã tăng thanh toán không tiền mặt từ 37% lên 41% trong những năm gần đây, là một tín hiệu tích cực cho hội nhập và phát triển. Ngân hàng nhà nước cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán mới, tập trung vào thanh toán số, ngân hàng số.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, đã thông tin: “từ năm 2002 đến nay, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng chi tiêu không dùng tiền mặt, ước tính cuối 2018 có khoảng 80.000 tỷ đồng được giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, ví điện tử,… Tuy nhiên, rất nhiều ngành cung ứng dịch vụ chưa có hệ thống công nghệ thông tin. Do đó, ngành ngân hàng đề xuất các cấp, ngành và khối tư nhân cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung, tích hợp và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, có cơ chế tài chính cho phép đơn vị cung ứng dịch vụ công được trả phí không dùng tiền mặt.” Đồng thuận với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Trung – Cục trưởng cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết: “Khái niệm tiền di động không mới với các nước, ví dụ như Kenya đã triển khai cách đây 12 năm. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để triển khai, như: kênh phân phối, lợi ích của các kênh di động, thương hiệu uy tín và động cơ đầu tư đúng đắn. Tuy nhiên, phương thức quản lý cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, chúng ta nên quản lý dựa trên văn bản (rule-based) hay quản lý dựa trên mức độ rủi ro (risk-based)?”

Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt

Từ góc độ của nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức – quyền TGĐ Saigon Coop – cho biết: “tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, khoảng 4.9%. Tuy nhiên ghi nhận tại hệ thống SG Coop, tỷ lệ này chỉ xấp xỉ 3%, rất thấp. Chúng tôi đang mong muốn nâng tỷ lệ lên khoảng 30%. Điều này phải chấp nhận rủi ro và phải thực hiện nhanh.” Song ông Đức cũng thừa nhận còn khá nhiều trở ngại trước mắt, như “chuẩn chung kết nối kỹ thuật chưa có; liên minh từng loại hình thanh toán còn manh mún, rời rạc; đối soát hoàn trả giao dịch không thành công còn có vấn đề; quy chuẩn thống nhất về QR code; đầu tư POS – tăng số điểm chấp nhận; công cụ mới “mobile money” và sự tập trung và đồng bộ trong chính sách.”

Tại phiên thảo luận, Giám đốc điều hành Shopee – ông Trần Tuấn Anh – chia sẻ: “Trong 7 nước mà Shopee đang hoạt động, Việt Nam có tỉ lệ dùng tiền mặt cao nhất. Do đó chúng tôi rất muốn giải bài toán này. Qua nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận thấy lí do người dân dùng tiền mặt không đơn giản là thói quen mà là sự trải nghiệm về không dùng tiền mặt chưa tốt bằng dùng tiền mặt. Làm sao để khách hàng có những trải nghiệm đầu tiên với việc thanh toán không dùng tiền mặt, rồi thì họ sẽ cảm thấy thích thú và có nhiều lợi ích. Đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt.” Từ góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ và hạ tầng viễn thông, ông Trần Sơn Hải – Phó tổng Giám đốc VNPT Media – cho rằng thị trường Việt Nam không dễ dàng thay đổi nếu không đầu tư thời gian và tiền bạc. Khách hàng chỉ quan tâm làm sao nhanh, tiện, rẻ,… Do đó các công ty thương mại điện tử như Shopee cần phải liên kết với ngân hàng để đưa ra các chương trình khuyến mãi phù hợp nhằm tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng.

Khép lại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận: “Có những ngân hàng 100% doanh thu từ tín dụng, trong khi các hoạt động phi tín dụng thì rất kém. Chúng ta nên đi bằng “nhiều chân”, tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng cũng được tăng lên. Không tiền mặt mà có rất nhiều thứ. Chính phủ rất quan tâm, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt nhanh.

Giao dịch không tiền mặt ngày càng tăng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 tỷ đồng, tăng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.

4 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có hơn 18.700 máy ATM, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2018. Số điểm POS đạt 266.700 máy và hiện đã lắp đặt ở hầu hết các chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công như bệnh viện, trường học,…

Số lượng và giá trị giao dịch qua thẻ cũng tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 3/2019, số lượng thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch, tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị giao dịch hơn 171.000 tỷ đồng, tăng 18,82%. Bên cạnh đó, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch, giá trị giao dịch khoảng 4.581.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 65.81% và 13.46% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động cũng đạt hơn 76 triệu giao dịch, giá trị giao dịch hơn 924.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018.