Cơn bão tẩy chay của phương Tây đang nhắm vào gã khổng lồ Huawei (Trung Quốc) thực sự là một bài học rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Việt, rằng chúng ta sẽ khó lòng phát triển bền vững nếu cứ mãi ôm giữ tư duy “ăn xổi ở thì”, thích lớn nhanh như Thánh Gióng, nhưng lại không muốn tôn trọng luật chơi và làm ăn thiếu minh bạch.

Với nguy cơ rò rỉ dữ liệu cùng khả năng trở thành công cụ gián điệp, các sản phẩm điện thoại của Huawei đến từ Trung Quốc ngày càng mất điểm trên đất khách.
Với nguy cơ rò rỉ dữ liệu cùng khả năng trở thành công cụ gián điệp, các sản phẩm điện thoại của Huawei đến từ Trung Quốc ngày càng mất điểm trên đất khách.

Giữa lúc thương chiến Mỹ – Trung đang ở vào giai đoạn cao trào, Google lại vừa giáng cho Huawei một đòn khá nặng, hưởng ứng sắc lệnh hành pháp (executive order) của Tổng thống Donald Trump, bằng cách chặn không cho các sản phẩm (smartphone, tablet, …) của hãng này được tiếp tục cập nhật phần mềm mới trên nền tảng hệ điều hành Android – động thái chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tham vọng dẫn đầu thị trường của nhà sản xuất điện thoại di động đang có thị phần lớn thứ hai thế giới (doanh thu gần 58 tỷ USD từ mảng này trong năm 2018).

Tại thị trường quốc nội, Huawei có thể sẽ không cần tới Google mà vẫn sống khỏe, bởi từ lâu Trung Quốc (TQ) cũng đã tự mình dựng lên bức tường lửa (Vạn lý trường thành) nhiều hàng lớp trên internet để ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây (nhất là Mỹ) thông qua Google Search, Gmail, Facebook, Youtube, … do lo ngại chúng sẽ đe dọa nền tảng ổn định của xã hội TQ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (CCP); và thay thế bằng những sản phẩm cây nhà lá vườn như Baidu, QQ, WeChat, Tencent, … Tuy nhiên, nếu muốn bán hàng ra thế giới, dẫu chất lượng phần cứng có vượt trội đến mấy thì Huawei cũng khó lòng thành công nếu thiếu hệ sinh thái phong phú với vô vàn ứng dụng tiện lợi của Google Play. Việc tự phát triển và để thành công với hệ điều hành riêng là không hề dễ, bởi cả Blackberry (RIM), Nokia, Microsoft, Samsung hay Amazon, … đều từng rất cố gắng nhưng hiệu quả lại không được như mong đợi.

Chưa hết, tương lai của Huawei lại càng trở nên mù mịt khi một loạt các đối tác công nghệ lớn, từ Intel, Qualcom, Microsoft, AMD, Panasonic, Toshiba, … cho đến Hiệp hội Thẻ nhớ và Liên minh Wi-Fi quốc tế, … cũng đều đồng loạt quay lưng với họ (bằng cách từ chối cung cấp linh kiện, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ cho Huawei). Trong số đó, nghiêm trọng nhất có lẽ là quyết định của ARM Holdings – công ty có trụ sở tại Anh, nay thuộc sở hữu của SoftBank (Nhật Bản), chuyên nghiên cứu và cấp phép sử dụng nền tảng kiến trúc ARM (hiện đang độc chiếm trên các thiết bị di động) – tuyên bố sẽ không bán thiết kế cho Huawei nữa, động thái hoàn toàn triệt hạ giấc mơ tự sản xuất bộ vi xử lý cùng tham vọng dẫn đầu làn sóng 5G của TQ.

Không thể phủ nhận sự tiến bộ thần tốc về kinh tế và công nghệ mà TQ đạt được trong 4 thập kỷ qua kể từ khi mở cửa (1978). Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng theo kiểu vừa nhanh, vừa nhiều, vừa rẻ, nước này đã lựa chọn phương án ít tốn kém công sức nhất là sao chép làm nhái, bán phá giá … khiến nhiều doanh nghiệp đi trước của phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan điêu đứng. Lấy ví dụ: doanh số bán hàng (thiết bị viễn thông) của cả Nokia và LM Ericsson cộng lại cũng chẳng thể bằng Huawei. Không khó để nhận thấy, phần lớn các sản phẩm công nghệ mà người Trung Quốc hôm nay đều rất tự hào, thường mang những nét tương đồng, nếu không muốn nói là copy từ các ý tưởng sáng tạo của Mỹ và phương Tây, từ thiết kế điện thoại di động cho tới phần mềm. Chẳng thế mà Cissco Systems từng không ít lần tố Huawei vi phạm sở hữu trí tuệ, khi sao chép trắng trợn mã nguồn thiết bị chuyển mạng (switch) của mình.

Đặc biệt, với lợi thế của kẻ đi sau, TQ hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm từ những mô hình kinh doanh và phát minh sáng chế lỗi, hoặc khiếm khuyết của người đi trước, để từ đó thực hiện thêm nhiều cải tiến nhằm hoàn thiện với chi phí tối ưu và hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất. Kết quả là, các doanh nghiệp hàng đầu TQ như Huawei, Tencent, DJI, Xiaomi, … đều nhanh chóng lớn mạnh và đạt quy mô khổng lồ (doanh thu hàng chục tỷ USD) chỉ trong một thời gian kỷ lục – điều mà hầu hết những tên tuổi nổi tiếng của phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan phải mất hàng thập kỷ mới làm nổi. Đã từng có những công ty và nhà quản lý trích dẫn Huawei như một mô hình phát triển lý tưởng và nên học hỏi.

Nhưng chỉ đến khi dính đòn, nền kinh tế và công nghệ của Trung Quốc mới bắt đầu bộc lộ các điểm yếu chết người, rằng họ không thật sự quá mạnh như lời đồn thổi khi vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp phương Tây. Ngược lại, với xuất phát điểm gần như tương tự Trung Quốc trong thời mở cửa, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sau Thế chiến II đã có những chiến lược đúng đắn để đi đường dài: ban đầu cũng phải tạm thời sao chép để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nhằm thu về ngoại tệ, nhưng sau đó đã nỗ lực học hỏi, hấp thu tri thức phương Tây để tự xây dựng cho mình nền kỹ nghệ bài bản, với phương châm tự lực (đi lên bằng chính đôi chân của mình), … cho nên được cả thế giới ngưỡng mộ và nể phục. Chiếc iPhone của Apple chính là một minh chứng hùng hồn, khi sản phẩm thời thượng này đang sử dụng chip A-Series chế tạo tạo xưởng đúc bán dẫn của TSMC (Đài Loan); bộ nhớ RAM và pin của Samsung, Hynix, LG (Hàn Quốc); camera, màn hình, bộ nhớ flash của Sony, Sharp, Toshiba (Nhật) …

Do nằm giữa cuộc chiến của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chắc chắn Việt Nam sẽ phải hứng chịu một vài ảnh hưởng nhất định, song đi kèm với đó cũng là rất nhiều cơ hội, nhờ vị trí địa chính trị tuyệt vời – giúp đón đầu xu hướng chuyển dịch ngành sản xuất chế tạo ra khỏi TQ. Vì thế, vấn đề ở đây là chúng ta hãy tranh đấu để giành lấy lợi thế lớn nhất cho mình chứ không phải chỉ tìm cách hạn chế rủi ro như một số khuyến nghị – trong quá khứ, chiến tranh Việt Nam đã mang lại rất nhiều cơ hội cho cả Đông Á, những nước tận dụng được điều này đều đã trở thành cường quốc. Tuy nhiên, trở ngại căn bản kìm hãm sự phát triển của Việt Nam lại nằm ở tư duy của chúng ta, chứ không phải do hoàn cảnh. Từ bài học của Huawei và TQ, chúng ta hãy tìm cách xây dựng một mô hình hoàn toàn khác và ưu việt hơn so với họ, nhấn mạnh tôn trọng các luật lệ và nguyên tắc của kinh tế thị trường, cam kết minh bạch (như hạn chế hoặc xóa bỏ sự can thiệp của nhà nước). Bằng không, viễn cảnh bị cô lập (mặc dù khó xảy ra đối với các nước nhỏ) cũng không hẳn là không có cơ sở, khi Việt Nam hôm nay cũng đã lọt top 10 thế giới về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.